Giải pháp riêng cho đội ngũ Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa vị pháp lý chấp hành viên trong thi hành án dân sự từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 74 - 78)

án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh

Đểnâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian

tới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thi hành án, cần có các giải pháp riêng cho đội ngũ Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hố Chí Minh, cụ thể như sau:

3.2.2.1. Bổ sung thêm biên chế Chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có số lượng việc và tiền phải thi hành lớn nhất trong cả nước, nhiều vụ việc thi hành án tham nhũng, kinh tế, thu hồi tài sản cho nhà nước có giá trị rất lớn, tập trung nhiều tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đó, tổng biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 6,9% trên tổng biên chế toàn ngành. Chấp hành viên thường xuyên quá tải công việc và phải chịu áp lực công việc rất lớn, bình quân một Chấp hành viên phải giải quyết trên 200 vụ việc với số tiền trên 100 tỷ đồng trong một năm với nhiều vụ việc đặc biết lớn, tính chất phức tạp đã tạo áp lực cho Chấp hành viên Thành phố (từ năm 2019 đến nay đã có 25 công chức thi hành án Thành phố xin

nghỉ việc, chuyển công tác, trong đó có 12 người là Chấp hành viên). Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, cần bổ sung thêm biên chế công chức làm công tác thi hành án nói chung và biên chế Chấp hành viên nói riêng nhằm đáp ứng khối lượng của công việc, không nên “cào bằng” chỉ tiêu phân bổ biên chế, chỉ tiêu Chấp hành viên, tỷ lệ tinh giản biên chế của các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh như các cơ quan Thi hành án dân sự ở các địa phương khác (có số lượng việc và tiền có giá trị nhỏ).

3.2.2.2. Ban hành tiêu chí xác định tính chất các vụ việc phải thi hành án

Cần ban hành tiêu chí xác định những vụ việc lớn, phức tạp, cần thiết phải tổ chức họp bàn, báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng nhằm tạo sự chủ động cho Chấp hành viên trong trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế có huy động lực lượng. Đồng thời, cũng cần căn cứ vào ngạch Chấp hành viên hiện giữ để phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án cho phù hợp, muốn vậy cần phải làm rõ các tiêu chí để xác định thế nào là “những vụ việc đơn giản”, “có giá trị không lớn” để giao cho Chấp hành viên sơ cấp tổ chức thi hành còn những “vụ việc phức tạp”, “có giá trị lớn, ảnh hưởng nhiều đến nhiều ngành, cấp, địa phương” do Chấp hành viên trung cấp thi hành và những vụ việc đặc biệt phức tạp, có giá trị rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến nhiều cấp, ngành, địa phương thì do Chấp hành viên cao cấp thực hiện. Hiện nay do chưa có tiêu chí xác định và chưa có hướng dẫn và số lượng việc, tiền phải thi hành nhiều nên việc phân công án của các Chấp hành viên Thành phố Hồ Chí Minh là do Thủ trưởng đơn vị phân công không phụ thuộc vào ngạch Chấp hành viên hiện đang giữ. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức thi hành án của Chấp hành viên.

3.2.2.3. Cần có “cơ chế”, “chính sách đặc thù” cho các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh

Là địa phương có số lượng việc và tiền phải thi hành án lớn nhất cả nước, cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh như được trực tiếp tuyển dụng công chức làm công tác thi hành án, thi tuyển Chấp hành viên trên cơ sở chỉ tiêu được Bộ Tư pháp phân bổ hàng năm nhằm nhằm lựa chọn những công chức làm thi hành án, Chấp hành viên thực sự có năng

lực đáp ứng yêu cầu của công việc, tính chất, mức độ phức tạp của các vụ việc thi hành án tại Thành phố Hồ Chi Minh. Cần thành lập Tổ công tác (phía Nam) theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các cơ quan thi hành án phía nam, trong đó có Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Tiểu kết Chương 3

Từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh và trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án dân sự có thể đưa ra các định hướng đảm bảo địa vị pháp lý của Chấp hành viên đó là: Tăng cường trách nhiệm Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án; Tăng cường vai trò của Chấp hành viên trong các hoạt động tư pháp; Đảm bảo tính độc lập của Chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ thi hành án; Đảm bảo quyền được pháp luật bảo vệ, quyền yêu cầu của Chấp hành viên. Nâng cao địa vị pháp lý của Chấp hành viên đồng bộ với cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Trên cơ sở các phương hướng đã định, các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao địa vị pháp lý của Chấp hành viên thi hành án dân sự nói chung gồm: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự; Đổi mới công tác cán bộ; Chế độ đãi ngộ đối với Chấp hành viên; Kiện toàn đội ngũ Chấp hành viên; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Quản lý cán bộ, tăng cường kỷ luật công vụ gắn với kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những Chấp hành viên có vi phạm; Bảo đảm cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm cho các cơ quan Thi hành án dân sự; Có cơ chế kiểm soát hoạt động của Chấp hành viên; Nâng cao ý thức pháp luật cho các bên đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; giải pháp riêng cho đội ngũ Chấp hành viên các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh như: Bổ sung thêm biên chế Chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh; Ban hành tiêu chí xác định tính chất các vụ việc phải thi hành án; Cần có “cơ chế”, “chính sách đặc thù” cho các cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

KẾT LUẬN

“Địa vị pháp lý Chấp hành viên trong thi hành án dân sự từ thực tiễn Thành

phố Hồ Chí Minh” là một đề tài mới, nghiên cứu và phân tích từ cơ sở lý luận cho

đến quá trình nghiên cứu thực tiễn về vai trò, vị trí, chức trách, nhiệm vụ, kết quả và hiệu quả công tác cũng như những thực trạng khác của các Chấp hành viên tại các cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Luận văn đã phân tích làm rõ về khái niệm Chấp hành viên thi hành án dân sự, quan niệm về Chấp hành viên thi hành án dân sự, địa vị pháp lý của Chấp hành viên thi hành án dân sự, phân tích về mặt lý thuyết, cơ sở lý luận đối với các yếu tố cấu thành, các yếu tố ảnh hưởng đến địa vị pháp lý của Chấp hành viên thi hành án dân sự, so sánh chức danh Chấp hành viên với một số chức danh khác để thấy rõ hơn về địa vị pháp lý của Chấp hành viên thi hành án dân sự. Đồng thời, qua quá trình làm việc tại Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu thực tế công việc và kết quả công tác thi hành án của các Chấp hành viên viên thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã đưa ra những nhận xét, đánh giá, phân tích nguyên nhân kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc để làm rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp đảm bảo địa vị pháp lý của Chấp hành viên thi hành án dân sự.

Trong giai đoạn hiện nay và trước những yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, công tác THADS ngày một giữ vị trí quan trọng hoạt động tư pháp, do đó, vai trò của Chấp hành viên trong THADS có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cùng Tòa án nâng cao chất lượng công tác xét xử, thi hành án. Điều đó, đòi hỏi mỗi Chấp hành viên nói chung và Chấp hành viên các cơ quan THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực huyên môn nghiệp vụ, phát huy những kết quả đạt được và chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để nâng cao công tác THADS tại Thành phố Hồ Chí Minh góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.

Do phạm vi nghiên cứu có giới hạn nên đề tài không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các thầy cô giáo để luận văn hoàn chỉnh hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa vị pháp lý chấp hành viên trong thi hành án dân sự từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 74 - 78)