luật
TNBTTH của người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có thể là trách nhiệm độc lập hoặc trách nhiệm liên đới. Trách nhiệm liên đới sẽ phát sinh nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng có lỗi trong việc để tài sản bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật. Việc chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng phải chịu trách nhiệm liên đới là do họ đã không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về về trông giữ, quản lý tài sản. Chính sự kết hợp giữa hành vi bất cẩn của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản với hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài
sản là nguyên nhân dẫn đến tài sản gây thiệt hại. Rõ ràng, nếu không có sự kết hợp này thì thiệt hại không thể xảy ra nên việc họ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là hoàn toàn phù hợp. Quy định này là hợp lý bởi vì nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản mà quản lý tốt thì tài sản sẽ không bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và sẽ không có thiệt hại xảy ra. Do đó cả chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật đã cùng có lỗi trong việc tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho tài sản gây thiệt hại, nên họ cùng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là hoàn toàn phù hợp.
Một vấn đề mà tác giả cho rằng cần đặt ra là trong trường hợp súc vật đang do người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật đồng thời người này đã thực hiện việc quản lý súc vật một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, người thứ ba lại có hành vi tác động làm cho súc vật gây thiệt hại (dọa, ném đá…) thì ai phải bồi thường và TNBTTH trong trường hợp này sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 2 hay khoản 3, Điều 603, BLDS năm 2015? Đây là vấn đề chưa được đề cập trong BLDS năm 2005 cũng như BLDS năm 2015. Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này nếu người thứ ba hoàn toàn có lỗi thì họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, bởi vì thiệt hại xảy ra trong trường hợp này là do hành vi có lỗi của người thứ ba đã tác động, kích động súc vật gây ra thiệt hại, chứ súc vật không tự nhiên gây ra thiệt hại. Mặc dù súc vật đang do người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, nhưng thiệt hại không phải do tự thân súc vật gây ra nên họ không phải bồi thường thiệt hại. Việc họ chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm với chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp chứ không chịu trách nhiệm với người bị thiệt hại. Tuy nhiên, nếu người thứ ba và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật súc vật cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Qua những phân tích này, tác giả cho rằng, đây là quy định trong BLDS năm 2015 cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2.1.2.4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thứ ba
Theo quy định tại BLDS năm 2015 thì trách nhiệm của người thứ ba có lỗi chỉ được đề cập trong trường hợp súc vật gây thiệt hại tại khoản 2, Điều 60339. Người thứ ba được nhắc đến trong quy định này là người tại thời điểm súc vật gây thiệt hại họ là người thực hiện hành vi tác động, kích động súc vật khiến cho súc vật gây thiệt hại. Trong trường hợp này, súc vật không tự nhiên gây ra thiệt hại mà do có tác động của người thứ ba dẫn đến súc vật gây thiệt hại nên việc súc vật gây ra thiệt hại là hoàn toàn bị động. Chúng không chủ động tấn công người và tài sản mà chỉ đơn giản là đang thực hiện một hành động tự vệ hoặc chạy trốn khỏi sự tác động của người thứ ba nên sự tác động, kích động của người thứ ba được coi là nguyên nhân dẫn đến việc súc vật gây thiệt hại cho người khác. Về thực chất, đây là bồi thường thiệt hại do hành vi của người thứ ba tác động đến súc vật gây ra chứ không chỉ đơn thuần là do súc vật tự gây ra. Do đó, cơ sở xác định TNBTTH của người thứ ba chính là hành vi trái pháp luật mà họ thực hiện. Trong trường hợp này, lỗi của người thứ ba gắn với hành vi trái pháp luật tác động làm súc vật gây thiệt hạ, còn lỗi của chủ sở hữu gắn với việc không quản lý tốt súc vật nên người thứ ba mới có cơ hội tiếp xúc và tác động đến súc vật khiến cho súc vật gây ra thiệt hại.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người thứ ba có lỗi không phải chỉ trong trường hợp súc vật gây thiệt hại mà còn cả trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại. Ví dụ: người thứ ba rải đinh trên đường dẫn đến ô tô nổ lốp gây thiệt hại40, người thứ ba thả đèn trời gây chập điện gây thiệt hại…
Trong vụ việc trên, nếu xác định được người đã rải đinh hoặc làm rơi đinh ra đường dẫn đến xe nổ lốp và gây tai nạn, thì trách nhiệm của họ sẽ được xem xét trên cơ sở nào là vấn đề cần phải đặt ra. Đối với những trường hợp này, TNBTTH
39 “Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba
phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
40 Chẳng hạn: vụ tai nạn ngày 24/2/2016 tại khu vực Cầu Nguyệt, thuộc tỉnh lộ 354, đoạn đi qua xã Mỹ Đức, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng giữa xe ôtô và 5 xe máy đi ngược chiều. Chiếc ôtô biển kiểm soát 15A - 21013 đi từ hướng Kiến An về An Lão khi đến dốc Cầu Nguyệt đã bất ngờ bị nổ lốp do cán phải đinh và mất lái, tiếp đó xe ôtô đã đâm vào 2 xe máy đi ngược chiều. Cùng lúc đó có 3 xe máy đi đến với tốc độ cao đã va vào ôtô và 2 xe máy vừa bị đâm trước đó. Vụ tai nạn khiến 5 người bị thương và 5 xe máy bị hư hỏng (Hoàng Ngọc, Ôtô bất ngờ nổ lốp, gây tai nạn cho 5 xe máy năm 2016, Báo VietnamPlus, tại địa chỉ: https://www.vietnamplus.vn/hai-phong-oto-bat-ngo-no-lop-gay-tai-nan-cho-5-xe-may/372693.vnp, truy cập ngày 15/10/2019).
