hạn của Chấp hành viên được quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự.
2.2.1.1. Tình hình, kết quả thực hiện
* Về nhiệm vụ “Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các
quyết định về thi hành án theo thẩm quyền”:
Trong công tác thi hành án dân sự thì xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất quan trọng của Chấp hành viên, kết quả xác minh chính xác sẽ giúp Chấp hành viên ban hành các quyết định về thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo cho bản án, quyết định được thi hành đầy đủ, kịp thời và đúng pháp luật. Tuy
nhiên, công tác xác minh điều kiện thi hành án là việc làm rất phức tạp đòi hỏi phải phải có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành luật khác nhau.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 62, khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, khi Chấp hành viên cùng với chính quyền địa phương đến trực tiếp nơi cư trú của người phải thi hành án để xác minh tài sản thì rất khó xác định được tài sản của người phải thi hành án qua việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực tài sản của mình để thi hành án là điều không có tính khả thi trên thực tế, vì đa số đương sự đều không cung cấp nguồn gốc của tài sản, hoặc nêu rõ loại tài sản, thậm chí có trường hợp còn bất hợp tác, không cung cấp hoặc cung cấp không đúng về các tài sản hiện đang có. Để đảm bảo quyết định của bản án được thi hành trên thực tế, đạt hiệu quả, nên chăng pháp luật cần quy định bổ sung quy định đối với hoạt động thi hành án cần phải có Cảnh sát tư pháp hỗ trợ bảo vệ cho hoạt động tổ chức thi hành án của Chấp hành viên được an toàn, hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết có thể xem xét bổ sung cho Chấp hành viên được quyền khám xét nơi ở, khám người, nơi cất giữ đồ đạc của người phải thi hành án thì kết quả thi hành sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự “đơn yêu cầu thi hành án phải nêu thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”. Với quy định này, người được thi hành án phải tự mình xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án, điều này là không có tính khả thi. Người được thi hành án khó có thể yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp thông tin về tài sản của người phải thi hành án. Vì tài sản, tài khoản là bí mật thông tin của cá nhân được pháp luật bảo vệ, mặt khác, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin cho người được thi hành án hoặc cố tình cung cấp sai, thì chưa có biện pháp xử lý, do đó quyền lợi hợp pháp và yêu
cầu chính đáng của người dân chưa được đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Để
khắc phục điểm này, Điều 44 quy định: “Trường hợp chủ động ra quyết định thi
hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến
hành xác minh”. Thực tế cho thấy, việc Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành
án của người phải thi hành án cũng gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn vì người phải thi hành có thể ở khác nơi cư trú với người được thi hành; họ có thể làm việc và có thu nhập ở một nơi khác; tài sản của họ có thể nằm ở nhiều địa phương hoặc ở nước ngoài… Chấp hành viên khó có khả năng đi tất cả các địa phương hoặc ra nước ngoài để xác minh. Mặt khác, để xác minh được tài sản của người phải thi hành án cần có sự phối hợp của các cơ quan tổ chức, đặc biệt là chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn), tuy nhiên hiện nay, pháp luật lại không quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và cơ chế phối hợp. Do đó, cần có các chế tài cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin không cung cấp hoặc cung cấp chậm trễ thông tin khi người được chấp hành viên yêu cầu mà không có lý do chính đáng, không có văn bản trả lời người yêu cầu.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên không tránh khỏi thiếu sót, vi phạm ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, người phải thi hành án, người mua tài sản trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước..., một số dạng vi phạm thường gặp khi việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự như: Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh; Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ; Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án; Không tiến xác minh khi có thông tin về thi hành án; Biên bản xác minh sơ sài; Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; Biên bản xác minh ghi không đầy đủ; Chấp hành viên chưa thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định, từ đó ra các Quyết định về thi hành án không đủ căn cứ; Không
tiến hành xác minh lại; Không phát hiện việc người phải thi hành án kê khai thiếu trung thực; Không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh.
