2.1.5.1 Các yếu tố thuộc về bản thân doanh nghiệp a) Yếu tố sản phẩm
Chất lượng sản phẩm may mặc là tập hợp những đặc tính không thể thiếu được của các sản phẩm may mặc. Nó được xác định bằng các thông số kỹ thuật có thể so sánh, đo lường được. Càng hoạt động trong môi trường cạnh tranh mạnh, chất lượng càng cần thiết vì nó là một trong các nhân tố chủ yếu để quyết định sức cạnh tranh cuả công ty. Nó tác động tới lợi nhuận và uy tín của công ty trên thị trường. Công ty không thể bán được nhiều, không thể giữ uy tín với khách hàng nếu sản phẩm của công ty chất lượng tồi. Chất lượng sản phẩm tốt có thể làm cho tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn và ấn tượng tốt hơn đối với khách hàng. Chính vì thế công ty phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chủng loại sản phẩm may mặc có nhiều và tương đối đa dạng. Ngoài sản phẩm chính như áo jăcket, áo sơ mi, áo khoác, quần các loại, sản phẩm dệt kim…thì còn có nhiều loại quần áo cao cấp như các loại quần áo thời trang và các bộ đồ thể thao với sự đa dạng về màu sắc, phong cách thời trang và gọn nhẹ. Mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cũng ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm may mặc. Sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đẹp phù hợp với văn hoá và lối sống của người dân sẽ được lựa chọn. Vì vậy công ty nên tuyển chọn một đội ngũ thợ may lành nghề, có thẩm mỹ, có khả năng thiết kế các sản phẩm có kiểu dáng mẫu mã phù hợp và tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Việc nâng cao chất lượng, chủng loại, mẫu mã sản phẩm là công việc rất quan trọng của các nhà kinh doanh và ảnh hưởng to lớn đến khối lượng tiêu thụ. Khi mà sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng thì sản phẩm sẽ có uy tín trên thị trường.
b) Yếu tố máy móc và trang thiết bị
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, khoa học giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và sức lao động nhằm sản xuất được sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng cao
Ngành may là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời nhất nước ta. Trong quá trình phát triển việc đầu tư nhiều giai đoạn làm cho thiết bị công nghệ ngành may mặc rất đa dạng. Những năm đầu tiên phát triển, ngành công nghiệp may tổ chức may dây chuyền bằng các máy đạp chân , dần dần được trang bị bằng máy may công nghiệp của Trung Quốc, Liên Xô, Đức, Hunggary. Ngành may liên tục đầu tư sản xuất và đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng thị trường thế giới ngày càng nâng cao. Đặc biệt trong vòng 5 năm trở lại đây cùng với việc mở rộng thị trường Hoa Kỳ ngành may đã phát triển khá nhanh và đầu tư khá lớn thiết bị máy móc, đổi mới 90% thiết bị và công nghệ. Phần lớn thiết bị các công đoạn cắt, may, hoàn tất sản phẩm và sản xuất phụ kiện may…được nâng cấp, đổi mới, một số công ty đã áp dụng công nghệ tin học vào một số khâu trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tóm lại trang thiết bị máy móc và công nghệ là yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp may nó quyết định chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
c) Yếu tố con người
Tiềm lực con người là một trong những yếu tố đảm bảo sự thành công trong kinh doanh. Tiềm lực con người của doanh nghiệp thể hiện khả năng ở tất cả cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp tạo thành sức mạnh tinh thần của doanh nghiệp.
Để sản xuất một sản phẩm may mặc cần phải qua rất nhiều công đoạn, từ thiết kế, cắt, may, thêu thùa, là, gấp, đóng gói…nên cần sử dụng rất nhiều lao động và đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo cao trong sản xuất. Các doanh nghiệp may
phải có chế độ đãi ngộ tốt để giữ chân những công nhân bậc thợ cao. Ngoài ra doanh nghiệp phải bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao tay nghề của công nhân nhằm tăng năng suất lao động.
Mặt khác, nhân viên bán hàng là lực lượng quan trọng để thực hiện mục tiêu phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Nhân viên bán sản phẩm may mặc phải có một số yêu cầu chung như sau:
-Phải tinh thông kỹ thuật, nắm rõ chủng loại, mẫu mã sản phẩm may mặc, nghiệp vụ bán hàng.
-Phải có thái độ lịch sự, vui vẻ, biết chủ động mời chào khách hàng đúng lúc, gây được thiện cảm với khách hàng.
-Phải có tính nhẫn nại, biết kiềm chế trong giao tiếp, tính trung thực trong hành vi ứng xử.
Để có đội ngũ nhân viên bán hàng tốt, doanh nghiệp phải có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, chính sách sử dụng hợp lý.
