Đối với Bộ Tài chính Cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại tổng công ty bảo hiểm bảo việt (Trang 104 - 106)

• Bộ Tài chính cần thực hiện tốt công tác quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, đồng thời có những cơ chế chính sách ưu đãi để ngành bảo hiểm có được những bước phát triển ổn định và đúng hướng. Mục tiêu tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh an toàn, ổn định, bình đẳng và thuận lợi trước hết được thực hiện ở việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp với sự vận động của cơ chế thị trường, đồng thời đổi mới phương thức và nâng cao năng lực của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiến tới dần thực hiện các nguyên tắc và chuẩn mực quản lý bảo hiểm quốc tế. Đối với riêng nghiệp vụ BHSK, Bộ Tài chính cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm cũng như hướng dẫn triển khai các nghiệp vụ BHSK kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của thị trường và từng hoàn cảnh cụ thể. Song song với đó là tăng cường các quy định quản lý chặt chẽ về trích lập các quỹ dự trữ, quản lý tài chính, khả năng thanh toán, các chỉ tiêu về năng suất, hiệu quả... Trong quá trình ban hành, triển khai áp dụng, Cơ quan quản lý cần thường xuyên theo dõi, đánh giá quá trình hoạt động để kịp thời có những biện pháp bổ sung, điều chỉnh hạn chế thiếu sót.

• Bộ cũng cần đẩy mạnh những giải pháp hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường BHSK hiện nay bằng cách:

+ Sớm rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường vận hành theo chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

+ Thực hiện kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm phòng chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình hoạt động.

+ Củng cố bộ phận thanh tra Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, thường xuyên theo sát diễn biến thị trường, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi, không tuân thủ các yêu cầu tài chính… làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Thời gian tới đây cần đưa các chế tài xử phạt một cách rõ ràng, cụ thể và có cơ sở pháp lý để thực hiện nghiêm khắc, thận trọng, khách quan, chính xác việc xử phạt vi phạm.

+ Xây dựng các quy tắc về quản lý ngành, vừa đảm bảo đúng thông lệ quốc tế vừa phải cân đối với việc bảo vệ lợi ích của các DNBH trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

• Hiện các DNBH không bị giới hạn về nghiệp vụ bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được chấp nhận bảo hiểm cũng như địa bàn và phạm vi hoạt động. Chính điều này khiến cho các DNBH chủ yếu bắt chước nhau, cạnh tranh quyết liệt và khách hàng rất khó để nhận biết DNBH nào tốt hơn. Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài chính cần đưa ra tiêu chí năng lực khai thác tương ứng với vốn chủ sở hữu thực có (trừ lỗ) hay tổng tài sản phù hợp theo số lượng sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai, số lượng chi nhánh được phép hoạt động, giá trị một dịch vụ bảo hiểm được phép khai thác, giá trị các dịch vụ được phép khai thác với một khách hàng. Có như vậy, những DNBH có vốn chủ sở hữu thực có hay tổng tài sản thấp đi liền với năng lực khai thác thấp buộc phải hợp tác cùng nhau đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm tương tự như quy định của Ngân hàng Nhà nước về đồng tài trợ giữa các ngân hàng thương mại.

• Bộ Tài chính cũng cần tăng quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm cho các DNBH về các vấn đề liên quan đến tài chính, hoạt động kinh doanh và tuân thủ quy định của pháp luật, hạn chế dần sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp.

• Thiết lập các hệ thống dịch vụ đối tác của bảo hiểm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tính khách quan của hoạt động bảo hiểm như:

+ Thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm để giải quyết hòa giải các tranh chấp giữa DNBH và người được bảo hiểm.

+ Tiêu chuẩn hóa đại lý bảo hiểm thông qua công tác đào tạo tập trung như quy định của Cục quản lý giám sát bảo hiểm.

+ Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ việc tính phí và có lộ trình bắt buộc các DNBH có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để tính phí bảo hiểm.

+ Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành y tế và giáo dục, quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe cho người dân, tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức và ý thức về sức khỏe cho mọi đối tượng dân cư.

• Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước phải mở cửa thị trường theo các hiệp định và cam kết quốc tế, các DNBH đang đứng trước thách thức và vận hội mới, đòi hỏi công tác quản lý của Nhà nước phải có những cải cách phù hợp. Do vậy, việc đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm là rất cấp thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại tổng công ty bảo hiểm bảo việt (Trang 104 - 106)