Trong các nghiên cứu trước đây, nhiều chỉ số đo lường mức độ hội nhập tài chính đã được công bố. Tuy nhiên, mỗi chỉ số thường cung cấp một phần thông tin khác nhau của hội nhập tài chính. Điều này phần nào giải thích tại sao các kết quả thực nghiệm không cung cấp đầy đủ bằng chứng về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính và tình trạng đói nghèo. Việc chỉ sử dụng một hoặc một số chỉ số là không đủ để đưa ra kết quả cuối cùng nên cần thiết phải nghiên cứu tất cả các chỉ số hiện có. Các chỉ số về hội nhập tài chính có thể được chia thành hai nhóm chính: các chỉ số pháp lý (de jure) và các chỉ số thực tế (de facto).
Các chỉ số Pháp lý (De jure):
Chỉ số pháp lý de jure đo lường độ mở của tài khoản vốn dựa trên những quy định và hạn chế của chính phủ đối với các khoản mục của cán cân vốn trong cán cân thanh toán quốc tế của các quốc gia. Các chỉ số de jure phổ biến hay được dùng đó là chỉ số Kaopen và chỉ số kiểm soát vốn. Điểm chung cho gần như tất cả các chỉ số hội nhập tài chính de jure là sự phụ thuộc vào thông tin có sẵn trong các báo cáo hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về kiểm soát ngoại hối. Cho đến năm 1995, báo cáo thường niên của IMF về các thỏa thuận tỷ giá và hạn chế trao đổi (AREAER) đã tổng hợp độ mở đối với dòng vốn của một quốc gia dựa trên biến giả nhị phân. AREAER đã cung cấp thêm thông tin về giới hạn tài khoản vốn trong một số danh mục phụ. Tuy nhiên, chỉ số này chỉ thể hiện mức độ mở tài khoản vốn của một quốc gia mà không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nội dung kiểm soát vốn. AREAER đã báo cáo ba biến nhị phân bổ sung: về tính mở tài khoản vãng lai, về các yêu cầu chuyển trả tiền xuất khẩu, và dựa trên nhiều thông lệ tỷ giá. Mody & Murshid (2005) đã sử dụng cả bốn biến tính đến năm 1999 và giải thích tổng của bốn biến này là chỉ số hội nhập tài chính. Grilli & Milesi- Ferretti, (1995) cũng sử dụng cả bốn biến, nhưng đánh giá hội nhập tài chính dựa vào từng biến riêng biệt thay vì tính tổng.
Chỉ số Kaopen được đề xuất bởi Chinn & Ito (2006) là một trong những chỉ số de jure tổng thể và toàn diện nhất. Kaopen được tạo ra dựa trên các biến giả nhị phân đã được báo cáo trong AREAER. Các biến này là: (1) biến chỉ ra sự hiện diện của nhiều tỷ giá (k1), (2) biến chỉ ra các hạn chế đối với giao dịch tài khoản vãng lai (k2), (3) biến chỉ ra các hạn chế đối với các giao dịch tài khoản vốn (k3), và biến chỉ ra yêu cầu chuyển giao tiền xuất khẩu (k4). Chỉ số này tập trung vào các giá trị càng cao thì quốc gia càng mở cửa hơn trong giao dịch vốn xuyên biên giới. Chinn và Ito (2008) sử dụng cả bốn biến này cho 182 quốc gia cho đến năm 2006 và tổng hợp chúng theo các thành phần chính. Các biện pháp này cung cấp thông tin không chỉ được phân loại rõ ràng hơn mà còn mở rộng định nghĩa hạn hẹp về kiểm soát vốn. Tuy nhiên, một số tác giả khác đã chọn cách tiếp cận tập trung hơn. Bekaert, Harvey, & Lundblad (2005) nghiên cứu các đợt tự do hóa thị trường cổ phiếu cho 42 quốc gia trong giai đoạn 1960–2006; Edison & Warnock (2003) tập trung vào các hạn chế vốn cổ phần ở 31 quốc gia trong giai đoạn 1989–2006 với tần suất hàng tháng, bằng cách đo lường phần vốn hóa thị trường của một quốc gia mở cửa cho đầu tư nước ngoài.
Chỉ số kiểm soát vốn được phát triển bởi Schindler (2009), sau đó được phát triển bởi Fernandez & các cộng sự (2016) đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Chỉ số này cũng dựa trên Báo cáo AREAER của IMF. Bộ dữ liệu của Schindler
(2009) đã chấm điểm cho mức độ kiểm soát vốn (bao gồm cả vốn vào và ra) của 91 quốc gia trong giai đoạn 1995-2005 dựa trên 6 nội dung: hạn chế giao dịch trái phiếu, cổ phiếu, thị trường tiền tệ, đầu tư tập thể, tín dụng tài chính, và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2015, chỉ số này được phát triển và mở rộng cả về nội dung, số lượng quốc gia và khoảng thời gian. Theo đó, 4 nội dung đánh giá bổ sung gồm công cụ phái sinh, tín dụng thương mại, bảo lãnh tài chính, bất động sản. Bộ dữ liệu mới đã được cung cấp cho 100 quốc gia trong giai đoạn 1995-2003. Các tác giả dựa vào mô tả trong AREAER để xác định xem có hay không các hạn chế đối với giao dịch quốc tế. Khi có hạn chế đối với các giao dịch vốn, tài sản đó sẽ được cho điểm 1. Ngược lại, khi không có hạn chế nào, tài sản đó sẽ được cho điểm 0.