Ngoài ra, tài năng của Ban lãnh đạo, sự nhạy bén linh hoạt của đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác tiêu thụ sẽ tạo ra những môi trường lớn, khả năng tiêu thụ nhiều sản phẩm hơn. Đặc biệt là kiến thức về thị trường, về sản phẩm và khả năng nhận biết sự biến động nhu cầu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng… của ban lãnh đạo cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác tiêu thụ sản phẩm.
d) Yếu tố tài chính
Là yếu tố tổng hợp phản ánh sức mạnh của doanh nghiệp thông qua khối lượng nguồn vốn mà doanh nghiệp có thể huy động vào kinh doanh, khả năng phân phối và quản lý nguồn vốn có hiệu quả.
Nguồn vốn trong các doanh nghiệp may đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất tiên tiến hiện đại cũng như đào tạo bồi dưỡng nhân lực, thực hiện công tác tiêu thụ, phát triển thương hiệu…
2.1.5.2 Các yếu tố thuộc ngoài doanh nghiệp a) Đặc điểm khách hàng
Nhu cầu ( tự nhiên hay mong muốn), mức tiêu thụ, thói quen, tập tính sinh hoạt, phong tục…của người tiêu dùng là những nhân tố tác động trực tiếp đến chất lượng hàng tiêu thụ. Trong môi trường cạnh tranh và hội nhập, khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn người cung cấp sản phẩm, khách hàng có thể chuyển từ nhãn hiệu này sang nhãn hiệu khác.
1) Khách hàng trong nước
Với dân số gần 90 triệu người, nhu cầu về hàng may mặc trong nước cũng đòi với số lượng khá lớn. Kinh tế xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện hơn nên nhu cầu sắm sửa hàng may mặc của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Không những chỉ có người dân ở các đô thị lớn mới có nhu cầu cao về ăn mặc, mà hiện nay nhu cầu mua sắm hàng may mặc sẵn đã lan rộng ra các vùng ven đô đến từng thôn xóm trong toàn quốc. Hơn nữa, trình độ của người tiêu dùng cũng ngày một nâng cao làm cho khách hàng có sự so sánh lựa chọn đòi hỏi công bằng về giá cả, chất lượng và phong cách phục vụ. Do vậy các sản phẩm may mặc phải đa dạng, phong phú để phù hợp với nhiều tầng lớp cả về màu sắc, chất lượng, kích cỡ, giá cả,…nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước.
2) Khách hàng nước ngoài
EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ… là những thị trường mục tiêu để xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam. Thị trường EU với dân số trên 500 triệu là nơi tiêu thụ lớn và đa dạng các loại quần áo. Nhật Bản cũng là một thị trường nhập khẩu may mặc lớn thứ ba thế giới và đây là thị trường phi hạn ngạch. Tuy nhiên khách hàng Nhật Bản khá khó tính với những đòi hỏi khắt khe cả về chất lượng và giá cả, họ thường yêu cầu kiểm tra chất lượng chi tiết và quan tâm nhiều tới mẫu mốt. Mỹ cũng là thị trường khá hấp dẫn, lý tưởng của ngành dệt- may vì dân số Mỹ khá đông, hiện có 308 triệu người, đa số sống ở thành thị có
mức thu nhập quốc dân cao. Do đó người Mỹ có sức mua lớn và nhu cầu đa dạng và nguồn nhập chủ yếu là từ các nước Châu Á. Có thể nói EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… là những thị trường tiềm năng và triển vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tóm lại, quan hệ tốt với khách hàng để giữ khách hàng trung thành với mình là một yếu tố mà doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm may mặc phải quan tâm. Cùng với mức sống và thu nhập tăng lên làm cho khách hàng ngày càng có yêu cầu cao về ăn mặc và chưng diện.
b) Đối thủ cạnh tranh
Cạnh tranh được xác định là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường với nguyên tắc ai hoàn thiện hơn, thoả mãn nhu cầu tốt hơn người đó sẽ thắng, sẽ tồn tại và phát triển. Những lợi thế cạnh tranh sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp may cần xác định cho mình một chiến lược cạnh tranh hoàn hảo. Chiến lược cạnh tranh cần phản ánh được các yếu tố ảnh hưởng của môi trường cạnh tranh bao quanh doanh nghiệp. Số lượng đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ cạnh tranh trên từng khu vực, theo từng nhóm khách hàng, khúc thị trường theo từng mặt hàng, từng thời kỳ đều ảnh hưởng đến kết quả tiêu thụ của doanh nghiệp.
c) Những yếu tố thuộc về nhà nước
Thuế khoá, chính sách tiêu thụ, chính sách bảo trợ, pháp luật. ..của nhà nước đối với sản xuất kinh doanh và tiêu dùng là một trong những nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến sản xuất, mức tiêu thụ. Nhà nước sử dụng các chính sách tài chính (thuế khoá, lãi suất,..) để khuyến khích hay hạn chế việc sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm, hàng hoá.