Quy hoạch một bài trắc nghiệm.

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG BỘ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC MÔN TỰ CHỌN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 49 - 51)

3. Đỡ và chuyền cầu.( có người phục vụ)

3.1.5.Quy hoạch một bài trắc nghiệm.

Quy hoạch một bài trắc nghiệm là dự kiến phân bố các phần của bài trắc nghiệm theo mục tiêu và nội dung môn học sao cho có thể đo lường chính xác khả năng học tập của học sinh. Để làm được việc này đòi hỏi người soạn thảo trắc nghiệm cần phải biết quan sát những gì? Đặt tầm quan trọng vào phần nào của môn học? Phải trình bày câu hỏi dưới hình thức nào cho hiệu quả nhất?Mức độ khó của câu hỏi đến đâu?

Mục đích của bài trắc nghiệm.

Xác định mục đích muốn kiểm tra đánh giá cho rõ ràng. Cần phân chia nội dung chương trình thành các nội dung cụ thể và xác định tầm quan trọng của từng nội dung đó để phân bố trọng số. Các mục đích phải được phát biểu dưới dạng những điều có thể quan sát được, đo được để đặt ra các yêu cầu về mức độ đạt được của kiến thức, kỹ năng…

Mục đích của bài trắc nghiệm chi phối nội dung, hình thức bài trắc nghiệm dự định soạn thảo.

Phân tích nội dung môn học.

- Những thông tin mang tính chất sự kiện mà học sinh phải nhớ hay nhận ra.

- Những khái niệm và ý tưởng mà học sinh phải giải thích. - Những ý tưởng phức tạp cần giải nghĩa.

- Những thông tin, kỹ năng cần ứng dụng hoặc là được chuyển sang tình huống khác.

Các bước phân tích nội dung học: - Tìm ra ý tưởng chính của môn học.

- Lựa chọn các khái niệm, các ký hiệu mà học sinh phải giải nghĩa được, đòi hỏi người soạn phải nêu ra các khái niệm trọng tâm của nội dung môn học.

- Phân loại thông tin được trình bày trong các môn học.

- Lựa chọn một số thông tin và ý tưởng đòi hỏi học sinh phải vận dụng những điều đã học để xử lý các tình huống mới.

Thiết lập dàn bài trắc nghiệm:

- Sau khi nắm vững mục đích của bài trắc nghiệm và phân tích nội dung môn học người soạn thảo thiết lập một dàn bài cho bài trắc nghiệm.

- Một trong những cách thông dụng là lập ma trận hai chiều, một là biểu thị nội dung hay mạch kiến thức cần đánh giá và chiều kia biểu thị cho các mức độ nhận thức của học sinh mà bài trắc nghiệm muốn khảo sát.

Số câu trong câu hỏi trắc nghiệm khách quan:

Tùy thuộc vào thời gian mà số câu hỏi được đưa ra trong một bài trắc nghiệm là bao nhiêu.Thông thường mỗi câu hỏi được giới hạn trả lời từ 1 đến 1,5 phút, những câu hỏi khó hơn có thể từ 2 đến 5 phút. Đa số một bài trắc nghiệm thường làm trong 15 – 45 phút đối với kiểm tra lên lớp, còn trong các kì thi có thể lên tới 120 phút hoặc nhiều hơn. Nói chung thời gian càng dài, bài càng có nhiều câu hỏi thì điểm số có được từ bài trắc nghiệm đó càng đáng tin cậy.

Mức độ khó của các câu trắc nghiệm:

- Một bài trắc nghiệm thành quả học tập gồm những câu quá dễ thường không có hiệu quả đo lường khả năng của học sinh. Để đạt được hiệu quả đo lường nên lựa chọn các câu trắc nghiệm sao cho điểm trung bình trên bài trắc nghiệm xấp xỉ bằng 50% số câu hỏi. Tuy nhiên, khi ấn định mức độ khó trung bình là 50%, độ khó của từng câu trắc nghiệm có thể khác nhau, biến thiên từ 15 đến 85%. Loại câu trắc nghiệm có thể cung cấp thông tin tốt nhất về sự khác biệt giữa các cá nhân là những câu mà 50% làm đúng và 50% làm sai.

Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể soạn một bài trắc nghiệm khó hay rất khó.Điều này chỉ cần thiết khi muốn lựa chọn một số rất ít ứng viên, chẳng hạn như tuyển sinh vào đại học hay để cấp học bổng. Cũng như vậy, có khi cần phải ra những bài trắc nghiệm rất dễ, chẳng hạn như lựa chọn một số học sinh học kém để cho theo học lớp phụ đạo.

Một phần của tài liệu XÂY DỰNG BỘ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC MÔN TỰ CHỌN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC (Trang 49 - 51)