Nâng cao hiệu quả và chú trọng gắn kết công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật (trong đó bao gồm cả theo dõi thi hành pháp) như đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế và các công cụ hữu hiệu, cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả luật chuyên ngành và các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh hoạt động của công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý. Cụ thể:
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để thực hiện các quy định của các luật, bộ luật tố tụng có liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư; chú trọng công tác phát triển đội ngũ luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có thể hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế; thu hút, khuyến khích và bảo đảm nghĩa vụ tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư.
Tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng. Thành lập, củng cố Hội công chứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thúc đẩy vai trò của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện cơ chế liên thông trong hoạt động công chứng với các dịch vụ pháp lý có liên quan mang lại dịch vụ an toàn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại rất đa dạng, phong phú và phức tạp; nâng cao chất lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, hoạt động hành nghề công chứng để công chứng thật sự trở thành công cụ hỗ trợ
và bảo đảm tin cậy cho người dân, doanh nghiệp trong việc giao kết các hợp đồng, giao dịch; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về công chứng, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong tổ chức và hoạt động hành nghề công chứng.
Cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực công chứng cần có hướng dẫn về cách thức giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu khác nhau phát sinh trên thực tế nhằm tạo sự thống nhất trong việc thi hành pháp luật về công chứng trên toàn quốc.
Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành về thừa phát lại để bảo đảm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, tiến tới xây dựng Luật về Thừa phát lại, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm, qua đó tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng thời, tăng cường tổ chức quán triệt, triển khai, tập huấn về Nghị quyết số 107/2015/QH13 và các văn bản liên quan; tuyên truyền, phổ biến về chế định Thừa phát lại. Bộ Tư pháp cần ban hành tiêu chí chấm điểm các hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại để các địa phương căn cứ vào tiêu chí chấm điểm đó xem xét, lựa chọn chủ thể được thành lập Văn phòng Thừa phát lại.
Hoàn thiện thể chế, cơ chế và mạng lưới tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong cả nước, bảo đảm những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật được phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định hiện hành về tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật.
Nâng cao chất lượng một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung thực hiện giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình
hình thi hành pháp luật; tăng cường năng lực phản ứng chính sách; đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến của cách mạng công nghiê ̣plầthứ tư trong tổ chức thi hành pháp luật.
Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, thượng tôn pháp luật đối với các chủ thể có quyền tham gia thành lập công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý và các chủ thể khác có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Xây dựng Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp để thực hiện định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, khắc phục những tồn tại trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác đào tạo nguồn nhân lực chức danh tư pháp, cần thiết nhanh chóng phải có thể chế pháp lý rõ ràng, thống nhất, đồng bộ điều chỉnh chung hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp cho các ngành, các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp.
Tiểu kết chương
Muốn thúc đẩy hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung và hoạt động của các công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý nói riêng thì việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay là điều cần thiết. Để thực hiện được điều này cần phải xác định rõ định hướng hoàn thiện pháp luật, kiến nghị và thực hiện có hiệu quả, phù hợp các giải pháp hoàn thiện pháp luật để bảo đảm pháp luật có tính khả thi, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn. Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, cũng cần chú trọng nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để đảm bảo chấp hành tốt các quy định của pháp luật, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
KẾT LUẬN
Phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phát triển một thị trường hàng hóa và dịch vụ. Trong các dịch vụ đang được quan tâm, phát triển thì dịch vụ pháp lý có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh khác của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an toàn cho các quan hệ kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh.
Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, quốc tế thúc đẩy hoạt động dịch vụ pháp lý. Pháp luật quốc tế đã có những quy định về nội hàm của dịch vụ pháp lý, chủ thể có thẩm quyền cung cấp dịch vụ pháp lý…Ở Việt Nam hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định đầy đủ, thống nhất về dịch vụ pháp lý, chủ thể có thẩm quyền cung cấp dịch vụ pháp lý trong đó có loại hình công ty hợp danh.
Với mục đích nghiên cứu ban đầu, Chương 1 của luận văn đã đưa ra khái quát về công ty hợp danh, sự hình thành công ty hợp danh, khái niệm và đặc điểm của công ty hợp danh, sự phù hợp của công ty hợp danh với tình hình phát triển kinh tế nước ta hiện nay. Ngoài ra, nội dung chương 1 cũng đã đề cập đến khái niệm dịch vụ pháp lý, quy định của WTO/GATS về dịch vụ pháp lý, cũng như quy định của Việt Nam về dịch vụ pháp lý.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, chương 2 của luận văn đi vào phân tích thực trạng pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay, cấu trúc pháp luật, thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng thi hành pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay. Nội dung chương 2 cũng đã phần nào chỉ rõ những kết quả đã đạt được, một số khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc trong thi hành pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý.
Từ đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, trong nội dung chương 3 của Luận văn, tác giả đã nêu ra quan điểm đề xuất hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay.
Luận văn đã cố gắng đầu tư nghiên cứu về pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay, tuy nhiên với kinh nghiệm và kiến thức còn hạn hẹp nên nội dung nghiên cứu có thể còn những hạn chế nhất định. Trong quá tình nghiên cứu, với sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của cô hướng dẫn, bản thân tác giả đã thu nhận được nhiểu hơn những kiến thức bổ ích, hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề mà mình nghiên cứu. Đây là thành công lớn mà tác giả nhận thức được trong quá trình xây dựng luận văn./.