Khái niệm về hội nhập tài chính

Một phần của tài liệu Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á. (Trang 36 - 38)

Hội nhập tài chính có thể được diễn giải một cách đơn giản nhất là sự “thâm nhập” hay sự “liên kết, hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau” về mặt tài chính giữa các nước. Cơ sở hay động lực thúc đẩy hội nhập tài chính là sự phát triển của thương mại và đầu tư quốc tế. Nói một cách khác, hội nhập tài chính là một nội dung quan trọng hay là điều kiện “cần và đủ” để hội nhập kinh tế giữa các nước. Do vậy, trước khi tìm hiểu về định nghĩa hội nhập tài chính, nghiên cứu bắt đầu với khái niệm về hội nhập kinh tế. Theo Balassa (1961), hội nhập kinh tế là "việc bãi bỏ phân biệt đối xử trong một khu vực". Theo Kahnert & cộng sự (1969), hội nhập kinh tế là "quá trình loại bỏ dần những phân biệt đối xử xảy ra ở biên giới quốc gia". Hội nhập kinh tế, theo Machlup (1977) là quá trình kết hợp các nền kinh tế riêng biệt vào một vùng kinh tế lớn hơn. Machlup (1977) và Staley (1977) tiếp tục chỉ ra rằng hội nhập kinh tế liên quan đến việc "tận dụng tất cả cơ hội tiềm năng của phân công lao động hiệu quả". Theo Balasaa (1962), có năm giai đoạn hội nhập kinh tế khác nhau. Đầu tiên là khu vực Thương mại Tự do (FTA), tiếp theo là liên minh Thuế quan (CU), thị trường Chung (CM), liên minh Kinh tế và cuối cùng là liên minh Tiền tệ (MU), là đỉnh cao của hội nhập kinh tế.

Mặc dù hội nhập tài chính đã được tiến hành từ nhiều thập kỷ trước, cụ thể từ những năm 1950, song hiện nay khái niệm về hội nhập tài chính vẫn chưa thực sự thống nhất (Katarina & các cộng sự, 2021). Thuật ngữ như “toàn cầu hóa tài chính”, “tự do hoá tài chính” cũng đã được sử dụng một cách thay thế hay tương đồng với “hội nhập

tài chính”, đặc biệt là trong các công trình nghiên cứu thực nghiệm, vì mức độ của toàn cầu hoá tài chính, tự do hoá tài chính, hội nhập tài chính thường được đo lường bằng cùng một số chỉ số. Tuy nhiên, xét về mặt lý thuyết, toàn cầu hóa tài chính, tự do hoá tài chính và hội nhập tài chính là các khái niệm vẫn còn có sự khác biệt nhất định. Trong khi, toàn cầu hóa tài chính là sự liên kết hệ thống tài chính của một quốc gia với các tổ chức và thị trường tài chính quốc tế, thì tự do hoá tài chính được dùng để chỉ việc dỡ bỏ, hoặc cắt giảm các rào cản giữa các quốc gia trong quá trình lưu thông vốn. Hội nhập tài chính là quá trình mà một nền kinh tế không hạn chế các giao dịch tài chính xuyên biên giới. Ngoài ra, sự hội nhập tài chính thường đòi hỏi phải tự do hóa khu vực tài chính trong nước cũng như tự do hoá tài khoản vốn, tài khoản vãng lai, mở cửa các dịch vụ tài chính cũng như sự thâm nhập vào hệ thống tài chính quốc tế. Do đó, hội nhập tài chính diễn ra khi các nền kinh tế của một quốc gia trải qua sự gia tăng dịch chuyển vốn xuyên quốc gia, bao gồm sự tham gia tích cực của những người đi vay và cho vay trong nước trên thị trường quốc tế và các trung gian tài chính quốc tế.

Một số quan điểm khác nhau về hội nhập tài chính được sử dụng nhiều nhất bao gồm như sau: Thứ nhất, hội nhập tài chính là quá trình thông qua đó thị trường tài chính của hai hoặc nhiều quốc gia hoặc khu vực kết nối với nhau chặt chẽ hơn. Quá trình này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm sự di chuyển dòng vốn xuyên biên giới (như là việc các công ty huy động vốn trên thị trường vốn xuyên biên giới), sự tham gia của nước ngoài vào thị trường trong nước (sự gia nhập của ngân hàng nước ngoài vào thị trường ngân hàng/tài chính trong nước), sự chia sẻ thông tin và thông lệ giữa các định chế tài chính, hoặc sự thống nhất của cơ sở hạ tầng thị trường tài chính. Hội nhập tài chính có thể có quy mô khu vực hoặc toàn cầu, tùy thuộc vào mức độ kết nối của thị trường tài chính của một quốc gia với các quốc gia láng giềng hay với các trung tâm/định chế tài chính toàn cầu (IMF, 2008). Quan điểm này tương đối đầy đủ khi đề cập đến các nội dung và quy mô của hội nhập tài chính. Tuy nhiên, quan điểm vẫn còn hạn chế khi chưa chỉ ra điều kiện của hội nhập tài chính đó là việc cải cách hệ thống tài chính trong nước và gỡ bỏ các hạn chế cho các dòng vốn xuyên biên giới.

Thứ hai, Brouwer (2005) cho rằng hội nhập tài chính là quá trình mà thị trường tài chính trong một nền kinh tế liên kết chặt chẽ hơn với những thị trường tài chính của nền kinh tế khác. Dòng vốn trên các thị trường tài chính có sự thâm nhập, di chuyển qua lại và phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ do có sự gỡ bỏ các rào cản. Điều này hàm ý sự gia tăng dòng vốn và xu hướng giá và lợi nhuận trên tài sản giao dịch tài chính ở các quốc gia khác nhau tương tự nhau. Giống với quan niệm thứ nhất, quan niệm của Brouwer (2005) đề cập đến sự liên kết chặt chẽ của các thị trường tài chính. Tuy nhiên, quan niệm

thứ hai này đã nhấn mạnh vào nội dung hội nhập tài chính là sự thâm nhập của các dòng vốn do có sự gỡ bỏ các hạn chế trên thị trường tài chính và đây có thể coi là điều quan trọng nhất của quá trình hội nhập tài chính. Vì vậy, về bản chất, quan niệm thứ hai này tốt hơn quan niệm thứ nhất.

Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm trên, quan điểm về hội nhập tài chính được sử dụng trong luận án này là: (1) sự tự do di chuyển của các dòng vốn và mở cửa dịch vụ tài chính trên cơ sở loại bỏ các hạn chế của mỗi nước; (2) sự thống nhất về các quy định đối các hoạt động tài chính nhằm đạt được sự liên kết hoàn toàn về thị trường tài chính, thuế và các vấn đề liên quan giữa các nền kinh tế thành viên. Quan điểm này thể hiện sự liên kết, hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau của các thị trường tài chính giữa các nước và sự tự do hoá các dòng vốn xuyên biên giới nhằm tạo điều kiện cho các cơ hội đầu tư và nhận đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế từ cấp độ cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đến nhà nước.

Một phần của tài liệu Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á. (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(190 trang)
w