1.3.3.1 Năng lực tài chính
Năng lực tài chính là một trong những nhân tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của một DNBH, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm. Khi cân nhắc lựa chọn nhà bảo hiểm, một doanh nghiệp có khả năng tài chính mạnh sẽ giúp khách hàng có cơ sở tin tưởng để tham gia bảo hiểm, từ đó hoạt động tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Năng lực tài chính của doanh nghiệp được phản ánh qua quy mô vốn, nguồn tài sản, các quỹ dự phòng nghiệp vụ…
a. Nguồn vốn của chủ doanh nghiệp
Đầu tiên, năng lực tài chính của doanh nghiệp được quyết định bởi nguồn vốn, vì vốn là yếu tố sản xuất cơ bản, là một đầu vào trong quá trình kinh doanh nhưng cũng đồng thời là tiền đề đối với các yếu tố sản xuất khác. Mỗi doanh nghiệp dù kinh
doanh ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào muốn được thành lập và đi vào hoạt động thì cần phải có một số vốn pháp định nhất định. Đặc biệt với hoạt động kinh doanh bảo hiểm - hoạt động kinh doanh với chu trình kinh doanh đảo ngược thì việc đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu là vô cùng cần thiết. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định mức vốn pháp định cho DNBH phi nhân thọ là 300 tỷ đồng (Luật kinh doanh
bảo hiểm, 2000, điều 63). Để có khả năng tài chính mạnh, tạo điều kiện mở rộng hoạt
động kinh doanh các doanh nghiệp thường có số vốn lớn hơn nhiều mức vốn do pháp luật quy định.
b. Nguồn tài sản của doanh nghiệp
Nguồn tài sản chính là sự thể hiện ra bên ngoài tiềm lực tài chính của một DNBH. Để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp, sau khi xem xét số vốn điều lệ của doanh nghiệp, khách hàng sẽ nhìn vào nguồn tài sản mà doanh nghiệp nắm giữ. Do đặc thù của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là kinh doanh dịch vụ nên tài sản của doanh nghiệp không chỉ là nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải mà chủ yếu tồn tại dưới các hình thức như các quỹ đầu tư ngắn hạn, bất động sản hay tiền gửi ngân hàng… Tài sản của DNBH chủ yếu hình thành từ nguồn vốn vay (chính là phí bảo hiểm thu được của khách hàng). Doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn này đem đầu tư vào các danh mục ngắn hạn. Đầu tư chính là cách thức hữu hiệu để phát triển quỹ tài chính và tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
c. Dự phòng nghiệp vụ
Sau khi kí kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp đã có trong tay một khoản tiền phí bảo hiểm nhưng nếu trong thời hạn bảo hiểm có sự kiện bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp phải tiến hành bồi thường chi trả. Do vậy để đảm bảo nghĩa vụ của mình đối với khách hàng, doanh nghiệp buộc phải thiết lập các khoản dự phòng nghiệp vụ. Đối với DNBH phi nhân thọ, các khoản dự phòng bao gồm 3 loại chính là dự phòng phí, dự phòng bồi thường và dự phòng dao động lớn. Việc trích lập các quỹ dự phòng không chỉ là yêu cầu có tính chất kỹ thuật mà còn là bắt buộc có tính pháp lý cao đối với DNBH. Nếu việc tính toán các khoản dự phòng phí được thực hiện một cách chính xác, hợp lý thì doanh nghiệp mới có đủ khả năng đảm bảo được quyền lợi đối
với khách hàng của mình, góp phần nâng cao uy tín, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường.
1.3.3.2 Nguồn nhân lực và năng lực quản lý a. Nguồn nhân lực
Đối với một ngành kinh doanh dịch vụ vô hình như bảo hiểm, nguồn nhân lực càng đóng vai trò quan trọng, là tài sản vô cùng quý giá góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm.
Do sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm không được mong đợi và khá trìu tượng, khách hàng rất đa dạng, trình độ hiểu biết về bảo hiểm còn hạn chế nên hoạt động kinh doanh bảo hiểm gặp không ít khó khăn đặc biệt là khâu khai thác, chào bán sản phẩm. Để có thể đạt được kết quả, hiệu quả cao trong kinh doanh đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một đội ngũ lao động vừa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vừa có kiến thức và am hiểu các vấn đề liên quan tới nghề nghiệp.
b. Năng lực quản lý
Năng lực quản lý của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn tới quá trình triển khai sản phẩm bảo hiểm, được đánh giá thông qua các chỉ tiêu sau:
• Cơ cấu tổ chức bộ máy của doanh nghiệp: Một mô hình tổ chức tinh giản gọn nhẹ vừa mang tính thống nhất vừa mang tính chuyên biệt nhưng hoạt động hiệu quả và mang tính linh hoạt sẽ góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành công ty và đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình kinh doanh.
• Trình độ chuyên môn, trình độ của ban điều hành công ty sẽ giúp đưa ra được các chiến lược, quyết định kinh doanh đúng đắn trong từng giai đoạn phát triển.
• Tính linh hoạt và thích nghi: Do thị trường thường xuyên biến động và các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi các chiến thuật kinh doanh của mình nên để có thể tồn tại và chiến thắng trong cạnh tranh buộc doanh nghiệp luôn phải tự đổi mới một cách linh hoạt. Mặc dù tính đổi mới trong hoạt động kinh doanh sản phẩm hạn chế hơn công ty vì thường phải chịu tác động từ các chiến lược chung của ban lãnh đạo doanh nghiệp nhưng nó cũng được coi là chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA SẢN PHẨM BẢO HIỂM SỨC KHỎE TẠI TỔNG CÔNG
TY BẢO HIỂM BẢO VIỆT