THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CÔNG TY HỢP DANH TRONG LĨNH VỰC CUNG CẤP DỊCH VỤ PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở việt nam hiện nay (Trang 47 - 53)

2.1. Thực trạng quy định của pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý

Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về việc áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật chuyên ngành như sau: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”.

Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 quy định: “Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Khoản 1 Điều 18 Luật Công chứng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 2 Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật liên quan đến quy hoạch) quy định: “Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này”.

Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định: “Nghị định này quy định về Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại; phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo các quy định trên thì hoạt động của công ty luật hợp danh, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại chịu sự điều chỉnh trực tiếp của luật chuyên ngành.

* Quy định của pháp luật về công ty luật hợp danh: Phải do ít nhất hai luật sư thành lập, hai luật sư này được gọi là thành viên hợp danh, được quyền nhân danh công ty để hành nghề cung ứng dịch vụ pháp lý và chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

Điều 2 Luật Luật sư năm 2006 quy định: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)”.

Tiêu chuẩn luật sư được quy định tại Điều 10 Luật Luật sư năm 2006 như sau:

“Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư”. Những người đủ tiêu chuẩn theo quy định trên muốn được hành nghề luật sư phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư (Điều 11 Luật Luật sư năm 2006), chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp.

Điều 32 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sư năm 2012) quy định: “Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp

đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này” và “Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc”. Theo quy định trên, luật sư khi tham gia thành lập công ty luật hợp danh phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Luật sư và công ty luật hợp danh phải có trụ sở làm việc. Khác với các loại hình công ty hợp danh được quy định trong Luật Doanh nghiệp, công ty luật hợp danh không được kết nạp thành viên góp vốn. Công ty luật hợp danh là loại hình doanh nghiệp mà toàn bộ thành viên đều phải là thành viên hợp danh (Điều 34 Luật Luật sư năm 2006). Luật Luật sư quy định một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.

Công ty luật hợp danh đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Giám đốc công ty luật hợp danh là thành viên. Công ty luật hợp danh do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.

* Quy định của pháp luật về văn phòng công chứng

Theo quy định tại Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 thì văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn

phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

Theo quy định trên thì người thành lập văn phòng công chứng phải là Công chứng viên. Điều 2 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng”.

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Luật Công chứng năm 2014 thì được xem xét, bổ nhiệm Công chứng viên. Các tiêu chuẩn gồm: (1) Có bằng cử nhân luật; (2) Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật; (3) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật Công chứng năm 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Công chứng năm 2014; (4) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; (5) Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng được quy định tại Điều 17 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đó là: “Trụ sở của Văn phòng công chứng phải có địa chỉ cụ thể, có nơi làm việc cho công chứng viên và người lao động với diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, có nơi tiếp người yêu cầu công chứng và nơi lưu trữ hồ sơ công chứng”. Việc thành lập Văn phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

* Quy định của pháp luật về Văn phòng Thừa phát lại

Điều 16 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải có các điều kiện sau:

“1. Trụ sở Văn phòng Thừa phát lại có diện tích bảo đảm cho hoạt động, cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng; có các điều kiện vật chất cần thiết khác để hoạt động.

2. Tổ chức bộ máy theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này”.

Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định:

“3. Tổ chức văn phòng Thừa phát lại gồm:

a) Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại là người đại diện theo pháp luật của văn phòng Thừa phát lại.

b) Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại văn phòng Thừa phát lại.

c) Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 6 Điều 10 của Nghị định này.

d) Nhân viên kế toán;

đ) Nhân viên hành chính khác (nếu có)”.

Theo quy định trên thì Thừa phát lại muốn thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng yêu cầu về trụ sở văn phòng và tổ chức bộ máy phải bao gồm: Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 và

khoản 6, Điều 10 của Nghị định này và phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên, Nhân viên kế toán, Nhân viên hành chính khác (nếu có).

Bên cạnh việc chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành kể trên, công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý còn chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, và theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì vẫn còn một số vướng mắc trong quy định của Luật về loại hình công ty này như:

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định rõ ai là người đại diện cho công ty hợp danh, vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 179, thì tất cả các thành viên hợp vốn bao gồm cả chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật cho công ty trừ khi bên thứ ba biết được hạn chế của thành viên hợp danh trong giao dịch đó, trong thực tế thì để chứng minh thế nào là bên thứ ba “biết được hạn chế” là điều không dễ dàng.

Thứ hai, Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn chưa quy định thống nhất quyền rút vốn của các thành viên hợp danh, cụ thể khoản 3 Điều 175 quy định thành viên hợp danh được quyền chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho người khác nếu được các thành viên hợp danh còn lại đồng ý, có nghĩa là các thành viên hợp danh còn lại phải nhất trí. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 177 và điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 180, thì thành viên hợp danh được rút vốn nếu được 2/3 tổng số thành viên đồng ý.

Thứ ba, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 172, điểm d khoản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty. Điều này có nghĩa chủ nợ chỉ được yêu cầu các thành viên hợp danh trả nợ tiếp khi tài sản công ty hợp danh

đã được thanh lý hết nhưng không đủ, nếu trong thời gian đó mà thành viên hợp danh chủ động tẩu tán tài sản thì sẽ ảnh hưởng tới chủ nợ rất nhiều.

Ngoài ra, trong quy định của Luật hiện hành còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận và áp dụng pháp luật của các chủ thể có liên quan.

Khoản Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

“1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty”.

Theo quy định trên thì công ty hợp danh có thể có thành viên góp vốn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Luật sư, Luật Công chứng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về thừa phát lại thì Công ty luật hợp danh, Văn phòng công chứng, Văn phòng thừa phát lại không có thành viên góp vốn. Đây chính là một trong những hạn chế của luật hiện hành khi công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý muốn huy động vốn để phát triển quy mô hoạt động của mình.

2.2. Thực trạng thi hành pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vựccung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công ty hợp danh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ pháp lý ở việt nam hiện nay (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)