của người thứ ba (nếu có) sẽ không thể được xác định theo quy định tại Điều 601, BLDS năm 2015. Tuy nhiên, Điều 584, BLDS năm 2015 có thể được áp dụng để buộc người thứ ba phải chịu TNBTTH. Vấn đề đặt ra là nếu không xác định được người thứ ba (người rải đinh hoặc làm rơi đinh) thì TNBTTH sẽ thuộc về chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay người bị thiệt hại sẽ phải gánh chịu rủi ro? Nếu theo những quy định hiện nay, khi không xác định được người thứ ba thì TNBTTH sẽ thuộc về chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Điều này sẽ không phù hợp với lẽ công bằng. Như vậy, việc không xác định TNBTTH của người thứ ba là một điểm bất cập trong quy định của BLDS về TNBTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
2.1.2.5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thi công
TNBTTH của người thi công là quy định hoàn toàn mới trong BLDS năm 2015. Dưới góc độ ngôn ngữ, thi công được hiểu là “tiến hành xây dựng một công trình theo cách thức đã thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật”41. Dưới góc độ pháp lý “Thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi , phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng” (khoản 38, Điều 3, Luật Xây dựng năm 2014).
Người thi công là một thuật ngữ pháp lý nhưng không có văn bản nào đưa ra khái niệm cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở khái niệm thi công được trích dẫn ở trên, chúng ta có thể hiểu rằng: “người thi công là người thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng mới, sữa chữa, cải tạo… hoặc phá dỡ một công trình theo cách thức đã thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật hoặc một kế hoạch đã được vạch sẵn”.
Theo tinh thần của Điều 605, BLDS năm 2015, chỉ những người thi công xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác (chính là công trình gây thiệt hại) mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều luật này. Nếu là người thi công công trình bên cạnh tác động làm cho nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại thì không áp dụng quy định tại Điều này mà áp dụng căn cứ chung ở khoản 1, Điều 584, BLDS năm 2015. Ví dụ, A thi công nhà của B, nhưng lại làm đổ nhà của C, dẫn đến D bị thiệt
41 Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Đại Từ điển Tiếng Việt, NXB Văn hóa – thông tin, Hà Nội, 1998, tr,1559.
