Về quan hệ đầu tư

Một phần của tài liệu XHNV KLTN QUAN hệ TRUNG QUỐC – CAMPUCHIA từ năm 2013 đến hết năm 2020 (Trang 39 - 44)

6. Cấu trúc khóa luận

2.2.2 Về quan hệ đầu tư

Từ năm 2012, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư, chủ nợ và nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Campuchia [26,tr.3]. Năm 2015, tổng đầu tư nước ngoài vào Campuchia đạt 4,430 tỷ USD, tăng 18% so với 2014; trong đó Trung Quốc

đã đầu tư 865 triệu USD, đứng đầu và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Campuchia, chiếm 18,62% tổng kim ngạch đầu tư của nước ngoài tại Campuchia [64]. Tính đến cuối năm 2017, số vốn đăng ký bao thầu của Trung Quốc tại Campuchia đạt 17,54 tỷ USD, trong đó số vốn giải ngân đạt 11,08 tỷ USD [14,tr.59]. Trung Quốc tập trung các chính sách đầu tư vào các dự án trọng điểm, có hiệu quả kinh tế cao, thu được nhiều lợi nhuận để từng bước kiểm soát, chi phối nền kinh tế Campuchia.

Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia với tổng giá trị đầu tư đạt 5,3 tỷ USD. Trong năm 2017, Campuchia đã thu hút 1,4 tỷ USD đầu tư vào tài sản cố định từ Trung Quốc, tương đương 27% tổng giá trị đầu tư vào Campuchia [64].

Đến năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia trên lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ USD trong các dự án thủy điện và 4 tỷ USD trong các nhà máy điện than. Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào 5 nhà máy nhiệt điện ở Campuchia với năng lực 1.733 megawatt [7,tr.25]. Đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, lưới điện), thông tin, dịch vụ, dệt may, nông nghiệp, y dược... Nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã đầu tư vào Campuchia. Trong đó, Tập đoàn Hongdou Giang Tô đã đầu tư xây dựng “Đặc khu kinh tế cảng Sihanouk”, đây là dự án về “đặc khu kinh tế” đầu tiên của Trung Quốc tại nước ngoài do Bộ Thương mại Trung Quốc phê chuẩn.

Chính quyền Campuchia đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt cho các nhà đầu tư Trung Quốc, nhất là về quyền sử dụng đất. Luật của Campuchia không cho phép người nước ngoài mua bán, sở hữu đất ở Campuchia nhưng nhà đầu tư Trung Quốc có thể dễ dàng thuê đất với thời hạn 99 năm, sau khi hết hạn

còn có thể xin gia hạn[18]. Đến nay, dự án lớn nhất của đầu tư Trung Quốc tại Campuchia là dự án “Đặc khu kinh tế Sihanouk Viller” với diện tích 11,08 km2 (giai đoạn 1 với quy mô 5,28 km2, đầu tư 320 triệu USD) [13,tr.87]. Trong bối cảnh các tranh chấp Biển Đông đang diễn ra ngày càng căng thẳng, đặc biệt là việc phân định vùng biển giữa Việt Nam và Campuchia chưa được giải quyết, việc đầu tư xây dựng Cảng không chỉ đơn thuần là viện trợ mà chắc chắn còn có mục đích khác [64].

2.2.3 Về viện trợ phát triển

Hiện nay, Trung Quốc là nhà viện trợ lớn nhất cho Campuchia. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Bắc Kinh, tháng 4/2013, Trung Quốc cam kết viện trợ không hoàn lại cho Campuchia 300 triệu NDT và cho vay ưu đãi 500 triệu USD để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia [14,tr.33]. Năm 2014, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nước viện trợ lớn nhất cho Campuchia với số tiền 223 triệu USD, Mỹ chỉ có 76 triệu USD [39].

Đến năm 2017, Campuchia đã nhận được khoảng 4,2 tỷ USD dưới hình thức viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc. Cũng đến cuối năm 2017, nợ công nước ngoài của chính phủ Campuchia đã lên tới 9,6 tỷ USD, trong đó khoảng 42% là nợ Trung Quốc [7,tr.25]. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động “ngoại giao quà tặng”, lồng ghép trong việc viện trợ về kinh tế, đầu tư thúc đẩy thương mại (bất đối xứng trong cán cân thương mại ngày càng gia tăng) nhằm nhận được sự ủng hộ về mặt chính trị và ngoại giao của Campuchia đối với Trung Quốc trong các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế [12,tr.41-47].

