Trong thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội của con người, súc vật đã trở thành sản phẩm chăn nuôi hoặc thú nuôi phổ biến trong nhà của con người, như trâu, bò, lợn… bản chất súc vật là động vật hoang dã, mang bản tính thú dữ đã được con người thuần hóa, kiểm soát được hoạt động và tuân thủ theo sự quản lý của con người, cùng con người tham gia các hoạt động lao động, sản xuất… cải tạo thế giới xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế xuất phát từ bản tính tự nhiên hoặc do lỗi quản lý của con người, mà khi hoạt động súc vật có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản cho chính con người.
Có thể hiểu một cách chung nhất thì “súc vật là những loại vật nuôi trong nhà”. Tuy nhiên, vật nuôi trong nhà có thể là thú hoặc chim, vì vậy, súc vật chỉ thuộc các loại động vật bốn chân, có vú chứ không phải các loại gia cầm như ngan, ngỗng, vịt, gà; chúng thường có sức khỏe, hình dáng, tác động và khả năng gây thiệt hại lớn hơn so với các loài gia cầm.
Do đó, có thể đưa ra khái niệm súc vật như sau: “Súc vật là động vật thuộc lớp thú bốn chân như: trâu, bò, lợn… đã được con người thuần dưỡng để trở thành vật nuôi trong nhà, sống thân thiện với con người và môi trường xung quanh, con người có thể điều khiển được hoạt động của chúng để phục vụ cho nhu cầu của mình”.
Ở Việt Nam, TNBTTH do súc vật gây ra được quy định cụ thể trong Điều 603, BLDS năm 2015. Tuy nhiên, pháp luật của một số nước trên thế giới đều quy định chung về TNBTTH do các loài động vật gây ra chứ không tách biệt giữa TNBTTH do thú dữ hay do súc vật cũng như các loài động vật khác gây ra. Ví dụ như trong BLDS Pháp, tất cả các trường hợp động vật gây thiệt hại đều được giải quyết trên cơ sở pháp lý tại Điều 1385 với nội dung: “Chủ sở hữu một con vật hoặc người sử dụng con vật ấy phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do con vật gây ra, dù nó đang được coi giữ hoặc bị xông ra”.