Khoản 1 và khoản 2, Điều 2 Luật tài nguyên nước Việt Nam (năm 2012) quy định “Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông, suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất, mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác”. Rõ ràng tài nguyên nước của một lãnh thổ là toàn bộ nước có trong đó mà con người có thể khai thác sử dụng được, xét cả về mặt lượng và chất, cho sinh hoạt, sản xuất, trong hiện tại và tương lai. Nước là dạng tài nguyên đặc biệt, có khả năng tự tái tạo về lượng, về chất, và về năng lượng. Nó vừa là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định đến sự tồn tại, phát triển của xã hội, vừa có thể mang tai họa đến cho con người.
Nước là một yếu tố không thể thay thế trong ăn, uống, sinh hoạt của con người. Mặc dù mỗi người chỉ cần vài lít nước mỗi ngày để duy trì sự sống, để có thể tránh khỏi các bệnh có liên quan đến nước, nhưng lượng nước cần thiết để bảo đảm vệ sinh cá nhân, nâng cao mức sống con người thì ngày càng tăng lên và là một chỉ tiêu của mức sống, biểu hiện mức độ văn minh của cuộc sống. Hàng ngày chúng ta uống nước để bù lại lượng nước trong người thải ra. Khi nước uống kém chất lượng, con người sinh bệnh, làm giảm ngày công và năng suất lao động. Nếu con người không biết sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn tài nguyên đó thì nó sẽ nhanh chóng bị suy thoái về trữ lượng và chất lượng, không có đủ và không thể sử dụng được nữa. Nước còn có vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp, ông cha ta đã đúc kết thành kinh nghiệm là nhất nước nhì phân tam cần tứ
giống để nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nuớc đối với sản xuất nông nghiệp; nước phục vụ sản xuất công nghiệp, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, phục vụ các nhu cầu về nghỉ ngơi, chữa bệnh, du lịch… nhằm nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Mặt trái của nước chính là những tác hại do nước có thể gây ra. Nước không được bảo vệ, xử lý hợp vệ sinh sẽ trở thành nguồn truyền dẫn lây lan của bệnh dịch đối với con người, truyền dẫn nước thải công nghiệp gây thiệt hại to lớn đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Nhiều nước sinh ra lũ lụt, ít nước quá gây ra khô hạn, nhiễm mặn, sa mạc hóa. Thừa nước và thiếu nước đều dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, phá vỡ hệ sinh thái. Hậu quả lũ lụt để lại làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm nhiễm bẩn các nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu uống, sinh hoạt cho người, gia súc, có nơi bị thiếu nước sạch trầm trọng kéo dài trong nhiều tháng. Chính vì vậy trong công tác khai thác, sử dụng những mặt lợi của nước đồng thời phải phòng chống những tác hại do nước gây ra. Điều quan trọng là quản lý và điều hòa nguồn nước; sử dụng nguồn nước sạch một cách hợp lý, như sử dụng nguồn nước ngầm, hoặc có thể kết hợp nguồn nước mặt.