Sau hơn 20 năm thực hiện đổi mới với những thay đổi quan trọng trong ngành y tế, người dân Việt Nam đã đạt được tuổi thọ trung bình khá cao so với các nước có cùng mức thu nhập. Nhiều chỉ số cho thấy tình trạng sức
khỏe của người dân đang ngày càng được cải thiện qua các năm. Tuy nhiên,
trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế và chuyển đổi cơ cấu bệnh tật, ngành y tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức mới. Quá trình đối thoại giữa Chính phủ và các đối tác hỗ trợ phát triển cho thấy một phương thức hỗ trợ chặt chẽ và hiệu quả từ các nhà tài trợ là rất cần thiết khi Việt Nam đang ngày càng tiến dần đến mức trở thành nước thu nhập trung bình thấp.
Hệ thống chăm sóc sức khoẻ của nước ta được hình thành và phát triển
từ những năm 1950. Hệ thống này đã phát huy tác dụng tốt trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Với một diện tích không lớn nhưng có chiều dài là trên 3.260
km và khu vực miền núi, sông ngòi chiếm khá lớn khiến cho việc đi lại không thuận tiện, điều này càng khó khăn hơn cho ngành y tế nước ta. Dân số nước ta khoảng 92 triệu người, với 54 dân tộc khác nhau cùng với sự hiểu biết, dân trí hết sức cách biệt giữa đồng bằng và vùng núi xa xôi, đây cũng là một trở ngại lớn làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ.
Nước ta được chia làm 63 tỉnh thành trên 8 vùng sinh thái khác nhau, có 713 huyện và 11.164 xã. Xuất phát từ tình hình địa lý, kinh tế như vậy, hệ thống chăm sóc sức khoẻ đã được chia làm 4 tuyến, đó là trung ương, tỉnh,
huyện và xã. Mỗi tuyến đều có chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng hỗ trợ cho nhau để đảm bảo đưa dịch vụ y tế đến tận người dân.
Tuyến Trung ương với 79 đơn vị trực thuộc Bộ, bao gồm các viện nghiên
cứu, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cùng với các cơ sở đào tạo là các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng các đường lối chiến lược cũng như các hướng dẫn cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh… trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Các bệnh viện của tuyến trung ương còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều trị, xử trí các trường hợp bệnh nhân nặng, bệnh nhân khó chẩn đoán do
các tuyến dưới chuyển đến. Tuy nhiên với cơ chế kinh tế thị trường như hiện
nay, người dân có quyền chủ động tìm kiếm các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất; Chính vì vậy hiện tượng vượt tuyến lên tuyến Trung ương thường xuyên
xảy ra, gây quá tải cho tuyến này. Đây cũng là điều khó khăn cho ngành y tế
hiện nay, việc nâng cao khả năng của tuyến dưới về trang thiết bị, về trình độ của cán bộ y tế là một vấn đề cần được giải quyết, có như vậy mới giảm tải cho tuyến Trung ương, đồng thời giảm chi trả cho người bệnh.
Tuyến tỉnh: Tuyến tỉnh có 411 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học dân tộc, khu điều trị phong, các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng, phòng khám chuyên khoa. Bên cạnh đó hầu hết các tỉnh đều có trung tâm vệ sinh phòng dịch, các trung tâm
phòng chống các bệnh xã hội, trung tâm bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em ... Tuyến tỉnh có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ y tế bao gồm khám chữa bệnh, phòng bệnh cho người dân trong khu vực. Hiện nay khả năng và trình độ của cán bộ y tế giữa các tỉnh hết sức chênh lệch. Tại các tỉnh thành lớn tập trung rất nhiều các bác sỹ giỏi; Ngược lại tại các tỉnh vùng sâu vùng xa hiện tượng cán bộ y tế còn thiếu cả số lượng và chất lượng còn rất phổ biến. Đây cũng là một thử thách lớn của ngành y tế.
Tuyến huyện, với 713 huyện trong cả nước nhưng số cơ sở khám chữa bệnh tại tuyến này khoảng 1604. Tuyến huyện có nhiệm vụ khám chữa bệnh,
triển khai công tác phòng bệnh, đề phòng dịch bệnh xảy ra. Tuyến huyện có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, đồng thời có nhiệm vụ đào tạo, giám sát tuyến xã thực hiện các công tác này. Với số dân trung bình khoảng 20 - 25 xã, có một trung tâm y tế huyện, một bệnh viện huyện với trên dưới 50 giường bệnh. Đồng thời để thực hiện chức năng phòng bệnh mỗi huyện có đội vệ sinh phòng dịch.
Tuyến xã, cơ sở chủ yếu là các trạm y tế tuyến xã, với 11.164 xã, cho đến cuối năm 2017 số trạm y tế cho tuyến này là 11.020. Điều đáng chú ý là số xã này đều ở vùng khó khăn, nơi mà tập trung nhiều người nghèo, đồng bào dân tộc. Đây cũng chính là một trong những vấn đề bức xúc của ngành Y tế hiện nay là làm thế nào để đảm bảo tính công bằng trong việc cung cấp dịch vụ y tế cho mọi người dân, hay nói một cách khác là làm sao cho mọi người dân của nước ta đều có quyền được hưởng các dịch vụ y tế như nhau. Cùng với y tế huyện tạo nên hệ thống y tế cơ sở, tuyến xã phải hàng ngày trực tiếp đối mặt với những thách thức. Bên cạnh nhiệm vụ khám chữa bệnh thông thường, phát hiện và chuyển kịp thời lên tuyến cao những trường hợp bệnh nhân quá khả năng xử trí, tuyến xã còn có nhiệm vụ quan trọng đó là phát hiện các ổ dịch bệnh, thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ, hướng dẫn người dân biết cách phòng bệnh.
Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn
2016 - 2020 đã được Bộ Y tế phê duyệt tại văn bản số 139/KH-BYT ngày 01/3/2016. Một trong các giải pháp đưa ra trong kế hoạch này là: “Tăng cường hợp tác, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục vận động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế”.