Cơ hội và thách thức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại tổng công ty bảo hiểm bảo việt (Trang 92 - 97)

3.1.1.1 Cơ hội

• Hệ thống văn bản pháp luật quản lý bảo hiểm của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của thị trường như: Nghị định số 41/2009/NĐ- CP ban hành ngày 5/5/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Thông tư số 86/2009/TT-BTC ngày 28/4/2009 trong đó các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung liên quan đến trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; tiêu chuẩn người quản trị điều hành doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và đại lý, môi giới bảo hiểm, Thông tư số 124/2012/TT- BTC và 125/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm…

• Việc mở cửa thị trường tác động tích cực đối với cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và sự trưởng thành của bản thân các DNBH trong nước nói riêng. Các doanh nghiệp phải làm quen và chấp nhận việc cạnh tranh sòng phẳng. Do đó, muốn tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, DNBH phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh riêng biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa hệ thống sản phẩm… không những làm lành mạnh hóa cạnh tranh, nâng cao chất lượng ngành bảo hiểm mà còn mang lại lợi ích thực sự cho khách hàng.

• Việc tham gia thị trường của những công ty bảo hiểm mới, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ đa dạng hóa và khiến thị trường sôi động hơn. Các sản phẩm bảo hiểm sẽ được đa dạng hóa với nhiều điểm mới, mang nét đặc trưng

riêng của từng doanh nghiệp đồng thời tuân thủ theo đúng chuẩn mực quốc tế. Mạng lưới kênh phân phối được mở rộng với nhiều hình thức hơn.

• Mở cửa thị trường tạo điều kiện tăng cường trao đổi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, góp phần thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các DNBH trong nước. Đồng thời các doanh nghiệp, trong đó có Bảo Việt cũng có thể vươn xa tầm hoạt động của mình ra phạm vi quốc tế.

• Sự trợ cấp của Nhà nước ở một số lĩnh vực sẽ giảm dần cùng với sự xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao, y tế, văn hóa giáo dục, việc tăng học phí, viện phí, xây dựng mức trần của bảo hiểm xã hội sẽ là một nguồn động lực kích thích nhu cầu BHSK.

• Tầng lớp dân cư có thu nhập cao ngày càng đông đảo bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, các chuyên gia giỏi trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chủ hộ kinh doanh, các chủ trang trại… thường có nhu cầu mua bảo hiểm cho mình và người thân. Đồng thời mức sống nhìn chung của mọi người trong xã hội đều được cải thiện và tăng dần qua các năm. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc phát triển các nghiệp vụ BHSK tại các DNBH, nhất là khi khoảng 70 - 80% tiềm năng thị trường vẫn chưa được khai thác.

• Nhận thức về vai trò của bảo hiểm của người dân ngày một nâng cao thông qua các nhân tố tác động sau:

+ Công tác tuyên truyền, quảng bá của ngành bảo hiểm nói chung và từng DNBH nói riêng.

+ Sự phát triển ngày một cao của nền kinh tế - xã hội, sự tiến bộ trong trình độ nhận thức, tri thức của toàn nhân loại.

+ Những minh chứng thực tế cho vai trò và tác dụng của bảo hiểm trong đời sống của mỗi người.

+ Tập quán mua bảo hiểm của giới chủ đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận thức của những khách hàng tiềm năng có nhu cầu dẫn tới quyết định tham gia bảo hiểm ngày một đông đảo hơn…

+ Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo hiểm được triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác đối tác chiến lược, đối tác kinh doanh đến hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 tại Đà Nẵng. Đây là dấu mốc mở ra tương lai rất triển vọng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam, và Bảo hiểm Bảo Việt không nằm ngoài dòng chảy của sự phát triển đó, hứa hẹn nhiều sự đổi mới và đột phá trong việc triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm mà BHSK sẽ là một trong các nghiệp vụ mũi nhọn.

3.1.1.2 Thách thức

• Cấu trúc văn bản Luật KDBH hiện hành có nhiều điểm không hợp lý, cần phải được cơ cấu lại nhằm đảm bảo hiệu quả điều chỉnh pháp luật với tư cách là văn bản luật chuyên ngành. Một số quy định pháp luật đặt ra chưa phù hợp thực tế hoặc đặt ra song việc thực hiện không nghiêm túc làm giảm tính thượng tôn của pháp luật.

Ví dụ như phạm vi điều chỉnh của Nghị định 46/2007/NĐ - CP quy định về tài chính trong DNBH không bao trùm được cả đối tượng người mua bảo hiểm. Hiện Thông tư 125/2012/TT - BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 46 quy định nhiều nội dung về thu phí bảo hiểm, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm và hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trước hạn (khi không đóng đủ, đúng hạn phí bảo hiểm) đều liên quan đến người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, tòa án và trọng tài không xử theo Nghị định 46, Thông tư 125 vì những văn bản pháp luật này không áp dụng với người mua bảo hiểm, mà xử theo quy định tại Luật Dân sự. Kết luận của tòa án, trọng tài thường là đóng phí bảo hiểm được bao nhiêu quy về tương đương với tháng được bảo hiểm, mà không quan tâm đến việc việc hợp đồng vô hiệu khi không đóng đủ phí như quy định.

• Bảo Việt đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều phía trong quá trình triển khai các nghiệp vụ BHSK, bao gồm:

+ Cạnh tranh từ các DNBH phi nhân thọ cùng triển khai nghiệp vụ BHSK như PVI, Bảo Minh, PTI, PJICO… Các DNBH phi nhân thọ hiện nay đang cạnh tranh chủ yếu theo 3 hình thức: tăng chi phí bán hàng, mở rộng điều kiện bảo hiểm và hạ

phí bảo hiểm. Về chi phí bán hàng, hiện Bộ Tài chính đã nghiêm cấm các công ty chi cho đại lý ngoài tỷ lệ hoa hồng cho phép. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng thêm các khoản chi quản lý để hỗ trợ đại lý. Thứ hai là cạnh tranh bằng cách hạ phí bảo hiểm. Thứ ba là mở rộng các điều khoản bảo hiểm. Những cách làm này trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ chính của các DNBH.