Trên thực tế, hạn chế chung của các chỉ tiêu này là chúng không phản ánh hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp kiểm soát, và các chỉ số này không phản ánh sự hội nhập thực tế của thị trường vốn quốc tế (Kose & cộng sự, 2009; Quinn & cộng sự, 2011). Bên cạnh đó, tính chất chủ quan của việc phân chia các nhóm quốc gia trong nghiên cứu làm cho các chỉ số de jure trở nên thiếu tin cậy khi được sử dụng để đánh giá mức độ hội nhập tài chính trong các mô hình kinh tế lượng.
Các chỉ số thực tế (de facto):
Để khắc phục nhược điểm của chỉ số pháp lý de jure, nhiều nghiên cứu đã sử dụng các chỉ số đo lường dòng vốn thực tế de facto. Các biện pháp thực tế de facto sử dụng giá hoặc số lượng vốn quan sát được để đo lường mức độ công khai tài chính của một quốc gia. Tuy nhiên, các chỉ số thực tế không phải là một sự thay thế hoàn hảo cho các chỉ số danh nghĩa. Các số liệu thực tế dựa trên dòng chảy hoặc giá cả thực tế, đều rất biến động qua các năm và cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vĩ mô khác bên cạnh hội nhập tài chính (Kose & cộng sự, 2009). Hạn chế đầu tiên có thể được khắc phục phần nào nếu các chỉ số được chuyển đổi đúng cách, điển hình như đường trung bình động, sử dụng tổng dữ liệu (cổ phiếu) thay vì lưu lượng. Hạn chế thứ hai khó khắc phục hơn nhiều khi không thể tách rời tác động từng phần của hội nhập tài chính. Hơn nữa, đôi khi hướng tác động có thể là hai chiều từ chính sách đến dòng tài chính và ngược lại, làm cho vấn đề càng trở nên phức tạp hơn.
Trong số các chỉ số de facto, chỉ số tổng tài sản và nợ nước ngoài tính theo phần trăm GDP (FAL) được đề xuất bởi Lane & Milesi-Ferretti's (2007) là phổ biến nhất. Dữ liệu về tài sản và nợ nước ngoài của các quốc gia được Lane & Milesi-Ferretti cung cấp cho mỗi năm trong giai đoạn 2000-2012. Ngoài ra, IFS (Thống kê Tài chính Quốc tế) của IMF có sẵn dữ liệu này hàng năm và hàng quý để tính chỉ tiêu tổng tài sản và nợ
nước ngoài của tất cả các thành viên từ năm 2000 đến nay. Công thức FAL được trình bày như sau:
��� �� = ���� + �� ��� ��
Trong công thức này, i là đại diện cho các quốc gia, t là năm
FA là tổng tài sản nước ngoài bao gồm: tài sản đầu tư trực tiếp, tài sản đầu tư theo danh mục, các khoản đầu tư khác (tài sản đầu tư khác) và tài sản dự trữ.
FL là tổng nợ nước ngoài bao gồm: nợ đầu tư trực tiếp, nợ đầu tư theo danh mục đầu tư, nợ đầu tư khác.
Bên cạnh FAL, FDI, FPI hay cho vay ngân hàng xuyên biên giới cũng đã được dùng để đo lường hội nhập tài chính trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Theo Tsai & Huang (2007); Huang & các cộng sự (2010), so với các dòng vốn vào, các dòng vốn được đầu tư ra nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong hội nhập tài chính vì nó cho biết khả năng đầu tư của người dân trong nước. Trong khi dòng vốn vào đo lường việc mua hoặc bán ròng của những người không cư trú đối với tài sản trong nước, dòng vốn ra biểu thị việc mua bán ròng tài sản nước ngoài của người cư trú. Vũ Thuỳ Dương (2019) sử dụng dòng vốn vào FDI và dòng vốn ra FDI để đo lường hội nhập tài chính. Theo tác giả, FDI là dòng vốn ổn định, ít có khả năng đảo ngược, do đó, hiếm khi gây ra khủng hoảng tài chính. FDI chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường tài chính, không chỉ góp phần tạo vốn mà còn có những tác động lan toả tích cực về phương thức quản lý, công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, FDI cũng có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đối với người nghèo. Cụ thể, các ngân hàng nước ngoài chỉ phân bổ vốn cho những người vay có tài sản đảm bảo tốt như các công ty và các cá nhân có thu nhập cao, từ đó khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của người nghèo bị hạn chế nhiều. Các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực phi tài chính cũng có thể làm tổn thương người nghèo nếu họ quyết định tái cấu trúc các doanh nghiệp trong nước và giảm thiểu lực lượng lao động phổ thông dư thừa. Dòng vốn ra FDI cũng có khả năng làm trầm trọng tỷ lệ người nghèo trong nước bởi vì FDI được đầu tư ở nước ngoài, dẫn đến việc thuê lao động kỹ năng thấp ở chính các quốc gia đó, từ đó giảm số việc làm trong nước.
Trong luận án, cụ thể ở Chương 3, chỉ số Kaopen, chỉ số tổng tài sản và tổng nợ nước ngoài so với GDP (FAL) được sử dụng để đánh giá định tính về mức độ hội nhập tài chính của các nước đang phát triển khu vực châu Á trong giai đoạn nghiên cứu, trong
khi đó chỉ riêng chỉ số FAL được dùng trong phần nghiên cứu định lượng ở chương 4 do những hạn chế về tính liên tục trong việc thu thập số liệu của chỉ số Kaopen.