Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện tại tất cả các Trung tâm KDYT quốc tế trên phạm vi cả nước để có bức tranh chung thực trạng về nhân lực, cơ sở vật chất và các trang thiết bị thiết yếu và năng lực ứng phó dịch bệnh, các sự kiện y tế công cộng lan truyền qua cửa khẩu biên giới.
Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đáp ứng yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá. Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới là một văn bản mang tính pháp lý quốc tế đối với các quốc gia quy định các năng lực cơ bản của cửa khẩu trong ứng phó và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện YTCC.
Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp nâng cao năng lực giám sát và phòng chống dịch bệnh do vi rút Ebola. Đây là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao thuộc Nhóm A của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam, hiện vẫn đang ghi nhận các đợt bùng phát dịch tại một số quốc gia châu Phi và có nguy cơ cao lây lan quốc tế. Nghiên cứu khẳng định các biện pháp can thiệp thông qua tập huấn cho cán bộ kiểm dịch y tế và giám sát hỗ trợ từ tuyến trên đối với các Trung tâm KDYT quốc tế là có hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu đánh giá của luận án chỉ ra được các nội dung còn bất cập, hạn chế của hệ thống KDYT biên giới của Việt Nam so với các quy định chung, qua đó đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện, thống nhất và nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống kiểm dịch y tế trong vai trò vị trí tiền tiêu phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới. Ngoài ra, tác giả hiện đang công tác trực tiếp tại cơ quan quản lý của Bộ Y tế về lĩnh
vực kiểm dịch y tế, vì vậy các phát hiện, khuyến nghị đề xuất của nghiên cứu này hoàn toàn có tính khả thi.