Khái niệm về văn hóa

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ ở việt nam hiện nay (Trang 51 - 53)

Văn hóa là khái niệm có nội hàm rất rộng, là đối tượng nghiên cứu chính của một ngành khoa học độc lập - ngành Văn hóa học, nhưng khái niệm văn hóa và các nội hàm của nó cũng nhận được sự quan tâm và được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau như: triết học, kinh tế học, chính trị học, luật học, hành chính học, quản lý nhà nước...

Trong cuốn Culture: a critical review of concept and definitions được xuất bản năm 1952, hai tác giả A.L. Kroeber và Kluckhohn đã giới thiệu hơn 160 định nghĩa của các nhà khoa học khác nhau cho khái niệm “văn hóa”. Tuy nhiên, Edward Burnett Tylor (1832-1917) - nhà nhân chủng học người Anh mới được coi là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về văn hóa. Theo Tylor: “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học nói chung gồm có tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và một số năng lực và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách là một thành viên của xã hội” [2].

Các nhà khoa học ở Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Năm 1938, học giả Đào Duy Anh đã đưa ra định

nghĩa: “Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng: văn hóa tức là sinh hoạt” [11].

Định nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [61 (tập 3, tr 458)].

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm (1996) định nghĩa: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [83].

Theo Đại từ điển tiếng Việt: "Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử".

Cuối thế kỷ XX, trong “Tuyên bố về chính sách văn hóa” tại Hội nghị quốc tế về chính sách văn hóa của UNESCO họp từ ngày 26-7 đến ngày 6-8- 1982 ở Mêhicô, các nhà khoa học của UNESCO đã định nghĩa: “Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và xúc cảm quy định tính cách của một xã hội hay của một nhóm xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật, văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của (tồn tại - being) người, những hệ thống giá trị, những truyền thống và tín ngưỡng”.

Năm 2002, trong tuyên bố chung về văn hóa, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ

thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Trên cơ sở phân tích nội hàm của thuật ngữ “văn hóa” từ định nghĩa của những nhà nghiên cứu đi trước, trong Luận án này, khái niệm “văn hóa” được hiểu như sau: “Văn hóa là sản phẩm của xã hội loài người, được hình thành và phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa các nhóm xã hội với nhau. Văn hóa không phải là yếu tố bất biến mà nó là một yếu tố thường xuyên biến đổi. Yếu tố văn hóa có thể được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ cá nhân này sang cá nhân khác thông qua nhiều con đường khác nhau. Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng nhất phản ánh đặc trưng, phương thức sống của mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng, mỗi nhóm xã hội. Văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì trật tự, sự bền vững của xã hội”.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ văn hóa trách nhiệm của công chức hành chính trong thực thi công vụ ở việt nam hiện nay (Trang 51 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)