Thi hành án dân sự là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bằng việc thực thi công lý, thực thi những phán quyết của tòa án. Thực tế cho thấy, thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn, vướng mắc:
- Quy định của pháp luật hiện về thi hành án hiện nay còn nhiều bất cập, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên - đặc biệt là quyền được pháp luật bảo vệ của Chấp hành viên - chưa được áp dụng thực sự hiệu quả trong thực tiễn.
- Trong năm 2020, các Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý thi hành nhiều vụ có số tiền phải thi hành án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn, Dương Thanh Cường, Trần Phương Bình…, các vụ việc này đương sự đang thụ hình tại Trại giam T16, Hà Nội,
hoặc chuyển trại không có ủy quyền cho bất kỳ cá nhân nào để tham gia quá trình giải quyết việc thi hành án và một số trường hợp người phải thi hành án không hợp tác với cơ quan thi hành án.
- Tài sản sung công quỹ nhà nước theo nội dung bản án tuyên chưa hết thời hạn thông báo tìm chủ sở hữu. Nhiều vụ sung công quỹ nhà nước có giá trị lớn nhưng Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh chưa có văn bản tiếp nhận hoặc có văn bản tiếp nhận nhưng chưa nhận tài sản, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án của các Chấp hành viên.
- Pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng, phá sản và thẩm định giá, bán đấu giá còn có khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng; một số quy định còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn hiện hành, từ đó gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án; đồng thời, pháp luật về thi hành án dân sự có một số quy định chưa thực sự phù hợp hoặc chưa được quy định cụ thể, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên cũng như làm chậm tiến độ thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.
- Người phải thi hành án là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, có nhiều quan hệ, có sự chuẩn bị kỹ, đối phó ngay từ khi thực hiện hành vi phạm tội, chủ động xóa dấu vết, tiêu hủy giấy tờ, chứng từ có liên quan đến hành vi phạm tội; lợi dụng các sơ hở của quy định pháp luật và hoạt động tố tụng để tẩu tán, che giấu, cất giấu tài sản ở nước ngoài hoặc chuyển nhượng, sang tên, tặng cho người khác nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
- Một số trường hợp người phải thi hành án không hợp tác, chống đối việc tổ chức thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, lợi dụng khiếu nại, tố cáo kéo dài không có căn cứ để trì hoãn quá trình thi hành án. Có trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, tổ chức nhà nước chậm hoặc không yêu cầu thi hành án dẫn đến cơ quan thi hành án dân sự chậm hoặc không thụ lý để tổ chức thu hồi tài sản được.
- Một số nội dung bản án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành hoặc dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; một số bản án tuyên có sai sót nên mất nhiều thời gian để đợi tòa án giải thích, sửa chữa, đính chính, bổ sung. Một số bản án tuyên nghĩa vụ liên đới bồi thường nhưng không xác định kỷ phần của mỗi người
phải thi hành án nên việc thi hành án bị kéo dài không giải quyết dứt điểm được do chỉ cần 01 người còn điều kiện thi hành án thì vẫn phải tiếp tục tổ chức thi hành án, trong khi những người khác không còn tài sản, không có điều kiện thi hành án.
- Tình trạng pháp lý của tài sản kê biên trong một số vụ việc hết sức phức tạp, chưa xác định rõ quyền sở hữu, sử dụng, chưa hoàn thiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và công trình trên đất hoặc có sự chênh lệch diện tích giữa nội dung án tuyên, biên bản kê biên của cơ quan điều tra với diện tích trên thực địa nên cơ quan thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc xử lý, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo sau này khi tổ chức cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản
- Việc kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án ngay trong giai đoạn tố tụng là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả, đảm bảo thuận lợi cho công tác Thi hành án dân sự . Tuy nhiên nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng kê biên tài sản không đúng với thực tế, tài sản chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý dẫn đến tình trạng cơ quan Thi hành án không thể tiến hành phát mãi tài sản, kéo dài quá trình thi hành án. Đồng thời khi bản án được chuyển giao cho cơ quan thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng không chuyển giao các Lệnh kê biên, biên bản kê biên, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bản chính đã được thu giữ trong quá trình điều tra, dẫn đến tình trạng cơ quan thi hành án mất rất nhiều thời gian yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng bàn giao giấy tờ có liên quan.
- Một số Chấp hành viên còn chủ quan, nóng vội dẫn đến sai sót về trình tự thủ tục thi hành án. Chưa kịp thời tham mưu lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc; vẫn còn trường hợp kỹ năng, trình độ nghiệp vụ của Chấp hành viên không đáp ứng yêu cầu công tác, ý thức trách nhiệm chưa cao, còn có vi phạm kỷ luật xảy ra.v.v… , không thường xuyên cập nhật sự thay đổi các quy định của pháp luật, chỉ làm theo kinh nghiệm, thói quen, lối mòn, dẫn đến những sai sót, vi phạm trong tổ chức thi hành án, vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
- Thi hành án dân sự là công việc khó khăn, phức tạp, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có số lượng tiền, việc phải thi hành lớn nhất cả nước, thi hành nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, do đó Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự luôn trong tình trạng quá tải công việc, tiền lương, thưởng, trợ cấp và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với nghĩa vụ, trách nhiệm, sự vất vả và các rủi ro nghề
nghiệp mà Chấp hành viên phải đảm trách. Trong vài năm gần đây, số công chức Thi hành án, Chấp hành viên xin nghỉ việc, chuyển công tác ra khỏi ngành ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý, số lượng, chất lượng Chấp hành viên của các cơ quan Thi hành án dân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Một số vụ việc mới phát sinh theo xu hướng phát triển của xã hội nền kinh tế thị trường như xử lý tài sản để thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, phần góp vốn, tài sản hình thành trong tương lai chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể gây lúng túng cho Chấp hành viên hoặc tâm lý e dè, sợ trách nhiệm khi xử lý tài sản để thi hành án.
- Ý thức chấp hành pháp luật của một số đương sự, người có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án chưa nghiêm, đương sự hiểu biết các quy định của pháp luật nhưng không tuân thủ, không tự nguyện thi hành án; có đơn thư phản ánh, khiếu nại kéo dài nhằm cản trở công tác thi hành án, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án của Chấp hành viên.
Tiểu kết Chương 2
Tại Chương 2 này đã tập trung nêu bật về thực trạng địa vị pháp lý Chấp hành viên trong THADS từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung này đã được phản ánh, phân tích theo các mặt như sau:
Nêu khái quát về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan Thi hành án dân sự trực thuộc, Chấp hành viên, thống kê số lượng Chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh 04 năm gần đây.
Trong Chương này cũng nêu rõ về những kết quả nổi bật trong từng mặt công tác, nhiệm vụ, quyền hạn chung của Chấp hành viên trong THADS và nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức thi hành bản án, quyết định dân sự (trong các giai đoạn thi hành án), có phân tích, đánh giá nhằm làm rõ về kết quả, hiệu quả, vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của Chấp hành viên trong từng nhiệm vụ công tác được giao và trong các mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan; phân tích đánh giá thực trạng địa vị pháp lý Chấp hành viên trong các cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Chấp hành viên.
Chương 3