QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.1. Tổng quan về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phố Hồ Chí Minh
TP.HCM là đô thị đặc biệt, đông dân nhất cả nước, là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, là cửa ngõ giao thương quốc tế. Thành phố có tổng diện tích tự nhiên 2.095,39 km2, quy mô dân số 09 triệu người vào năm 2020 (thực tế có 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc). TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Quảng cáo là hoạt động kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động kích thích tiêu dùng, làm cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Khai thác tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin – truyền thông sẽ giúp hoạt động quảng cáo phát triển vượt bậc, không chỉ giúp doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất ra đến người tiêu dùng mà còn góp phần phát triển các nhu cầu của xã hội, mở ra những nhu cầu mới, thúc đẩy sự cạnh tranh và cải tiến kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Ngành quảng cáo còn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.
Phát triển ngành quảng cáo ở TP.HCM trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố đến năm 2030. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn Thành phố có trên 2.500 doanh nghiệp có chức năng hoạt động quảng cáo, trong đó khoảng 300 công ty thực hiện hoạt động quảng cáo thường xuyên, 16 công ty quảng cáo nước ngoài hoạt động dưới nhiều hình thức và 07 văn phòng đại diện doanh nghiệp quảng
Hoạt động quảng cáo tại TP.HCM trong thời gian qua khá phát triển, gia tăng nhanh về số lượng, quy mô, có sự tiến bộ nhất định về chất lượng, công nghệ, có các loại hình, hình thức mới nhằm thông tin, giới thiệu, quảng bá các loại hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đến người tiêu dùng, góp phần truyền tải văn hóa đến công chúng trong và ngoài nước.
Những năm vừa qua, ngành quảng cáo tại TP.HCM chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thể ngành quảng cáo cả nước, trên tất cả các loại hình: ngoài trời, các phương tiện truyền thông đại chúng, internet và trên phương tiện công cộng. Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê doanh thu chính thức từ các loại hình quảng cáo cả nước, tuy nhiên các tổ chức nghiên cứu thị trường cho rằng, con số dao động vào khoảng 1 tỷ USD. Theo mục tiêu được Chính phủ đề ra, doanh thu quảng cáo đến năm 2020 sẽ đạt 1,5 tỷ USD, năm 2030 đạt 3,2 tỷ USD. Những con số trên cho thấy ngành quảng cáo ngày càng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Năm 2019, doanh thu hoạt động của ngành quảng cáo TP.HCM đã đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, ước đạt 58.369 tỷ đồng [01, tr. 1].
Trong số các loại hình quảng cáo, QCNT là loại hình quảng cáo được sử dụng khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau như: Băng-rôn quảng cáo; Bảng quảng cáo, hộp đèn quảng cáo; Quảng cáo tại nhà chờ xe buýt; trạm trung chuyển xe buýt, trạm rút tiền tự động của ngân hàng (trạm ATM); Quảng cáo trên dải phân cách; Quảng cáo trên phương tiện giao thông, màn hình chuyên quảng cáo; Quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng; Biển hiệu; Quảng cáo bằng phương tiện phát âm thanh; đoàn người thực hiện quảng cáo; quảng cáo rao vặt; quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao; hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo…
Tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM đã và đang diễn ra nhanh chóng, không gian đô thị mở rộng kiến trúc, cảnh quan đô thị thay đổi; các hoạt động QCNT tác động rất lớn đến cảnh quan, môi trường, mỹ quan đô thị; tác động đến nếp sống của người dân thành thị, nhận thức thẩm mỹ và tâm lý tiêu dùng của công chúng. Việc tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, nhu cầu quảng bá sản
phẩm, dịch vụ bên cạnh góp phần tăng trưởng kinh tế đã làm bùng nổ các hoạt động QCNT dẫn đến phát sinh những hạn chế nhất định như quảng cáo không phép, sai phép; đặt biển quảng cáo không đúng nội quy định, lấn chiếm lòng, lề đường; thiết kế bảng quảng cáo vượt quá kích thước cho phép; nội dung quảng cáo sai sự thật, thông tin quảng cáo không đầy đủ, chính xác; quảng cáo rao vặt, phát tờ rơi trên đường phố... đang làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thị hiếu của công chúng. Do đó đòi hỏi hoạt động QLNN đối với QCNT trên địa bàn Thành phố phải kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả mới giúp quản lý tốt các hoạt động QCNT, qua đó thực hiện được mục tiêu kép phát triển kinh tế gắn liền với giữ gìn mỹ quan đô thị và môi trường.