Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn” [8, tập 1, tr.132] với 3 nhiệm vụ trọng tâm: xây
dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đổi mới tổ chức, hoạt động nói chung, quản trị ANKT nói riêng đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo này.
Một là, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa DNNN là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội hàng năm và 05 năm của mỗi cấp, ngành, địa phương và DNNN; ban hành chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
“Tháo gỡ các điểm nghẽn”, hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở cho hoạt động sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại, cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Trước hết phải nhận diện những “điểm nghẽn”, những vấn đề đặt ra trong cơ chế, chính sách phát triển Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, “Điểm nghẽn” trong chính sách cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Chính sách thu hút cổ đông chiến lược chưa hiệu quả. Chưa có chính sách bảo đảm công khai, minh bạch thông tin. Chính sách thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp vẫn còn có sự chồng chéo giữa một số văn bản và mới chỉ dừng ở các quy định khung mang tính nguyên tắc.
Việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian do
lịch sử pháp lý đất đai phức tạp, địa phương phê duyệt chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định...
Thứ hai, “Điểm nghẽn” về cải tiến mô hình quản trị doanh nghiệp
Quá trình tái cơ cấu, đổi mới Tập đoàn chưa như kỳ vọng không chỉ ở việc sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra, mà còn do Tập đoàn sau khi được sắp xếp lại, cổ phần hóa, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa có sự đổi mới thực chất về quản trị kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn yếu.
Bộ máy quản lý, điều hành Tập đoàn vẫn tồn tại một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong quản trị doanh nghiệp; cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, hội đồng thành viên tại Tập đoàn còn hạn chế; các quy định bắt buộc về áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế còn thiếu nên chưa tạo áp lực, động lực cho Tập đoàn thực hiện, khiến hệ thống thông tin tài chính của Tập đoàn hiện nay chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan;... Vai trò của các tổ chức đảng trong Tập đoàn, mối quan hệ với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên... cũng còn nhiều bất cập.
Thứ ba, những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách khác
Các chính sách tạo điều kiện kết nối Tập đoàn với các doanh nghiệp khác còn yếu. Trong điều kiện nguồn lực của các doanh nghiệp nói chung hiện nay còn hạn chế, việc liên kết giữa khu vực công - tư, hợp tác giữa các loại hình kinh tế, thành phần kinh tế để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là lời giải cho việc giải quyết các vấn đề về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường.
Thiếu cơ chế đánh giá hiệu quả của Tập đoàn, cần có sự đánh giá công khai và minh bạch. Chẳng hạn việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào của Tập đoàn như đất đai, tài nguyên, tài sản theo đúng giá trị thị trường sẽ cho kết quả về tỷ suất lợi nhuận, hệ số gia tăng của vốn đầu tư (ICOR) chính xác, nhất là khi phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội bên cạnh hoạt động kinh doanh.
Vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tiếp nhận còn phát sinh
đầu tư đối với một số dự án đầu tư của Tập đoàn, về phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư…
Ngoài ra, các chính sách chưa có sự rõ ràng, thống nhất cách hiểu một số thuật ngữ liên quan tới Tập đoàn, giữa các văn bản pháp luật. Cụ thể, thuật ngữ “Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp” không có sự thống nhất về cách hiểu trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Ngân sách nhà nước và Luật Xây dựng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong triển khai thực hiện.
Hai là, tiếp tục sắp xếp lại, cổ phần hóa Tập đoàn theo lộ trình.
Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh cho từng doanh nghiệp; nghiên cứu, xác định giá trị thương hiệu vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Đồng thời, chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước và nộp kịp thời các khoản thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp theo quy định. Tập đoàn cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Ba là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra
thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong Tập đoàn thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bốn là, Chỉ đạo áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính; có cơ chế gắn việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Xử lý nghiêm lãnh đạo Tập đoàn thực hiện không có kết quả.