Trung Quốc thường nhấn mạnh các khoản “viện trợ không điều kiện” nhưng thực chất vẫn đi kèm các điều kiện hết sức chặt chẽ và đầy “toan tính” của Trung Quốc, đó là:

Thứ nhất, sử dụng viện trợ “không điều kiện” để ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ và các nước phương Tây tại Campuchia. Viện trợ của phương Tây bao giờ cũng kèm theo điều kiện là Campuchia phải mở cửa cho cải cách (đảm bảo sự minh bạch, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo), còn viện trợ của Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề tham nhũng, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo. [14,tr.35]

Thứ hai, sử dụng viện trợ để nhận được sự ủng hộ của Campuchia. Mới đây, theo tờ Bưu Điện Phnom Penh ngày 21/5/2014 đưa tin, Thủ tướng Hun Sen trong chuyến công du Trung Quốc và tham dự Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin Châu Á (CICA) tại Thượng Hải đã được Trung Quốc viện trợ 115 triệu USD và cho vay ưu đãi hơn 32 triệu USD trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam [46]. Như vậy, cứ sau mỗi sự kiện, động thái của Campuchia ủng hộ các lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc thường sử dựng các khoản viện trợ để đáp lại và lôi kéo Campuchia tiếp tục ủng hộ các lợi ích của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng chính sách viện trợ làm công cụ để ràng buộc, chi phối Campuchia. Khi Campuchia đảm nhiệm chức

Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016. Trung Quốc đã có các chuyến viếng thăm kèm theo các khoản viện trợ nhằm “tác động” và “hướng lái” Campuchia để thực hiện các kế hoạch chính trị có lợi cho mình giống như năm 2012. Một vài ngày sau đó, Trung Quốc đã cam kết khoản tiền 600 triệu USD cả viện trợ lẫn cho vay với Campuchia [7]

Thứ tư, sử dụng viện trợ để đạt được các mục tiêu kinh tế khác.

Việc Trung Quốc viện trợ cho Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh, chiếm lĩnh thị

trường và đưa lao động Trung Quốc vào làm việc tại Campuchia; từng bước biến Campuchia thành nơi cung cấp nguyên liệu thô và tiêu dùng hàng hóa Trung Quốc; thông qua đầu tư phát triển hệ thống đường sắt và đường xuyên Á tại Campuchia, Lào và Myanmar để thâm nhập mở rộng ảnh hưởng.

2.2.4 Hợp tác xây dựng hạ tầng cơ sở

Trung Quốc tích cực khai thác các thế mạnh về viện trợ, đầu tư, thương mại để gia tăng sự lệ thuộc của Campuchia vào Trung Quốc. Ngoài việc, Trung Quốc cấp hàng tỷ USD viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi, quốc gia này còn hợp tác xây dựng cơ sở ở Campuchia.

Vào cuối năm 2017, hơn 2.000 km đường, bảy cây cầu lớn và một bến container mới tại Cảng tự trị Campuchia đã được xây dựng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Một sân bay quốc tế mới ở Siem Reap, sân bay quốc tế Dara Sakor ở tỉnh Koh Kong và một sân bay quốc tế ở tỉnh Kandal trị giá gần 3 tỷ USD trong các dự án sân bay đã được phê duyệt [56]. Trung Quốc đang tham gia xây dựng Đặc khu Kinh tế Sihanoukville (SEZ), nơi đã thu hút hơn 100 công ty từ Trung Quốc và các nước khác với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD tính đến năm 2017 và tạo ra gần 20.000 việc làm cho cộng đồng địa phương. Hạng mục xây dựng mạng lưới thông tin cáp quang toàn quốc Campuchia cũng đang được xí nghiệp Trung Quốc thực hiện, đó sẽ là “cao tốc thông tin của Campuchia Thế kỷ XXI”. Đây là mạng lưới cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc phát triển khu vực ven biển của Campuchia. Những hạng mục có vai trò chiến lược trong hệ thống giao thông đường bộ nội địa của Campuchia; trùng tu chùa Takeo; đền Angco, nhà máy dược phẩm Phnompenh; nâng cấp đại lộ Mao Trạch Đông ở Phnompenh...[5]

Trung Quốc đã giúp nhiều nước xây dựng sân bay, đường sá và các tuyến đường vận chuyển nhưng trong số đó, sân vận động là những công trình đặc biệt

đáng chú ý. Sân vận động quốc gia Morodok Techo do Trung Quốc tài trợ và bắt đầu xây dựng vào năm 2013 và hoàn thành vào năm 2021. Bằng cách phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, một số quốc gia ủng hộ các nước khác để đổi lấy các điều khoản thương mại, ưu đãi hoặc thậm chí là chính trị mà họ mong muốn. Chi phí và công tác bảo trì cũng là vấn đề thường bị bỏ qua, nơi các sân vận động dần mất đi vẻ hào nhoáng ban đầu, phản ánh một sự phát triển thiếu bền vững. Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhân quyền khác đã chỉ trích chính sách “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc, nhất là khi thực tế cho thấy các dự án đầu tư kiểu này dễ đẩy các quốc gia rơi vào gánh nặng nợ nần [ 36].

Một phần của tài liệu XHNV KLTN QUAN hệ TRUNG QUỐC – CAMPUCHIA từ năm 2013 đến hết năm 2020 (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(82 trang)
w