Bên cạnh những thành tích đạt được có thể chỉ ra một số những hạn chế mà ngân hàng cần khắc phục trong việc mở rộng cho vay của Agribank Hà Tây như sau:
Thứ nhất, số lượng khách hàng DNNVV, tốc độ tăng của doanh số cho vay DNNVV của chi nhánh tuy có tỷ trọng cao và có xu hướng tăng qua các năm tuy nhiên so với sự phát triển về số lượng các DNNVV trên địa bàn thì đây là con số còn thấp. Hiện tại địa bàn có hàng ngàn doanh nghiệp, các khu công nghiệp mới như Láng Hòa Lạc, An Khánh, Phú Cát, Phứ Nghĩa, Bích Hòa, Liên Phương, Quất Động, Đại Xuyên...đã và đang hình thành phát triển các loại hình kinh tế, tạo ra những nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đa dạng, thực sự là thế mạnh để mở rộng cho vay các DNNVV phát triển bền
vững. Số lượng các DNNVV trên địa bàn hiện nay có nhu cầu vốn rất lớn, có thể nói ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu về vốn rất bức thiết của nhiều DNNVV, chưa khai thác hết tiềm năng của khối khách hàng này và của chính ngân hàng.
Thứ hai, mặc dù chất lượng tín dụng DNNVV nhìn chung vẫn được duy trì dưới sự kiểm soát tốt của ngân hàng, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng ở mức thấp so với toàn hệ thống, nhưng lại có xu hướng tăng cao qua các năm, nợ xấu DNNVV trên tổng dư nợ DNNVV tăng từ 2,75% năm 2010 lên đến 3,39% năm 2012. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng từ 0,8% năm 2010 lên 0,91% năm 2012.
Thứ ba, ngân hàng vẫn chưa bố trí nhân sự chuyên phụ trách về chiến lược kinh doanh và giám sát phân khúc khách hàng DNNVV, dù trong thời gian qua tỷ lệ khách hàng là DNNVV đã tăng đáng kể. Trên thực tế việc một cán bộ tín dụng kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc là khá phổ biến, trong khi đây là một hoạt động luôn hàm chứa nhiều rủi ro.
Thứ tư, khi tiếp nhận hồ sơ và thẩm định: hồ sơ vay vốn thiếu tra cứu thông tin tín dụng (CIC), báo cáo thẩm định của CBTD sơ sài, xác định vốn tự có, tính toán vòng quay vốn lưu động của khách hàng chưa chính xác.
• Nguyên nhân:
- Nguyên nhân khách quan
Bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và khó khăn, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước. Cầu nội địa giảm mạnh, sản phẩm hàng hóa sản xuất ra chậm luân chuyển, hàng tồn kho lớn, khả năng thanh khoản trong nền kinh tế thấp gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và ngành ngân hàng. Thị trường bất động giao dịch rất thấp, giá trị bất động sản giảm sâu, việc thanh lý bán tài sản thế chấp khó thực hiện, nhiều nơi xảy ra vỡ nợ...tác động đến hoạt động kinh
doanh của nhiều khách hàng và việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng.
Trên địa bàn Hà Tây đang là điểm đến của nhiều tổ chức tín dụng với nhiều chính sách phát triển mạng lưới từ đó tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, các điểm giao dịch của các tổ chức tín dụng mở rộng chiếm lĩnh thị trường tới vùng ngoại thị các chi nhánh huyện, khách hàng vay vốn có xu hướng bị lôi kéo chuyển sang NHTM cổ phần làm ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng tín dụng.
- Nguyên nhân từ phía ngân hàng
Thứ nhất, một số đơn vị lãnh đạo chưa chủ động bám sát định hướng chủ đạo của cấp trên, điều hành còn chung chung, chưa cụ thể, còn mang hình thức gia đình chủ nghĩa. Trong quá trình tác nghiệp một số đơn vị chưa chấp hành đầy đủ cơ chế, thiết lập hồ sơ cho vay chưa chặt chẽ, thẩm định các điều kiện vay vốn còn sơ sài, kiểm tra và xử lý đòi nợ chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Chất lượng tín dụng tại một số chi nhánh quản lý chất lượng còn yếu, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của toàn chi nhánh, đặc biệt có đơn vị nợ xấu kéo dài như chi nhánh Phú Xuyên, Chương Mỹ...
Thứ hai, ngân hàng vì mục tiêu ngăn chặn khả năng phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu nên thận trọng trong việc kiểm soát chất lượng tín dụng và rủi ro nợ xấu trước khi trao vốn, áp dụng các chuẩn cho vay rất chặt chẽ để tránh nợ xấu, không mạnh tay trong việc cho vay.
Thứ ba, sự phối hợp cũng như sự chia sẻ giữa ngân hàng với doanh nghiệp để cùng tồn tại vượt qua khó khăn chưa được chặt chẽ và còn thiếu nhịp nhàng.
Thứ tư, ngân hàng chưa chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách nhằm mở rộng tìm kiếm và thu hút khách hàng, đặc biệt hướng tới các DNNVV, đẩy mạnh mối quan hệ khách hàng truyền thống, tìm kiếm khách hàng mới, các hoạt động marketing hướng tới đối tượng là DNNVV chưa
phát triển. Nhiều DNNVV phải tìm đến ngân hàng để xin vay hay đăng ký sử dụng dịch vụ. Ngân hàng đã quan tâm đến các DNNVV, nhưng chưa thực sự trở thành chiến lược.
