Nguyên nhân của tình trạng đói nghèo

Một phần của tài liệu Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á. (Trang 50 - 54)

Tình trạng đói nghèo không chỉ được gây ra bởi một nguyên nhân hay yếu tố riêng lẻ mà là bởi sự kết hợp của các yếu tố phức tạp thuộc ba nhóm nguyên nhân bao gồm kinh tế vĩ mô, thể chế và xã hội. Các nhóm nguyên nhân được phân tích cụ thể như sau:

Nhóm nguyên nhân về kinh tế vĩ mô bao gồm:

- Tăng trưởng kinh tế thấp hoặc âm: Ở các nước đang phát triển, tăng trưởng tạo ra việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, tiến tới giảm đói nghèo. Nhìn chung, kể từ đầu những năm 1980, tốc độ tăng trưởng rất dễ biến động hoặc tiêu cực, với mức giảm tổng thể ở một số quốc gia. Điều này một phần là do các cú sốc bên ngoài điển hình như những thay đổi bất lợi trong các điều khoản thương mại của một số quốc gia, những thay đổi về nhu cầu toàn cầu đối với xuất khẩu và những thay đổi trong lãi suất toàn cầu đối với nợ nước ngoài của các nước đang phát triển. Những nguyên nhân này góp phần gia tăng tỷ lệ đói nghèo ở các quốc gia khác nhau của thế giới (WB, 2010). - Lạm phát: đặc biệt là khi tiền lương danh nghĩa của người có thu nhập thấp bị giảm

hoặc tăng trưởng với tốc độ thấp hơn giá cả, lạm phát có thể làm giảm thu nhập thực tế của người lao động và tạo ra đói nghèo. Người nghèo chịu nhiều thiệt hại hơn khi giá của hàng hóa cơ bản bị ảnh hưởng. Agenor (1999) chỉ ra rằng lạm phát luôn làm tăng tỷ lệ đói nghèo, trong khi đó Easterly & Fischer (2001) nhận thấy những người nghèo có xu hướng coi lạm phát là mối đe doạ hàng đầu.

- Các cú sốc kinh tế vĩ mô và sự thất bại trong chính sách của chính phủ: Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo ở đa số các quốc gia trên thế giới. Việc các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt với mất cân bằng kinh tế vĩ mô, chủ yếu là trong cán cân thanh toán do các chính sách mở rộng tổng cầu, các cú sốc điều khoản thương mại và thiên tai khiến tỷ lệ đói nghèo trở nên tăng cao. Những cú sốc kinh tế vĩ mô và sự thất bại trong chính sách dẫn đến tình trạng đói nghèo phần lớn là do việc hạn chế người nghèo sử dụng tài sản lớn nhất và duy nhất là “sức lao động”. Ngoài ra, các chính sách tiền tệ ảnh hưởng xấu đến chi phí và khả năng tiếp cận tín dụng của người nghèo, hay chính sách tài khóa dẫn đến thiếu việc làm, bị sa thải hoặc thay thế nhân sự, chính sách tỷ giá hối làm tăng chi phí sản xuất trong nước trong một hệ thống sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo một cách tiêu cực.

- Gánh nặng nợ: Ở một số quốc gia đang phát triển trên thế giới, gánh nặng nợ được xem như là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng đói nghèo. Ở những quốc gia như vậy, việc phải trả nợ ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực công (cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, thể dục thể thao), cản trở việc tăng trưởng kinh tế và phân bổ các nguồn lực để xóa đói giảm nghèo do phải thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng (Granville & Mallick, 2006).

- Bong bóng thị trường tài sản: giá nhà đất tăng mạnh và giá thuê nhà tăng có thể tăng tỷ lệ vô gia cư (Early & Olsen, 2002). Rủi ro này càng cao hơn đối với những người không có thu nhập để trả tiền thuê nhà hoặc tiền lãi và những người có ít tài sản để đủ điều kiện thế chấp, và đối với những người ở những nơi thiếu nhà ở xã hội. Do đó, bong bóng nhà ở có thể là một nguyên nhân làm gia tăng đói nghèo bởi vì các nhóm thu nhập thấp dễ bị tổn thương nhất khi không có khả năng tham gia vào thị trường nhà ở.

Nhóm nguyên nhân về thể chế:

- Tình trạng đói nghèo dai dẳng và phổ biến ở một số quốc gia được gây ra bởi tình trạng thể chế yếu kém bao gồm sự thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu tính minh bạch trong phân bổ nguồn lực, và sự yếu kém trong thực hiện và giám sát chương trình giảm đói nghèo. Cụ thể, những người đứng đầu ở một số quốc gia chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc cung cấp, giải trình đầy đủ, kịp thời các thông tin đối với các cơ quan cấp trên và đối với đối tượng quản lý, do vậy chưa thực sự hiện thực hoá được pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống. Các chương trình giảm đói nghèo cũng chưa được giám sát đầy đủ bởi các cơ quan quản lý dẫn đến vẫn còn xảy ra các hiện tượng tiêu cực như việc lãng phí nguồn lực, phân bổ nguồn lực sai quy định, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo.

