Trình độ phát triển kinh tế của quốc gia

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở cộng hoà dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 64 - 67)

Theo quan niệm của tác giả, du lịch là những hoạt động của cá nhân liên quan đến sự di chuyển ngoài nơi cư trú của con người nhằm đáp ứng nhu

2.3.1. Trình độ phát triển kinh tế của quốc gia

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế du lịch của nước CHDCND Lào hiện nay, trình độ phát triển kinh tế của quốc gia được xem là một trong những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến việc phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch. Điều này chúng ta có thể thấy qua những nội dung sau đây:

Thứ nhất, trình độ phát triển kinh tế của quốc gia ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế du lịch

Từ khi hội nhập trở lại với khu vực ASEAN và với thế giới từ năm 1996, nhất là trong giai đoạn 2011 đến nay, kinh tế CHDCND Lào đã có tốc độ phát triển nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng trung bình các giai đoạn luôn từ 6.2% đến 7.8% [130, tr.284,285], đặc biệt sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến năm 2019, kinh tế Lào vẫn tăng trưởng khá ổn định, giúp nước CHDCND Lào là một trong những quốc gia trong khu vực vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (biểu đồ 2.1).

Tốc độ tăng trưởng đó đã giúp nền kinh tế của đất nước phát triển trên nhiều mặt, giúp “Chính phủ và người dân Lào đạt được những tiến bộ lớn trong những thập kỷ gần đây về giảm nghèo, an ninh lương thực và tạo việc làm cho những người trẻ tuổi” [93, tr.3], qua đó từng bước giúp thu nhập của người dân vượt qua mức thu nhập thấp, đặt nền móng cho đất nước thoát khỏi tình trạng Quốc gia kém phát triển (LDC) vào năm 2024 và đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2030. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó “sự phụ thuộc quá mức vào lĩnh vực tài nguyên giúp tăng trưởng trong nền kinh tế có rủi ro nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững lâu dài ở Lào” [111, tr.9]. Xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế, cũng như từ bối cảnh kinh tế thế giới vận động không

ngừng, do vậy, những năm gần đây nước CHDCND Lào đang “chú trọng hợp tác chặt chẽ và chủ động với các tổ chức quốc tế để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững cũng như hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên” [109, tr.12]. Trong đó, hướng đi quan trọng có tính khả thi đối với nước CHDCND Lào là xây dựng và phát triển nền kinh tế du lịch bền vững dựa trên điều kiện mà đất nước đang có, nhất là du lịch xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên và nâng cao đời sống cho nhân dân. Thực tiễn này đã đòi hỏi, ảnh hưởng, tác động đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cũng như phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch trong công cuộc đổi mới của nước CHDCND Lào.

Cùng với đó, trong thời gian tới theo dự báo, từ năm 2026 trở đi sau giai đoạn thử nghiệm và xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong toàn quốc nhất là hệ thống trung chuyển đường sắt, nước CHDCND Lào sẽ bắt đầu bắt đầu giai đoạn kinh tế tăng trưởng mạnh. Điều này sẽ “dẫn đến sự phát triển của các khu kinh tế, thành phố và chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển giao thông, nhất là du lịch trong các tỉnh, đặc biệt là những địa điểm du lịch tại các huyện khó tiếp cận hiện nay bởi những hạn chế giao thông sẽ được gỡ bỏ” [77, tr.12]. Từ đó, việc đón đầu cũng như chuẩn bị một cách kỹ lưỡng để có được đội ngũ cán bộ, nhân viên và các lực lượng tham gia vào kinh tế du lịch trong thời gian tới là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, sự phát triển bền vững của ngành du lịch nói chung, cũng như kinh tế

du lịch nói riêng. Điều này chắc chắn sẽ tác động không chỉ đến các chính sách nội tại của nước CHDCND Lào mà còn tác động đến quan hệ bang giao của nước CHDCND Lào để mở rộng, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế du lịch trên cả nước.

Thứ hai, trong điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước CHDCND Lào hiện nay, sự phát triển kinh tế du lịch chịu ảnh hưởng rất lớn từ lợi thế so sánh về tài nguyên độc đáo, bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế du lịch của các nước đang thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Phát triển kinh tế du lịch ở nước CHDCND Lào cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ những định hướng phát triển của đất nước để đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên. Ngoài ra, hiện Chính phủ Lào đang tập trung những nỗ lực dài hạn để đầu tư vào nguồn nhân lực của đất nước khi sự phát triển của người dân ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển nói chung cũng như phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Nhất là quá trình chuyển đổi nhân khẩu học của nước CHDCND Lào có khả năng mang lại lợi thế dân số, dựa trên dự báo phần lớn lực lượng lao động Lào sẽ trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) và ít người phụ thuộc hơn (dưới 15 và trên 65). Dân số trong độ tuổi lao động lớn hơn và ít người phụ thuộc hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước nếu người trong độ tuổi lao động được giáo dục tốt, được đảm bảo các điều kiện và cơ hội làm việc mà trong đó có lĩnh vực du lịch.

Thứ ba, trong những năm qua với quá trình hội nhập kinh tế, nền giáo dục của nước CHDCND Lào cũng có được tiến bộ đáng kể. Trong đó “tỷ lệ biết chữ của những người từ 15 tuổi trở lên vào năm 1995 là 48% nữ và 73% nam, cho đến ngày nay tỷ lệ này là 79% nữ và 85% nam” [116, tr.19]. Tuy nhiên sự phát triển của kinh tế trong nước hiện nay đòi hỏi việc đào tạo kỹ thuật, dạy nghề cần phải được tăng cường để có một lực lượng lao động lành nghề trong mọi lĩnh vực, mà trong đó kinh tế du lịch cũng không ngoại lệ. Việc tăng trưởng du lịch hàng năm ngày càng đa dạng về số lượng, cũng như các loại hình du lịch trong những năm gần đây cùng với quá trình hội nhập quốc tế của nước CHDCND Lào đã có tác động rất lớn đến việc phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch. Điều này chúng ta có thể thấy qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, cũng như việc tạo điều kiện cho các

thế hệ trẻ được tiếp cận với các kiến thức về du lịch và được nghiên cứu chuyên sâu vào trong chuyên ngành kinh tế du lịch là điều vô cùng quan trọng có tác động trực tiếp và trước hết đến tương lai của việc phát triển du lịch.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế du lịch ở cộng hoà dân chủ nhân dân lào hiện nay (Trang 64 - 67)