* Khái niệm
Xuất phát từ khái niệm của quản lý: “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đã đề ra”. Quản lý bao giờ cũng là một tác động hướng đích, có xác định mục tiêu, thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể quản lý (quản lý, điều khiển) và đối tượng quản lý (chịu sự quản lý); đây là mối quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, không đồng cấp và có tính bắt buộc. Nó diễn ra trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người với nhiều cấp độ, nhiều mối liên hệ với nhau. Đối với hoạt động BHXH thì quản lý được bao gồm cả quản lý các đối tượng tham gia và thụ hưởng, quản lý thu, quản lý chi trả và quản lý nguồn quỹ đầu tư tăng trưởng. Khi nói đến quản lý thu BHXH là nói đến một loạt quan hệ, bao gồm quan hệ giữa Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan BHXH. Trong mối quan hệ trên đây, thì người lao động, người sử dụng lao động là đối tượng quản lý; Nhà nước giao cho cơ quan BHXH đại diện chủ thể quản lý; Nhà nước là chủ thể duy nhất điều tiết và quản lý BHXH, vì các bên tham gia có lợi ích khác nhau thậm chí trái ngược nhau (người lao động muốn đóng ít nhưng lại muốn được hưởng thụ quyền lợi nhiều, người sử dụng lao động muốn
đóng BHXH càng ít càng tốt để giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận). Nhà nước với hai tư cách:
1- Thông qua cơ quan lập pháp (Quốc hội) đề ra luật BHXH, thông qua Chính phủ đề ra các quy định về BHXH;
2- Thông qua các cơ quan Nhà nước để thực hiện nộp BHXH cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thành lập cơ quan chuyên trách (BHXH Việt Nam) thực hiện chính sách BHXH. Để quản lý thu BHXH, mối quan hệ ba bên là người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan BHXH được xác lập quyền và trách nhiệm của mỗi bên do pháp luật về BHXH quy định; các quy định này là những căn cứ pháp lý mà mỗi bên phải tuân thủ, thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, để thu đúng, đủ, kịp thời, không để thất thoát tiền thu, đòi hỏi cơ quan BHXH phải có phương pháp và biện pháp hữu hiệu, kể cả các biện pháp hỗ trợ…
Thu BHXH là một khái niệm phức hợp, bao gồm các định hướng, chủ trương, phương pháp và biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, khuyến khích đẩy mạnh công tác thu bảo hiểm xã hội.
Quản lý thu BHXH là một quá trình chủ thể quản lý tác động đến đối tượng quản lý, trong hoạt động dự báo, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch, tổ chức thực hiện, điều chỉnh và kiểm tra để đạt được mục tiêu quản lý bằng các nguyên tắc và phương pháp nhất định.
* Mục tiêu quản lý thu BHXH bắt buộc
Thứ nhất, đảm bảo cho yếu tố đầu vào (tiền nộp BHXH) đủ khả năng thực hiện quá trình tái sản xuất xã hội, tức là có thu đúng, thu đủ, thu kịp thời mới đảm bảo chi trả chế độ cho người lao động, góp phần ổn định đời sống của người lao động trong quá trình lao động không may bị rủi ro, nghỉ hưu, cũng như khi về già.
Thứ hai, xác lập rõ ràng quyền và trách nhiệm của các bên tham gia BHXH, đó là: người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan BHXH; phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng hoạt động sự nghiệp của BHXH.
Thứ ba, không bỏ sót nguồn thu, quản lý chặt chẽ, đảm bảo nguồn BHXH được sử dụng đúng mục đích; đồng thời làm cho nguồn thu BHXH liên tục tăng trưởng.
Thứ tư, đảm bảo cho các quy định về thu BHXH được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, khắc phục được tính bình quân nhưng vẫn đảm bảo tính xã hội thông qua việc điều tiết, chia sẻ rủi ro. Trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay, quản lý thu BHXH lại càng có ý nghĩa sâu sắc trong việc phòng ngừa, ngăn chặn những lạm dụng của người sử dụng lao động với người lao động, nhất là việc thuê mướn, sử dụng, trả tiền lương, tiền công bất bình đẳng.