Kiến nghị với Tổng Cục Thuế

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM TRA QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CÓ HAI NGUỒN THU NHẬP TRỞ LÊN TẠI CHI CỤC THUẾ QUẬN ĐỐNG ĐA – CỤC THUẾ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 104 - 107)

Thứ nhất, Xây dựng quy trình và sổ tay thanh tra, kiểm tra thuế TNCN.

Hiện tại bộ máy làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã được hình thành theo quy định của Luật Quản lý thuế với sự tăng cường về nhân lực. Do đó quy trình thanh tra, kiểm tra thuế TNCN xây dựng phải phù hợp với Luật Quản lý thuế. Theo đó NNT là trung tâm đồng thời thể hiện sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thuế đối với NNT trong quá trình thực hiện qui trình đó. Mỗi qui trình cần được thiết kế theo nguyên tắc “Luồng công việc” để đảm bảo đầy đủ các bước công việc, bộ phận thực hiện, thời gian thực hiện, kết quả đầu ra cụ thể của từng bước công việc và xử lý kết quả đầu ra đó như thế nào. Ngoài ra, quy trình thanh tra, kiểm tra thuế TNCN cần được thiết kế theo hướng tự động hoá, các bước công việc được theo dõi và xử lý dựa trên ứng dụng phần mềm quản lý thông tin, đồng thời tích hợp với các phần mềm quản lý chức năng nghiệp vụ khác nhằm cung cấp một hệ thống xử lý tập trung cho tất cả các chức năng quản lý thuế, cung cấp thông tin toàn diện về tất cả các loại thuế của từng NNT.

Xây dựng sổ tay thanh tra, kiểm tra thuế TNCN hướng dẫn chi tiết qui trình thực hiện một cuộc thanh tra, kiểm tra, minh hoạ các tình huống cụ thể sát với thực

tế và gắn với những gian lận phổ biến đối với từng loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của NNT… để cán bộ thanh, kiểm tra dễ dàng vận dụng trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra. Nội dung chủ yếu của sổ tay thanh tra thuế gồm:

- Tiêu chí lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra.

- Đề xuất các bước công việc cụ thể khi tiến hành kiểm tra quyết toán thuế TNCN. - Các công việc cần thiết phải chuẩn bị khi tiến hành thanh, kiểm tra.

- Công việc thanh tra, kiểm tra theo đơn tố giác hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, Xây dựng giáo trình đào tạo về thanh tra, kiểm tra thuế.

Để nâng cao trình độ cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cần phải xây dựng giáo trình thanh tra, kiểm tra thuế theo trình độ của cán bộ: cán bộ mới tuyển dụng được đào tạo cơ bản về phương pháp thanh tra, kiểm tra, kỹ năng thanh tra, kiểm tra theo kỹ năng theo kỹ thuật đánh giá rủi ro; cán bộ có kinh nghiệm đào tạo chuyên sâu từng lĩnh vực, theo từng sắc thuế.

Thứ ba, Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thông tin về NNT để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về NNT trên hệ thống mạng nội bộ ngành thuế. Những thông tin cơ bản về NNT cần được thường xuyên cập nhật gồm:

- Thông tin về đặc điểm, quy mô, cơ cấu tổ chức của NNT - Thông tin về tình hình và kết quả sản xuất kinh doanh. - Thông tin về tình kê khai, nộp thuế

- Thông tin về vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật thuế nói riêng. Hệ thống thông tin này được thu thập từ trong và ngoài ngành thuế, xử lý và cập nhật, lưu giữ trên hệ thống máy tính; được phân cấp khai thác, sử dụng một cách hợp lý cho từng cấp quản lý và cho từng bộ phận chức năng.

