Phương pháp kiểm toán tuân thủ

Một phần của tài liệu Giáo trình kiểm toán (nghề kế toán doanh nghiệp) (Trang 51 - 54)

1. Phương pháp kiểm toán

1.3. Phương pháp kiểm toán tuân thủ

1.3.1. Khái niệm và đặc trưng

Phương pháp kiểm toán tuân thủ là các thủ tục và kỹ thuật kiểm toán được thiết lập để thu thập các bằng chứng về tính thích hợp và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp.

Các kiểm toán viên nghiên cứu, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ là để đánh giá mức độ rủi ro trong kiểm soát, làm cơ sở cho việc lựa chọn các phương pháp kiểm toán thích hợp. Khi xem xét hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, các kiểm toán viên phải trả lời được câu hỏi: Liệu công việc kiểm toán có thể dựa vào hệ thống kiểm soát nội bộ được hay không? Để giải đáp câu hỏi này, về thực chất kiểm toán viên phải xem xét mức độ thoả mãn về kiểm soát trong từng trường hợp cụ thể. Nếu rủi ro kiểm soát trong lập kế hoạch kiểm toán được đánh giá là cao, mức thoả mãn về kiểm soát thấp và kiểm toán viên không thể tin tưởng và không thể dựa vào hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp. Trường hợp rủi ro kiểm soát được đánh giá là thấp, mức thoả mãn về kiểm soát còn tuỳ

thuộc vào kết quả đánh giá thực tế hiệu quả của hệ thống kiểm soát trong quá trình kiểm toán của kiểm toán viên.

Đặc trưng cơ bản của phương pháp kiểm toán tuân thủ là các thử nghiệm và kiểm tra đều dựa vào các quy chế kiểm soát trong hệ thống kiểm soát nội bộ doanh nghiệp. Nếu hệ thống kiểm soát nội bộ được đánh giá là mạnh, là hiệu quả và kiểm toán viên có thể tin tưởng thì công việc kiểm toán có thể và cần dựa vào các quy chế kiểm soát nội bộ.

1.3.2. Các phương pháp kiểm toán tuân thủ a, Phương pháp cập nhật cho các hệ thống

Phương pháp này còn được gọi là kỹ thuật điều tra hệ thống. Kỹ thuật này đòi hỏi việc kiểm tra chi tiết một loạt các nghiệp vụ cùng loại ghi chép từ đầu đến cuối để xem xét, đánh giá các bước kiểm soát áp dụng trong hệ thống kiểm soát nội bộ.

Để tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ kiểm toán viên có thể sử dụng các phương pháp cụ thể sau:

- Dựa vào kinh nghiệm của kiểm toán viên về đối tượng (nếu có): Kiểm toán viên có thể xem lại hồ sơ kiểm toán của năm trước. Trong thực hành kiểm toán, việc bố trí nhân sự kiểm toán thường là cử những kiểm toán viên quen thuộc với lĩnh vực hoạt động của đơn vị kiểm toán, hoặc chính những kiểm toán viên trước đó đã từng kiểm toán cho đơn vị này. Khi sử dụng phương pháp này, kiểm toán viên cần tập trung vào những điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Đối với những nhược điểm của hệ thống kiểm soát nội bộ kiểm toán viên cần lưu ý để tìm hiểu xem kỳ kiểm toán hiện hành chúng đã được sửa chữa hay chưa.

- Phỏng vấn các nhà quản lý, nhân viên giám sát, và những nhân viên khác.

- Kiểm tra các loại tài liệu, và sổ sách như sơ đồ tổ chức, sổ tay chính sách, sơ đồ hạch toán, sổ nhật ký, sổ cái, các báo cáo trình bày những dữ liệu thực tế và kế hoạch...