hại. Theo đó, trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về A. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý áp dụng trong trường hợp này là khoản 1, Điều 584, BLDS năm 2015 mà không phải Điều 605, BLDS năm 2015. Bởi vì, nhà của C đổ gây thiệt hại cho D, nhưng A không phải là người thi công nhà của C, mà là người thứ ba có lỗi tác động làm cho nhà C gây thiệt hại cho D. Ngoài ra, Điều luật này không xem xét trách nhiệm của người thi công đang xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác, mà chỉ xem xét đến trách nhiệm của người thi công khi công trình đã bàn giao cho chủ sở hữu (tại thời điểm nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại hoạt động thi công đã chấm dứt hoặc đang tạm ngừng thực hiện). Nếu nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại khi người thi công vẫn đang tiến hành hoạt động xây dựng, mà người thi công bị coi là có lỗi, thì lỗi đó là lỗi do hành vi thi công gây thiệt hại và sẽ áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 584, BLDS năm 2015 để giải quyết chứ không áp dụng Điều 605, BLDS năm 2015.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 605, BLDS năm 2015, TNBTTH của người thi công được xác định trên cơ sở có lỗi của họ đối với thiệt hại xảy ra bởi vì trong Điều luật này có sử dụng cụm từ “có lỗi trong việc để… ”. Theo quy định này, lỗi của người thi công có thể xuất hiện trong hai trường hợp: (i) bản thân người thi công đã nhận được thức khả năng gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng, nhưng họ lại để mặc cho thiệt hại xảy ra; (ii) khi thi công đã không tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng và nhận thức được việc không tuân thủ đó sẽ có thể khiến cho nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Do vậy, để xác định lỗi của người thi công khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải xem xét quá trình họ thực hiện hoạt động xây dựng có đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thiết kế… hay không. Nếu không thể chứng minh người thi công đã vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng thì không thể bắt họ bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, cũng phải chứng minh người thi công đã nhận thức được khả năng gây thiệt hại của nhà cửa, công trình xây dựng nhưng đã không thông báo cho chủ sở hữu biết nên thiệt hại mới xảy ra. Nếu không chứng minh được yếu tố này thì không thể khẳng định người thi công “có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại” và họ sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, quy định về TNBTTH của người thi công trong Điều 605, BLDS năm 2015 còn tồn tại bất cập ở chỗ nó chỉ hướng tới việc xác định trách nhiệm liên đới giữa người thi công với chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp nếu cả người thi công và chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác cùng có lỗi khi nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại. Trong trường hợp nhà cửa, công trình xây dựng gây thiệt hại mà lỗi hoàn toàn thuộc về người thi công (ví dụ vừa bàn giao nhà thì nhà bị sập gây thiệt hại) thì không thể buộc chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác phải cùng liên đới chịu trách nhiệm với người thi công trong mọi trường hợp. Do đó, quy định này cần phải được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn theo hướng phân định rõ trường hợp người thi công hoàn toàn có lỗi thì phải tự bồi thường, nếu có một phần lỗi thì phải liên đới bồi thường với chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng.
2.2. Thực trạng áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra tại Việt Nam
2.2.1. Thực trạng áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Việt Nam
❖Thứ nhất, hầu hết các vụ việc về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra đều liên quan đến phương tiện cơ giới vận tải, trong đó chủ yếu là hành vi điều khiển phương tiện cơ giới gây thiệt hại. Tuy nhiên, HĐXX không phân biệt hành vi điều khiển phương tiện gây thiệt hại với tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại mà đều xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại nên việc áp dụng cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại trong nhiều vụ việc còn chưa chính xác. Để minh chứng cho thực tế này có thể đề cập đến vụ án sau:
Vụ việc của anh Nguyễn Quang Tr, thành phố Hà Nội: Vào 11h40 phút ngày 02/8/2016, anh Tr là lái xe của Xí nghiệp xe buýt 10-10 thuộc Tổng Công ty vận tải H điều khiển xe buýt số 13 BKS 29B- 046.71 lưu thông trên đường Ph hướng từ Cầu N đi Cầu D, khi đi đến lối rẽ vào khu đô thị giao lưu thuộc địa phận phường C thì xảy ra tai nạn giao thông với xe mô tô BKS 36B-795.40 do chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1990, HKTT: M, phường Đ, TP.Th, tỉnh Thanh Hóa điều khiển theo chiều
ngược lại, hậu quả chị H bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Việc xảy ra tai nạn do lỗi của chị Nguyễn Thị H nên cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm không khởi tố vụ án hình sự cũng như không khởi tố bị can. Anh Lê Văn H (chồng của chị H) có yêu cầu bồi thường. Vụ việc đã được giải quyết tại Tòa án42.
Nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án này, tác giả nhận thấy vấn đề mâu thuẫn giữa nhận định và quyết định của HĐXX như sau: Trong phần xét thấy, HĐXX đã kết luận “hành vi điều khiển xe buýt gây hậu quả chết người của anh Tr là sự kiện bất ngờ”. Tức là theo nhận định này, thiệt hại trong trường hợp này là do hành vi trái pháp luật gây ra mà không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hơn nữa, anh Tr đang là lái xe của Xí nghiệp xe buýt 10-10 thuộc Tổng Công ty vận tải H, nên căn cứ pháp lý được vận dụng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại phải là Điều 597 về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra mới chính xác. Tuy nhiên, HĐXX đã vận dụng quy định tại khoản 3, Điều 601, BLDS năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để giải quyết là không chính xác.
❖Thứ hai, trong một số vụ việc, HĐXX còn mâu thuẫn trong việc xác định căn cứ loại trừ TNBTTH. Nguyên nhân của mâu thuẫn này là do HĐXX còn nhận định chưa đúng thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi gây ra. Điều này được minh chứng qua vụ án thực tế sau:
Vụ việc anh Nông Văn L, tỉnh Hà Giang: Vào khoảng 10h ngày 03/4/2016 anh