BHXH ở bất kỳ ở đâu đều cần những điều kiện và môi trường nhất định để tồn tại và phát triển. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống BHXH, đó là: hệ thống pháp luật BHXH, nhận thức của các nhà lãnh đạo và của nhân dân, khả năng nguồn thu đảm bảo chi phí, nguyên tắc ba bên (Nhà nước, chủ sử dụng lao động, NLĐ) phải được giữ vững và mỗi bên thực hiện đúng vai trò và nghĩa vụ của mình. Người ta cũng đã chỉ ra rất nhiều biện pháp để duy trì và phát triển bền
vững hệ thống BHXH, trong đó mức đóng góp vào quỹ BHXH là quan trọng hàng đầu, mối liên hệ giữa mức đóng và mức hưởng là tiêu chí về trình độ phát triển của hệ thống BHXH.
Một biện pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững hệ thống là tăng cường mở rộng đối tượng, là một biện pháp hữu hiệu đảm bảo được nguồn thu để chi trả cho thế hệ nghỉ hưu hiện tại và cho các đối tượng khác. Công việc này có ý nghĩa quyết định tới chất lượng hoạt động, chất lượng quản lý, đến sự chính xác của thu BHXH. Vấn đề ở đây là mở rộng thế nào, trên cơ sở nào, có tiêu chí gì không, kinh nghiệm thực tế thế nào, hoặc có thể mở rộng đối tượng bằng mọi giá mọi lúc mọi nơi hay không.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH không chỉ là một nguyên tắc cơ bản của BHXH mà còn nhằm đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH, tạo sự ổn định và phát triển xã hội. Mặc dù quan điểm này đã được khẳng định rất rõ trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng trên thực tế, việc thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua vẫn gặp không ít khó khăn.
Mở rộng đối tượng, tức là cho phép những lao động nào được tham gia, các đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH. Hiện nay, Chính phủ quy định đối tượng tham gia BHXH theo hình thức bắt buộc phải có hai điều kiện: thứ nhất, NLĐ phải có quan hệ lao động, quan hệ tiền lương, tiền công và thứ hai, NLĐ đó làm việc trong đơn vị có pháp nhân đầy đủ (trừ hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác). Để đạt mục tiêu mọi NLĐ đều được tham gia BHXH thì vấn đề cần đặt ra là: đối với chính sách vĩ mô cần nghiên cứu mở rộng thêm phạm vi, đối tượng tham gia BHXH loại hình bắt buộc, đó là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, bên cạnh mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH thì vấn đề phát triển nhanh đối tượng BHXH thuộc diện bắt buộc ở quận Hoàng Mai có tầm quan trọng đặc biệt.
Mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong thời gian tới trên địa bàn quận Hoàng Mai vẫn tập trung ở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là chủ yếu, vì vậy phải:
- Tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi, phát triển các loại hình DN: giảm chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng, giảm chi phí không chính thức, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, công khai chính sách khuyến khích, đào tạo nguồn nhân lực, đối thoại để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN.
- Rà soát lại hoạt động SXKD, phân loại kết quả hoạt động của từng DN để có biện pháp xử lý về BHXH. Chấm dứt tình trạng đánh giá chung chung, không tìm hiểu cặn kẽ lý do tại sao DN nhiều năm không đăng ký tham gia BHXH, mặc dù năm nào cơ quan BHXH cũng báo cáo lên cấp có thẩm quyền, nhưng không có giải pháp xử lý, vì trong thực tế có những DN đăng ký kinh doanh, nhưng sau thời gian ngắn ngừng hoạt động do làm ăn kém hiệu quả; cũng có DN tư nhân thành lập để vay vốn sử dụng vào mục đích khác, không tuyển lao động, còn tồn tại rất nhiều loại "DN ma"...
- Đối với những DN còn hoạt động, có thuê mướn, HĐLĐ, yêu cầu phải đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ. Nếu từ chối tham gia BHXH, cơ quan BHXH lập hồ sơ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý về hành chính, ngoài số tiền phạt do không đăng ký đóng BHXH tính trên đầu người, có thể thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc lập hồ sơ khởi kiện ra Toà án.
- Phối hợp với Thanh tra lao động, Liên đoàn lao động, Phòng lao động, Công an, Cơ quan Thuế… để kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản pháp luật tại các đơn vị sử dụng lao động. Thực hiện xử phạt nghiêm minh đối với các chủ sử dụng lao động cố tình gian lận trong việc khai báo lao động và quỹ tiền lương trích nộp.
- Có các chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHXH với các ban ngành liên quan trên địa bàn quận để nắm bắt các thông tin về tăng giảm các đầu mối phải tham gia, tình hình lao động, quỹ lương…như Thanh tra quận, Phòng lao động Thương binh và Xã hội, Chi cục Thuế, UBND các phường.
- Những DN không hoạt động, đề xuất thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ quan BHXH xóa tên trong danh sách đơn vị phải thu BHXH theo luật
định để tránh tình trạng nợ ảo.
- Đối với Hộ kinh doanh cá thể, Tổ hợp tác: tuy thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng có đặc thù là NLĐ có thể vừa là NSDLĐ, có đăng ký kinh doanh, song pháp nhân không đầy đủ, thu nhập của họ do chính họ quyết định và quản lý. Vì vậy, cơ quan BHXH xây dựng Phương án phát triển đối tượng khu vực này, phối hợp với các cấp chính quyền từ xã, phường vận động tham gia BHXH, coi đây là một trong tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của cơ sở trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.