- Các thể chế yếu kém còn gây ra hiện tượng tham nhũng, và sự tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào một nhóm ít người, cụ thể, là việc lạm dụng quyền lực công để tư lợi, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các nguồn lực dành cho họ và gây ra sự thất thoát các nguồn lực công để đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội khiến tỷ lệ đói nghèo gia tăng (Tebaldi, 2010).

Nhóm nguyên nhân về xã hội:

- Sự yếu kém trong phát triển nguồn nhân lực: Thiếu sự đầu tư vào vốn con người là yếu tố cản trở của sự gia tăng các cơ hội có việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu hút vốn đầu tư và tăng khả năng kiếm tiền. Cụ thể, lao động phổ thông không thể đảm nhận các công việc đòi kiến thức chuyên môn cao, kỹ năng tốt, do đó không thể có việc làm và tăng thu nhập. Trong một số hoàn cảnh (công nghiệp hóa, thay đổi cơ

cấu kinh tế, v.v…), số lượng công việc phổ thông bị giảm thiểu, những người lao động không có kỹ năng trở nên thất nghiệp và mất thu nhập, từ đó dễ rơi vào tình trạng đói nghèo.

- Sự thiếu điều kiện về sức khoẻ: Khía cạnh sức khỏe là thành phần chính trong nguồn vốn nhân lực của các cá nhân và yếu tố này ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng xảy ra đói nghèo. Tình trạng sức khỏe kém dẫn đến khả năng tìm được việc làm giảm (hoặc hoàn toàn không thể làm việc) và xác suất rơi vào cảnh đói nghèo cao hơn (Reinstadler & Ray, 2010). Những cá nhân có tình trạng sức khoẻ không ổn định vẫn có thể tham gia vào thị trường lao động, nhưng họ không đủ điều kiện kiếm được công việc có mức lương tương đối cao, mà chỉ phù hợp với công việc có mức lương thấp phản ánh năng suất cận biên tương đối thấp (Buddelmeyer & Cai, 2009). Ngược lại, thu nhập thấp có thể gây ra tình trạng sức khỏe kém do các yếu tố như suy dinh dưỡng và ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế, hay sự giảm sút tinh thần vì đói nghèo dẫn đến hành vi gây hại đối với sức khỏe, bao gồm hút thuốc, nghiện rượu, và lạm dụng ma túy. Do đó, mối quan hệ hai chiều giữa tình trạng sức khỏe kém và đói nghèo tạo thành một vòng luẩn quẩn dẫn đến bẫy nghèo vĩnh viễn đối với những người trong độ tuổi lao động.

- Thiếu khả năng tiếp cận thị trường tín dụng: Việc không có cơ hội tiếp cận với thị trường tín dụng cũng là một nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Những cá nhân không có đủ tài sản thế chấp đối với các khoản tín dụng không thể bắt đầu các hoạt động kinh doanh để có thể thoát nghèo (Granville & Mallick, 2006). Vấn đề này rõ ràng có mối liên hệ với sự thiếu hụt của tài sản kinh tế phù hợp, cũng như thông tin không cân xứng, rủi ro đạo đức và sự lựa chọn bất lợi vốn có đối với thị trường tín dụng. Khả năng tiếp cận tín dụng và việc thiếu tài sản là mối quan hệ nhân quả và tạo thành một vòng luẩn quẩn ví dụ như ràng buộc về thanh khoản và tài sản thế chấp ngăn cản mọi người tích lũy đủ nguồn lực/ tài sản để thoát nghèo, và tiếp đó lại dẫn đến việc thiếu khả năng tiếp cận các khoản tín dụng. Quá trình này tạo ra một cái bẫy đói nghèo một cách hiệu quả (Ulimwengu, 2008). Vậy khả năng tiếp cận nguồn tín dụng là cơ hội giúp người nghèo thoát khỏi cảnh đói nghèo, có cơ hội đầu tư sản xuất, cải thiện thu nhập.

- Tội phạm và bạo lực: Sự gia tăng tỷ lệ tội phạm và bạo lực đã làm suy giảm chất lượng cuộc sống ở một mức độ khác nhau ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù các cá nhân thuộc mọi nhóm kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng, nhưng người nghèo thành thị đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những vấn đề xã hội này. Tội phạm và Bạo lực gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Cụ thể, một tỷ lệ ngày càng tăng của các nguồn lực công, vốn đã hạn chế, cần phải tăng cường cho lực lượng cảnh sát thực thi, hỗ trợ số

lượng nhà tù ngày càng tăng, cung cấp tài chính cho các nhu cầu đặt ra đối với hệ thống

tư pháp và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người bị thương do bạo lực. Các chi phí khác bao gồm hệ thống an ninh và bảo vệ hiện nay được yêu cầu bởi các doanh nghiệp và nhà ở. Thiệt hại về doanh thu tiềm năng từ việc các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch đã tìm kiếm điểm đến khác do mối đe dọa của tội phạm và sự di cư của tầng lớp trung lưu thành thị. Do đó, tỷ lệ tội phạm tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đối với tình trạng đói nghèo.

Một phần của tài liệu Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á. (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(190 trang)
w