Thứ tư, Hoàn thiện và nâng cấp phần mềm phân tích thông tin về NNT

Trên cơ sở dữ liệu của NNT, hệ thống phần mềm phân tích thông tin hỗ trợ cho cán bộ kiểm tra tận dụng tối đa thời gian cho các công việc có tính chất quan

trọng trong công tác thanh tra, kiểm tra (như phân tích hành vi tuân thủ của NNT, phát hiện các sai phạm gian lận thuế nghiêm trọng) và giảm thiểu các sai sót trong các công việc được thực hiện thủ công bởi con người (ví dụ: kiểm tra các sai sót trong việc tính toán số liệu …).

Thứ năm, Xây dựng chương trình hỗ trợ và dịch vụ thuế cho chất lượng qua mạng

- Hoàn thiện trang Web về thuế trên mạng Internet cả bằng Tiếng Anh và tiếng Việt, tạo cổng giao tiếp giữa cơ quan thuế với người nộp thuế để NNT có thể tra cứu thông tin về chính sách, chế độ thuế và các thủ tục thu nộp thuế một cách nhanh chóng 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu hướng dẫn, hỏi đáp về các chính sách thuế, các thủ tục kê khai, nộp thuế theo từng chủ đề thuế, theo từng trường hợp (như hỗ trợ trước kê khai, hỗ trợ kê khai và hỗ trợ sau kê khai thuế) và phù hợp với từng loại tổ chức, cá nhân nộp thuế để cung cấp thông tin qua mạng do NNT khai thác, đồng thời, hỗ trợ cán bộ cung cấp dịch vụ tra cứu để giải đáp vướng mắc cho NNT một cách chính xác và thống nhất.

- Xây dựng, quản lý trung tâm hỏi đáp về thuế qua điện thoại tự động

- Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc trao đổi và cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho NNT, cho các đại lý thuế như: đăng ký thuế, kê khai thuế điện tử, gửi hồ sơ thuế qua mạng …

Thứ sáu, Xây dựng chính sách tiền lương phù hợp cho cán bộ thuế

Hiện nay, kinh phí hoạt động của ngành Thuế được xác định 1,8% trên dự toán thu được Quốc hội giao cho ngành thuế tổ chức thực hiện hàng năm, bao gồm: chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng, chi thực hiện các nội dung được ngân sách Nhà nước giao theo quy định hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ, chi từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo qui định của pháp luật.

Căn cứ vào biên chế và nguồn kinh phí hoạt động được giao, các đơn vị thuộc ngành thuế được chi mức tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức bình quân toàn ngành là 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức viên do nhà nước qui định. Việc phân phối tiền lương, tiền công theo kết quả chất lượng hoàn

thành công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức theo nguyên tắc công bằng hợp lý, gắn tiền lương với kết quả công việc.

Cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao hưởng mức tiền lương là 1,6 lần; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao được hưởng mức tiền lương đến 1,8 lần; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao được hưởng mức tiền tối đa là 2,0 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định cho cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, với mức lương như vậy, đặc biệt là các cán bộ thuế có hệ số lương dưới 4.0, họ không đủ chi tiêu cho mức sinh hoạt hàng ngày của chính bản thân, do đó một số cán bộ thuế chuyển nơi làm việc khác, một số cán bộ thuế ngoài làm việc cho cơ quan thuế, có thể nhận thêm việc bên ngoài, thậm chí một số cán bộ thuế lạm dụng cửa quyền, gây khó khăn, phiên hà cho NNT để NNT biếu, tặng quà cho mình.

Xuất phát từ lý do trên, chính sách tiền lương cho cán bộ thuế cần được sửa đổi, cán bộ thuế cần được hưởng mức tiền lương trên 2,5 lần so với chế độ tiền lương do Nhà nước qui định cho cán bộ, công chức. Như vậy, cán bộ thuế mới gắn bó lâu dài với ngành, có tâm huyết và trách nhiệm với ngành; do đó tạo niềm tin và nâng cao tính tự giác tuân thủ của NNT.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: KIỂM TRA QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CÓ HAI NGUỒN THU NHẬP TRỞ LÊN TẠI CHI CỤC THUẾ QUẬN ĐỐNG ĐA – CỤC THUẾ THÀNH PHỐ HÀ NỘI (Trang 104 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(115 trang)
w