Bên cạnh kết quả đã đạt được kể trên, quá trình thi hành pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể là:
Thứ nhất, hiện nay chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể và thống nhất hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý. Hoạt động của các chủ thể cung cấp dịch vụ pháp lý nói chung và công ty hợp danh cung cấp dịch vụ pháp lý nói riêng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Các quy định không chỉ do luật điều chỉnh mà còn nằm rải rác trong rất nhiều văn bản dưới luật. Điều này dẫn đến những khó khăn trong quá trình tiếp cận và thực thi pháp luật của các chủ thể.
Thứ hai, về quy định của pháp luật hiện hành: Công ty hợp danh cung cấp dịch vụ pháp lý hiện nay được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Ngoài những quy định trong Luật, chủ thể này chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như: nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ trưởng… Một số quy định của pháp luật hiện hành đã bộc lộ những tồn tại hạn chế cần phải khắc phục như còn có sự thiếu thống nhất về thủ tục đăng ký doanh
nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Luật sư, Luật Công chứng… gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh. Một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp sẽ phải giải thể và thành lập một doanh nghiệp mới nếu muốn chuyển hoàn toàn sang kinh doanh một lĩnh vực mới mà theo quy định pháp luật lại phải đăng ký tại một cơ quan chuyên ngành như Sở Tư pháp. Hậu quả là ngoài chi phí thực hiện thủ tục hành chính có liên quan thì doanh nghiệp mất đi tính liên tục trong kinh doanh, không tận dụng được lợi ích về hình ảnh, thương hiệu đã xây dựng.
Thứ ba, trong quá trình triển khai thi hành còn có sự không thống nhất trong cách hiểu quy định của pháp luật dẫn đến tình trạng mỗi địa phương có cách vận dụng khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các chủ thể có liên quan.
* Ví dụ trong lĩnh vực công chứng
Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành như sau: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”.
Khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định:
“5. Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.
Khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 quy định:
“1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn”.
Quy định trên của Luật dẫn đến những cách hiểu khác nhau trên thực tế. Có quan điểm cho rằng hoạt động của Văn phòng Công chứng chỉ tuân theo quy định của Luật Công chứng. Có quan điểm lại cho rằng hoạt động của Văn phòng Công chứng phải tuân theo quy định của Luật Công chứng và phải tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này dẫn đến cách áp dụng khác nhau khi xử lý cùng một vấn đề phát sinh trên thực tế.
Cụ thể đối với việc rút vốn của thành viên hợp danh, theo quy định tại Khoản 2 Điều 180 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì: “Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua”.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 27 Luật Công chứng năm 2014 về Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng lại quy định:
“1. Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng có thể chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo nguyện vọng cá nhân hoặc trong các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Văn phòng công chứng có quyền tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới nếu công chứng viên đó được các công chứng viên hợp danh còn lại chấp thuận.
Việc chấm dứt tư cách công chứng viên hợp danh và tiếp nhận công chứng viên hợp danh mới được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp”.
Với các quy định trên và quy định tại Điều 23 và Điều 24 Luật Công chứng năm 2016 thì Văn phòng công chứng khi có sự thay đổi về danh sách công chứng viên hợp danh thì được Sở Tư pháp cấp lại giấy đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sự khác nhau trong quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Công chứng dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau về việc rút vốn của thành viên hợp danh trong Văn phòng công chứng, gây khó khăn cho quá trình triển khai thi hành luật.
*Ví dụ trong lĩnh vực Thừa phát lại
Hiện nay, quy định về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại khá chặt chẽ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy trong giai đoạn nhất định trong đó quy định số lượng Văn phòng Thừa phát lại tỉnh, thành phố đó được thành lập. Thủ tục thành lập Văn phòng Thừa phát lại được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên thực tế, tại một địa phương có thể có rất nhiều hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại và các hồ sơ này đều đáp ứng quy định của pháp luật về điều kiện thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Tuy nhiên, số lượng Văn phòng Thừa phát lại được phép thành lập lại hạn chế, điều này dẫn đến khó khăn khi Ủy ban nhân dân xem xét, lựa chọn hồ sơ cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Và để giải quyết tình trạng trên, nhiều địa phương ban hành Quyết định quy định về tiêu chí và cách thức thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tuy nhiên có địa phương ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân dưới hình thức văn bản quy phạm
pháp luật, có địa phương lại ban hành dưới hình thức văn bản cá biệt. Như vậy là có sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật, dẫn đến khó khăn cho chủ thể có liên quan trong quá trình thực thi.
Thứ tư, về tổ chức thi hành pháp luật nói chung: Công tác tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng tương xứng với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên thực tế các điều kiện bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật (bộ máy thiết chế, nguồn nhân lực, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất...) chưa được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng khi ban hành luật, việc đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi ban hành luật chưa được chú trọng đúng mức.
Trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật chưa có giải pháp hiệu quả, mang tính hệ thống để đạt được mục tiêu trên thực tế. Nhiều quy định của luật khó đi vào cuộc sống do thiếu các điều kiện bảo đảm, thiếu cơ chế kiểm tra, theo dõi, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đạo luật sau khi đã có hiệu lực thi hành. Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh vấn đề này là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP chưa xử lý được đầy đủ cơ chế phối hợp liên ngành, và xác định trách nhiệm pháp lý trực tiếp đối với các cơ quan ngoài hệ thống hành pháp, trong khi Hiến pháp năm 2013 lại giao trách nhiệm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật.
Trên cơ sở phân tích, làm rõ thực trạng pháp luật và đánh giá chính xác những hạn chế, bất cập của pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, tác giả sử dụng làm căn cứ để xác định quan điểm định hướng và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam tại chương tiếp theo.
Tiểu kết chương
Pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Hoạt động của Công ty Luật hợp danh, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại chịu sự điều chỉnh trực tiếp của luật chuyên ngành. Mô hình công ty hợp danh cung cấp dịch vụ pháp lý phát huy được nhiều ưu điểm và đã thu được những kết quả nhất định. Hoạt động của các Công ty luật hợp danh, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại ngày càng được tạo điều kiện phát triển, nhằm cung cấp dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn có những hạn chế trong quy định của pháp luật như: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì vẫn còn một số vướng mắc trong quy định của Luật về loại hình công ty này như: Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định rõ ai là người đại diện cho công ty hợp danh, vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 179, thì tất cả các thành viên hợp vốn bao gồm cả chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật cho công ty trừ khi bên thứ ba biết được hạn chế của thành viên hợp danh trong giao dịch đó, trong thực tế thì để chứng minh thế nào là bên thứ ba “biết được hạn chế” là điều không dễ dàng. Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định thống nhất quyền rút vốn của các thành viên hợp danh. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 172, điểm d khoản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty. Điều này có nghĩa chủ nợ chỉ được yêu cầu các thành viên hợp danh trả nợ tiếp khi tài sản công ty hợp danh đã được thanh lý hết nhưng không đủ, nếu trong thời gian
đó mà thành viên hợp danh chủ động tẩu tán tài sản thì sẽ ảnh hưởng tới chủ nợ rất nhiều. Bên cạnh đó, Luật hiện hành còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận và áp dụng pháp luật của các chủ thể có liên quan. Ví dụ quy định về việc Công ty Luật hợp danh, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại không có thành viên góp vốn.
Ngoài các khó khăn, vướng mắc trong quy định của Luật còn có nhiều khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật cần phải khắc phục và hoàn thiện.
Chương 3