1.3.7.1. Nguồn truyền nhiễm
- Người mang phế cầu không triệu chứng: Người là vật chủ bắt buộc của phế cầu, phế cầu thường trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là mũi họng nhưng không gây ra triệu chứng gọi là mang vi khuẩn [54]. Tỷ lệ mang phế cầu cao hơn ở trẻ em (20–50%) so với người lớn (5–20%) [66], [108]. Người mang phế cầu có khả năng lây truyền cho người khác trong cộng đồng hoặc phế cầu trở nên xâm nhập và gây bệnh, đặc biệt là viêm phổi [54].
Ở Việt Nam, một số tác giả nghiên cứu về tỷ lệ mang phế cầu khác nhau tùy theo địa điểm nghiên cứu: Thành phố Cần Thơ (34%) [10], Thành Phố Hồ Chí Minh (30,9%) [5], Huế (16,7%), Ba Vì, Hà Nội (40%) [111], Mai Dịch, Hà Nội (41%) [8], Vân Đồn, Quảng Ninh (15%) và Vị Xuyên, Hà Giang (10,7%) [6].
- Người đang bị bệnh
Viêm phổi do phế cầu có mật độ khuẩn lạc phế cầu tăng cao ở mũi họng [34], [35], [43], [155], là nguồn lây truyền cho người khác trong cộng đồng, đặc biệt là những người có yếu tố thuận lợi cho phế cầu gây bệnh như nhiễm
virus, dị ứng, hen, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, suy giảm chức năng lách.
- Đồng nhiễm virus
Tải lượng phế cầu tăng và tăng sự xâm nhập vào vật chủ trong quá trình đồng nhiễm virus thúc đẩy sự lây truyền phế cầu [104], [164]. Nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn huyết, tử vong và lây lan sang các mô khác trong quá trình đồng nhiễm [44]. Nhiễm virus gây tổn thương biểu mô của đường hô hấp, làm suy giảm miễn dịch của cơ thể do đó thúc đẩy sự xâm nhập của vi khuẩn [94].
1.3.7.2. Đường truyền nhiễm
- Tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của hệ hô hấp của người mang mầm bệnh. Pneumolysin của phế cầu thúc đẩy quá trình bong tróc của vi khuẩn và pneumolysin cũng gây ra phản ứng viêm ở vật chủ trong quá trình thường trú làm thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn do đó tăng cường sự lan truyền phế cầu [166].
- Truyền sang những người khỏe mạnh thông qua giọt bắn [119]. Nhờ màng sinh học mà phế cầu có thể tồn tại trong môi trường bên ngoài cơ thể đến 4 tuần [119].
1.3.7.3. Khối cảm nhiễm và miễn dịch - Khối cảm nhiễm
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc viêm phổi do phế cầu, những người có nguy cơ cao hơn đối với viêm phổi do phế cầu bao gồm trẻ dưới 2 tuổi, người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, người có bệnh hô hấp mạn tính, suy giảm chức năng lách [105].
- Tính miễn dịch trong trường hợp tái nhiễm
Tính sinh miễn dịch sau khi nhiễm phế cầu là bền vững và đặc hiệu theo típ huyết thanh và các protein của vi khuẩn hay toàn bộ vi khuẩn. Đây là cơ sở để sản xuất vắc xin để phòng bệnh gây ra bởi phế cầu. Vắc xin được sản xuất đầu tiên là từ vỏ polysaccharid của phế cầu (Pneumococcal Polysaccharide
Vaccine: PPV) là Pneumo23 chứa 23 kháng nguyên vỏ đại diện cho 23 típ huyết thanh hay gây bệnh của phế cầu, vắc xin này đáp ứng qua trung gian tế bào nên chỉ có hiệu quả ở trẻ lớn và người lớn. Từ năm 2000, vắc xin liên hợp phế cầu đã ra đời (Pneumococcal Conjugate Vaccine: PCV) là PCV7, PCV10 và PCV13 và được đưa vào lịch tiêm chủng của trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên hiệu quả dự phòng của các vắc xin này bị suy giảm theo thời gian do xuất hiện các típ huyết thanh gây bệnh không có trong vắc xin. Ngày nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để sản xuất vắc xin phụ thuộc vào kháng nguyên protein là phương pháp toàn tế bào, để tạo miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào với một số lượng lớn kháng nguyên protein tiềm năng và không phụ thuộc vào típ huyết thanh [64].