I. ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT
1.2. Quan điểm sử dụng đất
Trên cơ sở những nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ cấu hạ tầng và sử dụng đất trong những năm gần đây,... để góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai của Thành phố, phục vụ đắc lực quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các quan điểm về sử dụng đất sau đây cần phải được nhận thức rõ, thực hiện thống nhất và đầy đủ:
1) Khai thác triệt để, sử dụng có hiệu quả toàn bộ quỹ đất đai: Khi quỹ đất đai có hạn, việc khai thác triệt để quỹ đất tự nhiên và sử dụng đất tiết kiệm trên cơ sở đúng mục đích, đủ nhu cầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình sử dụng đất của thành phố, đặc biệt trong tương lai khi quá trình đô thị hoá - công nghiệp hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thành phố sẽ phải dành một quỹ đất tương xứng cho phát triển công nghiệp, đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển hạ tầng xã hội. Sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả ở cả hiện tại cũng như lâu dài là một yêu cầu vừa mang tính bức bách vừa mang tính chiến lược đối với thành phố. Tuỳ theo khả năng áp dụng các biện pháp cải tạo và nguồn vốn, tận dụng đưa phần diện tích đất chưa sử dụng còn lại vào khai thác sử dụng theo các mục đích khác nhau, tránh để tình trạng đất hoang hoá. Trong sử dụng đất sản xuất nông nghiệp phải gắn liền đất đai, cây trồng với các yếu tố khác của môi trường như nước, khí hậu trong một chu trình khép kín để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra. Việc bố trí cây trồng phải bảo đảm “đất nào cây ấy” nhằm đem lại hiệu quả cao. Các biện pháp thâm canh tăng vụ hoặc mở rộng diện tích đất nông nghiệp chỉ thực hiện khi có điều kiện hàng đầu là thuỷ lợi.
2) Duy trì, phát triển, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái: Rừng thành phố Hà Giang có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ cân bằng sinh thái, duy trì bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng có ý nghĩa sống còn trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững nguồn nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai lũ lụt và hoang mạc hoá.Vì vậy ngoài các kế hoạch đồng bộ, chính sách hợp lý của trung ương và địa phương, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành kinh tế nông - lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch trong quá trình khai thác sử dụng đất nhằm bảo vệ khoanh nuôi rừng tự nhiên, mở rộng diện tích rừng trồng, khuyến khích người dân tham gia quản lý và bảo vệ rừng
3) Khai thác sử dụng đất đai phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường đất: Đất là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống. Môi trường đất được cải thiện hay bị phá huỷ một phần do chính tác động của con người. Do đó trong quá trình khai thác đất đai không thể tách rời việc sử dụng đất với bảo vệ môi trường đất để đảm bảo tính bền vững, ổn định lâu dài. Trong sản xuất nông nghiệp, việc bố trí cây trồng phải phù hợp với cơ cấu mùa vụ, điều kiện đất đai, nguồn nước, khí hậu... tránh làm suy thoái đất do bố trí cây trồng không đúng đất hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật không hợp lý. Đồng thời cần phải xem xét đến tính độc hại của các loại chế phẩm hoá học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng hợp lý, tránh gây ô nhiễm môi trường đất. Trong quá trình phát triển công nghiệp cần xác định rõ các loại hình công nghiệp, tính độc hại của các chất thải công nghiệp để bố trí đất đai cho phù hợp với môi trường xung quanh. Có biện pháp xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm đất, phá huỷ cân bằng hệ sinh thái đất.
4) Quy hoạch sử dụng đất phải bám sát định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các ngành phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch phát triển của các ngành.
5) Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh về du lịch, dịch vụ, nghành nghề truyền thống, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao.