Ở nước ta cho đến nay các nghiên cứu về viêm phổi do phế cầu ở trẻ em còn ít, chưa đầy đủ và hệ thống. Một số tác giả nghiên cứu về viêm phổi ở trẻ em đều đưa ra kết luận rằng phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi: Trần Minh Phụng và cộng sự (1994, tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang) phế cầu chiếm tỷ lệ cao nhất 62 % [17]. Nguyễn Văn Bàng (2009, tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai) phế cầu chiếm 58,8% trong số xét nghiệm dương tính [4].
Đào Minh Tuấn và cộng sự (2012, tại Bệnh viện Nhi Trung ương) phế cầu chiếm tỷ lệ cao nhất 31,3% [27]. Hoàng Ngọc Anh và cộng sự (2017, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) phế cầu chiếm 60% [1].
Tác giả Đặng Đức Anh và cộng sự (2009), nghiên cứu dịch tễ các các bệnh xâm nhập do phế cầu, giám sát tiến cứu ở trẻ em nhập viện tại Nha Trang từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 8 năm 2006, tỷ lệ mắc bệnh phế cầu xâm nhập là 48,7 trường hợp/100.000 trẻ (95% CI: 27,9-85,1 trường hợp/100.000 trẻ) [40].
Nghiên cứu của “Mạng lưới giám sát mầm bệnh kháng thuốc Châu Á” (Asian Network for Surveillance of Resistant Pathogens: ANSORP) giai đoạn 2000-2001, phế cầu không nhạy cảm với penicillin cao nhất ở Việt Nam (92%) [139], giai đoạn 2008- 2009 thấy tình trạng đa kháng thuốc của phế cầu ở Việt Nam là 73,3% [105].
Phạm Hùng Vân và cộng sự, điều tra tình trạng kháng thuốc kháng sinh (SOAR) tại Việt Nam thấy, giai đoạn 2009- 2011 phế cầu kháng cao với các sinh đường uống nhưng vẫn còn nhạy cảm 76,1% với amoxicillin [152], giai đoạn 2016- 2018, thấy ở Việt Nam phế cầu có tính nhạy cảm thấp nhất so với các nước cùng được giám sát [151].
Như vậy, trên thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây cũng như ở việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về viêm phổi do phế cầu ở trẻ em đầy đủ về dịch tễ, yếu tố liên quan, lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị,
Mặt khác, việc lạm dụng kháng sinh hiện nay trong cộng đồng chưa được kiểm soát, đồng thời dùng kháng sinh khá rộng rãi trong bệnh viện làm cho phế cầu ngày càng trở nên kháng kháng sinh, việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngày càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, một nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và hệ thống về các khía cạnh dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do phế cầu ở trẻ em là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.
Chương 2.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU