BIỆN PHÁP CAN THIỆP NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG CHỐNG

Một phần của tài liệu LUẬN_ÁN_Đặng_Quang_Tấn (Trang 41 - 44)

CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Theo Tổ chức Y tế thế giới, phát triển và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế nói chung cũng như cho cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế nói riêng là một trong những yêu cầu của hệ thống y tế và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ của

hệ thống y tế quốc gia [114], trong đó đầu tư và phát triển nguồn nhân lực y tế là yếu tố cơ bản để nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện hiệu quả các hoạt động và dịch vụ y tế công cộng [110]. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 13 năng lực cơ bản của Điều lệ Y tế quốc tế yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ thực hiện để đảm bảo an ninh y tế quốc gia, chống lại sự lây lan của dịch bệnh truyền nhiễm và đáp ứng kịp thời các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu [55].

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra một số phương pháp cơ bản đã được sử dụng để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế, gồm 6 nhóm can thiệp chính: hướng dẫn, đào tạo qua internet; tập huấn, hội thảo; hỗ trợ kỹ thuật; đào tạo thông qua hướng dẫn tự nghiên cứu; thực hành tại cộng đồng; và can thiệp kết hợp nhiều phương pháp [74]. Trong số các biện pháp đó, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế thông qua đào tạo, tập huấn là một trong những biện pháp được thực hiện thường xuyên, ở nhiều nơi nhằm cung cấp các kiến thức cập nhật, làm thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ y tế trong triển khai thực thi các nhiệm vụ về chuyên môn.

Tại Việt Nam, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm để phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó khẳng định bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là hoạt động nhân đạo, trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước [1]. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển ngành y tế, trong đó chú trọng xây dựng nguồn nhân lực trong đó có Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia y tế dự phòng Việt

Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 [53], Quyết định này đã chỉ rõ công tác xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có y tế dự phòng là một trong những nhiệm vụ then chốt để phát triển ngành y tế.

Bộ Y tế đã có những quy định bắt buộc nhằm nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế. Thông tư số 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết việc đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế bao gồm: đào tạo bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, kỹ năng, thái độ thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhận; đào tạo lại, đào tạo theo nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ khác của ngành y tế mà không thuộc hệ thống văn bằng giáo dục quốc dân [16].

Một số nghiên cứu trong nước đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố cho thấy việc đào tạo, tập huấn thường xuyên cho cán bộ là giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực cán bộ y tế tại Việt Nam [48, 54]. Nghiên cứu về thực trạng giám sát viêm gan vi rút B, C tại tỉnh Thái Bình và triển khai một số biện pháp can thiệp thông quau đào tạo, tập huấn về báo cáo số liệu viêm gan

vi rút cho thấy chỉ số hiệu quả can thiệp cao hơn hẳn so với huyện không can thiệp (CSHQ=51,3%) [90]. Như vậy, có thể thấy việc áp dụng biện pháp can thiệp thông qua đào tạo, tập huấn là một trong những biện pháp được triển khai phổ biến và có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Luận án được thực hiện với hai phương pháp nghiên cứu tương ứng với hai mục tiêu của đề tài.

Một phần của tài liệu LUẬN_ÁN_Đặng_Quang_Tấn (Trang 41 - 44)