Trên thực tế vẫn còn một số hạn chế, đó là một vài Chấp hành viên mặc dù kết quả xác minh thể hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, không tự nguyện thi hành án nhưng Chấp hành viên vẫn không quyết liệt ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án thi hành hoặc có trường hợp sau khi đã được phân công tổ chức thi hành án, Chấp hành viên không tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo thời hạn quy định hoặc có xác minh nhưng nội dung xác minh còn sơ sài, qua loa, kết quả xác minh chưa đủ căn cứ để xử lý việc thi hành án tiếp theo như phân loại hồ sơ chưa có điều kiện thi hành hoặc chuyển sổ theo dõi riêng theo quy định mặc dù hồ sơ vẫn được phân loại là hồ sơ có điều kiện thi hành án nhưng thực tế không thể thi hành. Như vậy, Chấp hành viên chưa làm tròn nhiệm vụ của Nhà nước giao để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.
* Về quyền của Chấp hành viên:
Theo quy định tại Điều 17 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), thì: Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự.
Ở góc độ thứ nhất, quyền của Chấp hành viên được hiểu là “Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”. Ở góc độ này được hiểu là quyền của Chấp hành viên được pháp luật công nhận cho hưởng quyền và được quyền đòi hỏi bảo đảm quyền của mình, nghĩa là chấp hành viên có quyền đòi hỏi pháp luật phải bảo vệ mình, mà cụ thể là bảo vệ tình mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Ở góc độ thứ hai, quyền của Chấp hành viên được hiểu là “quyền được xác định về nội dung, phạm vi, mức độ” - nghĩa là những quyền hạn của Chấp hành viên được pháp luật Thi hành án dân sự quy định được làm hoặc phải làm và khi thực hiện quyền hạn thì phải tuân theo nội dung, phạm vi, mức độ... cho phép. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức thi hành án dân sự, vẫn còn nhiều rào cản, nhiều hạn chế đảm bảo thực thi quyền và quyền hạn của Chấp hành viên, nhất là quyền được pháp luật bảo về danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền yêu cầu của chấp hành viên [24].
bản khác nhau, xuất phát từ các quyền con người được quy định trong Hiến pháp, ví dụ như, để bảo vệ Chấp hành viên đối với hành vi tố cáo sai sự thật của người tố cáo thì được quy định ở Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố cáo, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự,… Quyền được pháp luật bảo vệ của chấp hành viên bao gồm: quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe; quyền được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín… Việc xem xét bảo vệ Chấp hành viên không phải là là điều đơn giản, nếu không muốn nói là khá khó khăn, phức tạp. Nhìn từ các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn công tác THADS, thì có khá nhiều quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ Chấp hành viên nhưng việc áp dụng chúng lại không thật dễ dàng. Bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập trong cơ chế bảo vệ Chấp hành viên thi hành án dân sự.
- Thứ nhất, chưa định lượng, đánh giá hết được tính chất, khối lượng, áp lực
công việc mà Chấp hành viên đang phải “gánh”.
Mặc dù pháp luật đã quy định Chấp hành viên có ba ngạch, Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp, tùy theo tính chất phức tạp, giá trị phải thi hành của từng vụ việc mà Thủ trưởng đơn vị phân cho Chấp hành viên cao cấp, Chấp hành viên trung cấp hay Chấp hành viên sơ cấp tổ chức thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, ở những đơn vị có số vụ việc, số tiền phải thi hành án lớn nhất cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh thì việc phân công chỉ mang tính chất tương đối, do Chấp hành viên cao cấp thường là lãnh đạo Cục chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, điều hành đơn vị nên không trực tiếp tổ chức thi hành các vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (thường giao cho Chấp hành viên trung cấp chịu trách nhiệm tổ chức thi hành), tương tự có những vụ việc thẩm quyền của Chấp hành viên trung cấp nhưng cũng có thể giao cho Chấp hành viên sơ cấp tổ chức thi hành do công việc quá tải, việc phân định thẩm quyền tổ chức thi hành đối với ba ngạch Chấp hành viên chỉ mang tính chất tương đối.
