Các hoạt động kiểm dịch y tế (KDYT) biên giới tại Việt Nam đã được triển khai từ năm 1958 và được Chính phủ quy định trong Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới ban hành ngày 19/5/1958. Ngày 11/6/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/1998/NĐ-CP về Kiểm dịch y tế biên giới thay thế cho Điều lệ Kiểm dịch y tế biên giới. Năm 2007, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua đã quy định các bệnh truyền nhiễm thuộc Nhóm A cần phải kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, bao gồm các bệnh: bại liệt, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do vi rút Ebola/Lassa hoặc Marburg, sốt Tây sông Nile, sốt vàng, bệnh tả, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ nguyên nhân [23]. Nghị định số 103/2010/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới đã quy định cụ thể 05 đối tượng cần phải kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu bao gồm: người; phương tiện vận tải xuất/nhập/quá cảnh qua biên giới; hàng hóa nhập khẩu/xuất khẩu/quá cảnh; các mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người; thi thể, hài cốt, tro cốt [23].
Để hướng dẫn chi tiết công tác kiểm dịch y tế biên giới tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các Thông tư làm cơ sở triển khai thực hiện như Quyết định số 14/2007/QĐ-BYT ngày
30/01/2007 của Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế [8]; Thông tư số 46/2014/TT- BYT ngày 05/12/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn về quy trình kiểm dịch y tế [18];Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước [5]. Đây là các căn cứ pháp lý cơ bản để hướng dẫn tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật về kiểm dịch y tế trên địa bàn tỉnh cho Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.