+ Cạnh tranh từ các DNBH nước ngoài: DNBH nước ngoài được phép cung ứng vào Việt Nam các dịch vụ bảo hiểm cho Doanh nghiệp có vốn nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra họ còn được cung ứng dịch vụ tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tư vấn, tính toán, đánh giá rủi ro và giải quyết bồi thường cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Và điều đáng lo ngại nhất là các DNBH tại nước ngoài không cần thành lập DNBH tại Việt Nam cũng có thể vươn cánh tay của mình vào khai thác thị trường bảo hiểm Việt Nam theo cam kết WTO. Việc này khiến cho sự cạnh tranh vốn đã gay gắt này càng gay gắt hơn. Các DNBH nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, nhiều kinh nghiệm, tác phong làm việc chuyên nghiệp, sản phẩm bảo hiểm đa dạng, mới lạ và theo chuẩn mực quốc tế… chẳng những gây sức ép lớn lên sản phẩm BHSK trong nước mà còn gây ra sự chảy máu chất xám nguồn nhân lực chủ chốt của các DNBH trong nước chuyển sang các DNBH nước ngoài làm việc.

+ Cạnh tranh từ các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ: Sau giai đoạn rơi vào tình trạng bão hòa và gặp nhiều khó khăn, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang dần hồi phục và trên đà tăng trưởng trở lại. Các DNBH đã đưa ra nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp dân cư: Bảo hiểm nhân thọ truyền thống, Bảo hiểm liên kết chung, Bảo hiểm vi mô, Bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn, Bảo hiểm với số tiền bảo hiểm thấp… Hệ thống đại lý của bảo hiểm nhân thọ rộng và chuyên nghiệp hơn bảo hiểm phi nhân thọ, cùng với nhiều điểm mới mẻ, hấp dẫn trong dịch vụ khiến cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có thể coi như một chương trình kế hoạch tài chính dành cho khách hàng trong nhiều năm, thậm chí suốt cuộc đời - chính là những điểm mạnh của bảo hiểm nhân thọ so với BHSK.

+ Cạnh tranh từ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế: Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên

toàn đất nước. Luật bảo hiểm xã hội được thông qua ngày 29/06/2006, chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2007 và Luật bảo hiểm y tế ban hành ngày 14/11/2008, bắt đầu có hiệu lực ngày 01/07/2009 là cơ sở vững chắc cho việc thực hiện các chế độ chính sách và thể hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở Việt Nam đang dần đi vào quy củ, chuẩn mực. Các chế độ cũng như các điều khoản, quyền lợi trong bảo hiểm y tế có nhiều sự thay đổi, cải tiến, phù hợp hơn với thực tế. Một điểm hết sức lợi thế của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là được Nhà nước quy định bắt buộc đối với những người lao động làm công ăn lương và học sinh - sinh viên. Hiện nay, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế còn có thêm loại hình tự nguyện, dành cho những người lao động tự do, nông dân… giúp mở thêm phạm vi đối tượng bảo hiểm. Đây cũng là một thách thức không nhỏ với sản phẩm BHSK.

• BHSK là một trong số những nghiệp vụ có số vụ trục lợi bảo hiểm nhiều nhất trong những năm qua. Nguyên nhân là do nghiệp vụ này có số đông người tham gia bảo hiểm và có nhiều hồ sơ yêu cầu chi trả bảo hiểm khiến các DNBH khó tổ chức giám định chính xác nguyên nhân và mức độ thiệt hại của các hồ sơ yêu cầu chi trả. Đồng thời, khi nhận thức về bảo hiểm của người tham gia càng cao thì nguy cơ trục lợi càng tăng với mức độ tinh vi hơn. Các hình thức trục lợi BHSK chủ yếu có thể kể đến như hợp tác với bệnh viện, phòng khám làm giả hồ sơ giấy tờ, cung cấp các thông tin điều trị không chính xác, tận dụng quyền lợi bảo hiểm để khám, xét nghiệm và mua thuốc vượt mức cần thiết…

• Rủi ro trong BHSK là rủi ro liên quan đến sức khỏe của con người, do vậy rất khó kiểm soát. DNBH nhiều khi khó tiếp cận các thông tin, báo cáo y tế về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm vì lý do quyền riêng tư cá nhân. Mặt khác, các chi phí y tế như thuốc men, khám chữa bệnh ngày càng gia tăng khiến DNBH cũng gặp khó khăn trong việc quản lý số tiền chi trả bảo hiểm và tỷ lệ tổn thất.

• Nhiều năm trở lại đây, nhận thức của người dân về các sản phẩm bảo hiểm đã được cải thiện một cách đáng kể. Song số lượng người tham gia bảo hiểm vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ thấp. Nguyên nhân là do vẫn còn nhiều người không nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và những tác dụng mà các sản phẩm bảo hiểm mang lại hoặc nhận thức được, song họ không dành nhiều sự quan tâm, không có nhu cầu bức thiết phải

tham gia bảo hiểm do tâm lý chủ quan. Có thể nói rằng, bảo hiểm vẫn chưa trở thành một phần tất yếu, một “tập quán” tự nhiên trong nếp sống văn minh của người dân - điều mà rất nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã làm được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tại tổng công ty bảo hiểm bảo việt (Trang 92 - 97)