Thứ năm, chưa đa dạng hóa hình thức bảo đảm tiền vay, điều kiện vay vốn của ngân hàng còn quá chặt chẽ, trong quá trình thẩm định ngân hàng còn quá chú trọng vào điều kiện về tài sản đảm bảo mà đối với các DNNVV thì không đủ tài sản đảm bảo để có thể vay được vốn, chưa quan tâm đến hình thức cho vay tín chấp, gây trở ngại lớn cho các DNNVV khi tiếp cận vốn vay tại chi nhánh.
Thứ sáu, trình độ và năng lực của một số cán bộ tín dụng còn hạn chế, gặp khó khăn trong việc tiếp cận, đánh giá và phục vụ khách hàng, hạn chế trong việc phân tích, thẩm định và giám sát các khoản vay.
Thứ bảy, mặc dù bộ phận thẩm định đã được thành lập và hoạt động ngay khi quyết định 1595/QĐ/NHNo-HC&NS được ban hành nhưng Agribank chi nhánh Hà Tây chưa có quy trình riêng cho công tác thẩm định thống nhất từ trụ sở chính đến các chi nhánh phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác thẩm định.
- Nguyên nhân từ phía các DNNVV:
Trình độ và năng lực của đội ngũ lãnh đạo các DNVN còn nhiều hạn chế, năng lực quản lý yếu kém. Nhiều DNNVV chưa đủ năng lực pháp lý để đáp ứng yêu cầu tín dụng của ngân hàng. Một số DNNVV yếu về khả năng lập và trình bày các dự án khả thi, lập phương án sản xuất kinh doanh thiếu thuyết phục, ảnh hưởng lớn đến khả năng được xét duyệt cho vay của doanh nghiệp. Nhiều DNNVV chưa nắm bắt được đầy đủ các thông tin về cơ chế, chính sách, các quy định và ưu đãi thuế, mức độ mở cửa của thị trường, thông tin về công nghệ, kỹ thuật hay cá thông tin về các chương trình ưu đãi, chính sách tín dụng của chi nhánh. Đó là một trong số những yếu tố làm giảm sức
cạnh tranh của DNNVV.
Một số DNNVV không có đầy đủ tài liệu báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh hoặc báo cáo tài chính thiếu chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa được kiểm toán, một số DNNVV còn cố tình cung cấp các báo cáo tài chính gian lận sai sót, không minh bạch, ngân hàng thiếu thông tin đáng tin cậy về DNNVV đi vay vốn. Khi khách hàng muốn tìm hiểu thông tin khách hàng thường phải xem xét thông tin ở Trung tâm thông tin ứng dụng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước CIC, tuy nhiên những thông tin tín dụng đó cũng chỉ chú trọng vào những khoản vay lớn. Do đó đã dẫn đến việc kiểm soát, tính toán, kiểm soát vốn vay gặp nhiều trở ngại.
Do hạn chế về tài sản đảm bảo, vì TSĐB của các DNNVV chủ yếu có giá trị thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vay của các DNNVV.
Nhiều DNNVV có nhu cầu vốn, nhưng cũng không thể tiếp cận được vốn vay, do không đáp ứng được điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra. Bởi thị trường khó khăn, trong những năm qua, nhiều DN kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nên bị liệt vào nhóm khách hàng có nợ xấu, buộc ngân hàng phải thận trọng khi trao vốn.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Trong chương 2, khóa luận đã khái quát hóa lịch sử, địa bàn hoạt động, quá trình hình thành, phát triển và các hoạt động kinh doanh của Agribank Hà Tây. Trong tiến trình phát triển của mình, Chi nhánh đã gặt hái được những thành công đáng kể trong hoat động kinh doanh. Dù giai đoạn 2010-2012, ngành Ngân hàng gặp nhiều khó khăn thách thức do những tác động bất lợi của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, Agribank Hà Tây vẫn giữ được quy mô nguồn vốn huy động ổn định, đảm bảo an toàn thanh khoản, hoạt động tín dụng của chi nhánh đang ngày càng được mở rộng, doanh thu dịch vụ toàn chi nhánh tăng trưởng qua các năm với thế mạnh đặc biệt từ hoạt động thanh toán trong nước và dịch vụ thẻ, chất lượng tín dụng của chi nhánh thì luôn được kiểm soát tốt. Từ đó khóa luận đi sâu vào phân tích, đánh giá thực trạng mở rộng tín dụng với các DNNVV tại ngân hàng trong những năm gần đây. Agribank Hà Tây đã chủ trương mở rộng tín dụng cho các DNNVV, có nhiều giải pháp tích cực trong quá trình mở rộng tín dụng và kiểm soát tín dụng với DNNVV, làm số lượng các khách hàng là DNNVV, doanh số và dư nợ cho vay DNNVV đều tăng trưởng đáng kể, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của DNNVV ở mức thấp so với toàn hệ thống . Tuy nhiên, khóa luận cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong việc mở rộng tín dụng DNNVV của ngân hàng. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để đưa ra giải pháp cũng như kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn việc mở rộng tín dụng đối với DNNVV tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Tây trong chương 3.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ MỞ RỘNG TÍN DỤNG VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN CHI NHÁNH HÀ TÂY