Việt Nam
Ngày 07/3/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 91/TTg về việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, phải đến Hội nghị Trung ương 3 khóa IX (9/2001), vấn đề thành lập tập đoàn kinh tế mới được đề cập một cách cụ thể.
Nghị quyết chỉ rõ: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân...”.
Sau đó, Nghị quyết Trung ương 9 khóa IX một lần nữa khẳng định chủ trương “Tích cực chuẩn bị để hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh do tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế
Như vậy, sự phát triển của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam được từng bước thực hiện từ Quyết định 91/TTg. Mặc dù đây là “Văn bản đầu tiên xác lập các tiêu chí về tập đoàn, nhưng chưa đề cập đúng bản chất và đặc thù về mô hình, tổ chức quản lý và hoạt động của tập đoàn kinh tế, dẫn đến hoạt động của các tổng công ty chưa thể phát triển theo mô hình tập đoàn kinh tế”.
Nhận thức được những hạn chế về khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế cũng như trước thực tế bất cập của các tổng công ty, Chính phủ đã ban hành Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 và Nghị định 153/2004/NĐ-CP về tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước theo mô hình công ty mẹ - con.
Nhưng ngay cả những khuôn khổ pháp lý mới này cũng chỉ có thể được coi như là tiền đề pháp lý ban đầu cho việc chuyển đổi các Tổng công ty 91 thành các tập đoàn kinh tế nhà nước vì nhiều nội dung quan trọng của mô hình tập đoàn vẫn còn chưa được làm rõ, chẳng hạn như địa vị pháp lý, chế độ tài chính, mô hình quản trị nội bộ của tập đoàn cũng như mối quan hệ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên tập đoàn.
Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP, Nghị định số 141/2007/NĐ-CP, đã bổ sung thêm một số vấn đề về các tập đoàn kinh tế. Theo đó, tập đoàn kinh tế được hiểu là nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con.
Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.
Để tạo lập khung khổ pháp lý cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, ngày 05/11/2009, Chính phủ ban hành Nghị định 101/2009/NĐ-CP về “Thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước”.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, ngày 15/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2014/NĐ-CP về “Tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước”, trong đó đã quy định cụ thể hơn về thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động; tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế; quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế.
Đến nay, có 19 đơn vị trong diện quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/09/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), gồm: Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam).