KẾT QUẢ GIẢM PHÁT THẢI RỪNG

Một phần của tài liệu So 12 2019 (Trang 33 - 34)

Theo báo cáo của Văn phòng REDD+ Việt Nam, sau 10 năm thực hiện REDD+, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc tăng cường năng lực cho các bên tham gia thực hiện những sáng kiến sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Đặc biệt, cuối năm 2018, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho các nỗ lực giảm phát thải dựa trên kết quả trong Chương trình REDD+.

Đến nay, Việt Nam tham gia vào sáng kiến REDD+ với 44 dự án lớn nhỏ, tổng giá trị tài trợ khoảng 84 triệu USD hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực, thí điểm một số mô hình thực hiện REDD+; Có 19 tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) đến năm 2020; 12 tỉnh đã có ban chỉ đạo REDD+ cấp tỉnh. Nhiều địa phương triển khai Chương trình và đạt được kết quả trong quản lý rừng bền vững, bảo vệ diện tích rừng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ và giá trị của rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Với những thay đổi trong cách tiếp cận, xây dựng các giải pháp, mô hình sinh kế bền vững, nhiều địa phương đã giải quyết vấn đề phá rừng và tình trạng nghèo đói của người dân ở vùng có rừng.

Theo đó, Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam - Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (FCPF) đã được triển khai từ năm 2018 - 2025 ở 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), với tổng diện tích đất là 5,15 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai

của Việt Nam), trong đó 80% là đồi núi, còn lại là đồng bằng ven biển với đất nông nghiệp chiếm 14%. Vùng Bắc Trung bộ gồm phần lớn diện tích lá rộng thường xanh hiện có của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu. Theo tính toán, Chương trình giảm phát thải sẽ giảm được 32,09 triệu tấn CO2 (bao gồm cả giảm phát thải và tăng hấp thụ các bon rừng), trong đó, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu USD. Ngoài lợi ích về giảm phát thải, Chương trình còn mang lại các lợi ích phi các bon trên khía cạnh kinh tế - xã hội, môi trường và quản trị tại các tỉnh thực hiện, như: Duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng; bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường quản

trị xã hội cấp thôn bản; quản lý và quản trị rừng bền vững; cải thiện quản lý đất, rừng và quy hoạch sử dụng đất…

Quảng Bình là một trong 6 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình FCPF có mức giảm mức phát thải cao, hiện Quảng Bình có 615 nghìn ha đất lâm nghiệp, bao gồm các loại rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất, trong đó có 104 nghìn ha rừng trồng; tuy nhiên, chỉ có 58 nghìn ha đã thành rừng, diện tích còn lại chưa thành rừng. Các loài cây trồng chủ yếu là keo lai gỗ nhỏ, chiếm gần 90% diện tích rừng trồng, còn lại là thông, phi lao và các loài cây khác. Với mục tiêu bảo đảm 15% diện tích rừng bị suy thoái được phục hồi, bảo tồn đến năm 2020. Những năm gần đây, tỉnh cũng đã hỗ trợ trên 470 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và giống cây bản địa tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bảo

VThực hiện Chương trình REDD+ sẽ duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng

vệ rừng tự nhiên tốt và tăng cường trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tái sinh rừng tự nhiên có hiệu quả, trong giai đoạn 2018 - 2024, Quảng Bình sẽ giảm phát thải ròng 2.063.288 tấn CO2, đóng góp 10,5% giảm phát thải; đặc biệt sẽ hưởng lợi ròng 7.334.233 USD.

Qua việc thực hiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ cho thấy, “cánh cửa” kinh doanh tín chỉ các bon trong lâm nghiệp mở ra, đồng nghĩa với việc những nỗ lực kiểm soát mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng các bon rừng sẽ ngày càng được chú trọng. Như vậy, sau 10 năm, tầm nhìn về rừng đã có những thay đổi căn bản về cách tiếp cận, chuyển dần trọng tâm từ “nhiều rừng hơn” sang “rừng tốt hơn”; giá trị của rừng được quản lý một cách toàn diện. Rừng không chỉ có gỗ mà còn nhiều giá trị trực tiếp, gián tiếp khác cần được quản lý và sử dụng hợp lý; đồng thời tăng cường sự tham gia của mọi đối tượng, thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, REDD+ Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, tồn tại như việc lồng ghép nội dung REDD+ và kết nối các hợp phần của hệ thống chính sách ngành lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa mục tiêu REDD+ với mục tiêu kinh tế - xã hội khác, hay sự phối kết hợp giữa các bên liên quan để đạt được mục tiêu chung còn nhiều khó khăn; Cơ chế điều phối, quản lý của hệ thống tổ chức thực hiện REDD+ ở nước ta hiện nay còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa thực sự làm chủ, tham gia trong thực hiện cơ chế giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng…

Một phần của tài liệu So 12 2019 (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(65 trang)