- Quan sát các hoạt động kiểm soát và vận hành của chúng trong thực tiễn. Sau khi tìm hiểu hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán viên cần thể hiện những hiểu biết của mình dưới dạng một tài liệu nào đó để lưu trong hồ sơ kiểm toán. Để phục vụ cho mục đích này kiểm toán viên có thể sử dụng các công cụ sau:

- Bảng tường thuật: đây là một tài liệu mà trong đó kiểm toán viên dùng ngôn ngữ văn bản để mô tả về hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng. Bảng tường thuật thường được sử dụng đối với những hệ thống đơn giản hoặc được dùng kết hợp với các công cụ khác để thể hiện tốt hơn hiểu biết của kiểm toán viên. Một bản tường thuật đúng cách cần trình bày đầy đủ 4 điểm sau:

+ Nguồn gốc của mọi chứng từ và sổ sách trong hệ thống + Quy trình của các hoạt động, nghiệp vụ

+ Sự luân chuyển của mọi chứng từ, sổ sách trong quy trình

+ Nêu rõ các hoạt động kiểm soát cần thiết trong quy trình như sự tách biệt trách nhiệm, sự xét duyệt, kiểm tra độc lập...

- Bảng câu hỏi về kiểm soát nội bộ: là bảng liệt kê gồm nhiều câu hỏi đã được chuẩn bị trước về các quá trình kiểm soát trong từng lĩnh vực, kể cả môi trường kiểm soát.

- Lưu đồ: là việc sử dụng những ký hiệu quy ước thống nhất biểu thị hệ thống thông tin kế toán và các hoạt động kiểm soát có liên quan.

Sau khi mô tả kiểm soát nội bộ bằng các công cụ nêu trên kiểm toán viên có thể kiểm tra lại bằng cách theo dõi một vài nghiệp vụ từ khi phát sinh cho đến khi vào sổ kế toán để điều chỉnh lại cho đúng với hiện trạng (phép thử Walk- through).

Sau khi thực hiện cập nhật cho hệ thống, kiểm toán viên tiến hành đánh giá lại rủi ro kiểm soát. Nếu rủi ro kiểm toát được đánh giá là cao hơn so với dự kiến ban đầu, thì kiểm toán viên phải chuyển sang thực hiện ngay phương pháp kiểm toán cơ bản với một phạm vi, khối lượng lớn hơn. Nếu rủi ro kiểm soát được đánh giá lại là thấp hơn so với giá trị dự kiến ban đầu thì tiếp tục thực hiện các thử nghiệm chi tiết đối với kiểm soát.

b, Thử nghiệm chi tiết về kiểm soát

Thử nghiệm chi tiết về kiểm soát là các thử nghiệm (tests) được tiến hành để thu thập bằng chứng về sự hữu hiệu trong thiết kế và vận hành của các quy chế kiểm soát và các bước kiểm soát, làm cơ sở cho việc thiết kế phương pháp kiểm toán cơ bản.

Những thử nghiệm kiểm soát được sử dụng để kiểm tra sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ gồm:

- Phỏng vấn - Kiểm tra tài liệu

- Quan sát việc áp dụng các thủ tục kiểm soát - Thực hiện lại các thủ tục kiểm soát

Việc tiến hành hay không tiến hành các thử nghiệm chi tiết về kiểm soát phụ thuộc vào việc đánh giá lại rủi ro kiểm soát sau khi đã áp dụng các kỹ thuật điều tra hệ thống. Nếu mức độ rủi ro kiểm soát được đánh giá là không cao ở mức tối đa hoặc kiểm toán viên xét thấy có thể giảm được rủi ro kiểm soát đã đánh giá sơ bộ khi lập kế hoạch xuống một mức thấp hơn, kiểm toán viên sẽ tiến hành các thử nghiệm chi tiết về kiểm soát cần thiết để có được các bằng chứng về sự hữu hiệu tương ứng của kiểm soát nội bộ. Đây là cơ sở để kiểm toán viên giới hạn phạm vi của các thử nghiệm cơ bản phải tiến hành (nhất là các thử nghiệm chi tiết về nghiệp vụ và số dư tài khoản) đối với các khoản mục liên quan. Ngược lại, nếu mức rủi ro kiểm soát được đánh giá ở mức cao và xét thấy không có khả năng giảm được trong thực tế, kiểm toán viên sẽ không thực hiện các thử nghiệm chi tiết về kiểm soát mà phải tiến hành ngay các thử nghiệm cơ bản ở mức độ phù hợp. Đây là giai đoạn, công việc mang tính chủ quan, tuỳ thuộc vào bản lĩnh nghề nghiệp và sự xét đoán của kiểm toán viên.

Một phần của tài liệu Giáo trình kiểm toán (nghề kế toán doanh nghiệp) (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)