Khác với giai đoạn xét xử và giải quyết tranh chấp trước đó, các quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự mới chỉ được xác định trên giấy thì hoạt động THADS lại trực tiếp tác động đến các quyền nhân thân và tài sản - các quyền, lợi ích thiết thân của người phải thi hành án, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người phải THADS và gia đình họ. Chính vì vậy, trong THADS, các đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt và tìm mọi cách để chống đối, cản trở việc thi hành án, làm cho các quyền và nghĩa vụ trong bản án, quyết định chậm được thực hiện hoặc không thực hiện được, án dân sự tồn đọng, kéo dài từ năm này qua năm khác. Một số đương sự có văn hóa ứng xử không phù hợp và chưa nắm vững quy định của pháp luật, điều này cũng có từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện hiện chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của Chấp hành viên theo quy định của pháp luật.
Tiểu kết Chương 1
Trong Chương 1, địa vị pháp lý Chấp hành viên đã được khái quát, chỉ rõ về mặt lý luận, phân tích, phát triển ở các nội dung cơ bản gồm: Các quan điểm, quan niệm về Chấp hành viên, lịch sử hình thành chức danh, vai trò, chức năng, nhiệm vụ .v.v… cấu thành nên địa vị pháp lý Chấp hành viên trong THADS. Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự. Địa vị pháp lý Chấp hành viên THADS là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của Chấp hành viên trong các quan hệ pháp luật về thi hành án dân sự, thể hiện vị trí, vai trò, thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Chấp hành phát sinh trong quá trình thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Cấu thành địa vị pháp lý Chấp hành viên thể hiện ở các quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên trong THADS và thông qua các quy định về trình tự, thủ tục thi hành các bản án, quyết định (giai đoạn tự nguyện thi hành án, cưỡng chế thi hành án và giai đoạn kết thúc thi hành án). Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến địa vị pháp lý Chấp hành viên bao gồm: Pháp luật; thông qua công tác kiểm tra của Thẩm tra viên; Sự phối hợp của các cơ quan hữu quan; Năng lực của Chấp hành viên; Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự; và Ý thức pháp luật trong xã hội.
Chương 2