Phổ biến, giáo dục pháp luật là sự tác động có mục đích, có định hướng tới nhận thức của các cá nhân trong xã hội nhằm trang bị cho mỗi người kiến thức pháp luật để từ đó họ có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo đúng yêu cầu của pháp luật [53, tr. 156]. Đây là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, là cầu nối đưa pháp luật vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực QLNN và giảm thiểu hành vi trái pháp luật [54, tr. 43].
Với ý nghĩa như vậy, để tăng cường hiệu quả quản lý đối với QCNT thì điều cần làm đầu tiên chính là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa hiệu quả tuyên truyền, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tuyên truyền cần phải chú trọng đến nội dung và hình thức của từng loại hình công
Về nội dung, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về QCNT trong LQC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Những nội dung này có thể được lồng ghép trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật về QCNT. Đồng thời, có thể phổ biến tình hình, kết quả công tác QLNN về thực hiện họat động QCNT.
Về hình thức, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về QCNT có thể được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa các hình thức truyền thống và hiện đại. Hình thức phổ biến thường được sử dụng là phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như bản tin trên báo chí, phát thanh, truyền hình và các tờ rơi tuyên truyền; thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học hoặc thông qua công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường. Ngoài ra, hoạt động phổ biến theo phương thức truyền thống còn có thể được thực hiện thông qua việc lồng ghép vào nội dung các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc nội dung sinh hoạt chuyên đề của các câu lạc bộ, đoàn thể. Tuy nhiên, để có thể mang lại hiệu quả cao nhất, những người làm công tác phổ biến cần phải chú trọng áp dụng các hình thức tuyên truyền này sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng nhất định. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam thì việc ứng dụng các mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về QCNT nói riêng rất cần được chú trọng.