Do khối lượng công việc ngày một tăng, các quy định của pháp luật về công tác thi hành án ngày càng hoàn thiện, đòi hỏi khắt khe về thời hạn giải quyết, thông báo, tống đạt. Qua các cuộc kiểm tra hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên đa số đều có sai sót, vi phạm phổ biến là vi phạm thời hạn thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án. Không phải sai sót, sai lầm nào của Chấp hành viên
cũng là cố ý, mà rất nhiều là vô ý, mà nguyên nhân là do quá nhiều công việc “quá tải”, quá nhiều thủ tục mà lơ là, vô ý dẫn tới sai sót, sai lầm khi thực hiện công vụ. Nhưng cho đến nay, hầu như rất ít quy phạm pháp luật được ban hành để bảo vệ chấp hành viên. Chúng ta, dễ dàng nhận thấy trình tự này, thủ tục kia yêu cầu Chấp hành viên phải thực hiện, nhưng các cơ quan quản lý thi hành án dân sự vẫn chưa đánh giá được mất bao nhiêu thời gian để Chấp hành viên thực hiện những trình tự, thủ tục đó và khả năng một Chấp hành viên có năng lực khá, một năm thực hiện được bao nhiêu vụ việc thi hành án [24].? Hiệu quả thi hành khi Chấp hành viên là nam so với Chấp hành viên là nữ; Chấp hành viên lớn tuổi so với Chấp hành viên trẻ, và khi chưa đánh giá được thời gian thực hiện thì thật khó khăn để đưa ra quy định “mức trần” cho Chấp hành viên một năm phải thực thi bao nhiêu vụ việc thi hành án và qua đó để giao chỉ tiêu, biên chế cũng như đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực và bảo vệ Chấp hành viên khỏi những áp lực nhất định. Mặc dù chưa có quy định mức trần, nhưng trách nhiệm Chấp hành viên là ngang nhau, các yêu cầu từ các quy phạm pháp luật phải thực hiện.
- Thứ hai, quyền được bảo vệ của Chấp hành viên chưa “thực sự hiệu quả”
Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự thì “… khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn… được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy việc đảm bảo quyền được bảo vệ của Chấp hành viên chưa thực sự hiệu quả. Điều này này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân lớn nhất đó chính là trình tự, thủ tục hay cơ chế xử lý những người, những hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của Chấp hành viên là chưa thật sự rõ ràng và chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Trình tự, thủ tục để Chấp hành viên thực hiện quyền được pháp luật bảo vệ còn nhiều bất cập, khó khăn. Chẳng hạn, nếu đương sự có đơn khiếu nại, tố cáo quyết định, hành vi vi phạm của Chấp hành viên, nếu có cơ sở thì Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm theo quy định, thậm chí còn phát sinh trách nhiệm bồi thường; tuy nhiên nếu việc khiếu nại, tố cáo trên của đương sự là không có cơ sở, không được chấp nhận thì trên thực tế việc xử lý những người có hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thực về Chấp hành viên vẫn chưa có tính khả thi, do dó chưa có tính răn đe. Vì vậy, người giải quyết tố cáo trong thi hành án chưa thật sự quyết
liệt bảo vệ Chấp hành viên.
Để đảm bảo quyền được pháp luật bảo vệ của Chấp hành viên được áp dụng khả thi trên thực tế cần phải đánh giá được đúng khối lượng công việc, tính chất, mức độ rủi ra áp lực mà Chấp hành viên phải chịu trách nhiệm khi tổ chức thi hành án. Đồng thời, cần phải kiên quyết, quyết liệt xử lý những hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của Chấp hành viên nhất là, những hành vi cố ý khiếu nại sai sự thật, khiếu nại nhiều lần nhằm cản trở việc tổ chức thi hành án hoặc hành vi cố ý tố cáo sai sự thật, lợi dụng việc tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của chấp hành viên. Từ đó có những đánh giá, tổng hợp và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn nhằm bảo vệ Chấp hành viên yên tâm công tác.
* Về thực hiện quyền “Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối
việc thi hành án theo quy định của pháp luật”: