“Văn hóa” là một khái niệm đa diện, có nội hàm rộng và khái niệm “trách nhiệm” cũng là một khái niệm khá rộng, khó minh định. Chính vì vậy, khi bàn về khái niệm “văn hóa trách nhiệm” cũng rất khó để tìm được sự thống nhất trong quan niệm và cách hiểu.
Mặc dù khái niệm VHTN được bàn đến ngày càng nhiều, tuy nhiên có rất ít định nghĩa mang tính khoa học và có hệ thống cho khái niệm này. Hiện nay, khái niệm “văn hóa trách nhiệm” thường được hiểu dưới hai khía cạnh: thứ nhất, trách nhiệm chính là một nội dung của văn hóa, là một bộ phận hợp thành của văn hóa; thứ hai, trách nhiệm chính là kết quả cuối cùng của văn hóa. Ở cả hai khía cạnh đều có thể thấy: trách nhiệm là yếu tố tiền đề của văn hóa, trách nhiệm tạo nên văn hóa, kết quả của trách nhiệm tạo nên văn hóa. Ngược lại, văn hóa làm cho trách nhiệm đầy đủ hơn, được thực thực hiện tốt hơn Đồng thời, khi bàn đến VHTN là bàn đến những yếu tố tích cực của trách nhiệm, là sự thẩm thấu các giá trị văn hóa vào công việc được đảm nhận.
VHTN không phải là yếu tố tự nhiên có, mà được dần dần hình thành trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể. Đồng thời, VHTN cũng không phải là yếu tố bất biến, nó có thể được phát triển ngày một tốt hơn, nhưng cũng có thể dần dần mất đi, nếu như mỗi cá nhân, tập thể không tự ý thức trong việc duy trì và bồi đắp.
Trong phạm vi đề tài luận án, khái niệm “văn hóa trách nhiệm” được hiểu là một hệ thống các giá trị (các giá trị này bao gồm tinh thần, thái độ làm việc; cách giao tiếp, ứng xử với lãnh đạo, đồng nghiệp và người dân; đạo đức, lối sống; phong thái, tác phong…) được hình thành trong quá trình cá nhân hay tập thể thực hiện các trách nhiệm tương ứng với vị trí, vai trò đang đảm nhận của mình.
VHTN chính là sự sẵn sàng chịu trách nhiệm về tất cả những kết quả đạt được từ việc thực thi chức trách, nhiệm vụ của cá nhân hay tập thể.