Chuẩn bị kiểm toán là bước công việc đầu tiên của tổ chức công tác kiểm toán nhằm tạo ra tất cả các tiền đề và điều kiện cụ thể trước khi thực hành kiểm toán. Đây là công việc có ý nghĩa quyết định đến chất lượng kiểm toán.
1.1. Xác định mục tiêu, phạm vi kiểm toán
1.1.1. Mục tiêu kiểm toán
Mục tiêu kiểm toán là đích cần đạt tới, đồng thời là thước đo kết quả kiểm toán cho mỗi cuộc kiểm toán cụ thể. Mục tiêu chung của kiểm toán là phải gắn chặt với mục tiêu, yêu cầu của quản lý. Vì vậy, trước hết mục tiêu của kiểm toán phải tùy thuộc vào quan hệ giữa chủ thể với khách thể của kiểm toán, tùy thuộc vào loại hình kiểm toán.
Để định hướng và đánh giá được kết quả, mục tiêu của một cuộc kiểm toán phải cụ thể và chính xác. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với công việc chuẩn bị của một cuộc kiểm toán. Tùy thuộc vào hoạt động kiểm toán nêu trên, mục tiêu kiểm toán có thể biểu hiện trong kế hoạch hợp đồng hoặc lệnh kiểm toán.
1.1.2. Phạm vi kiểm toán
Phạm vi kiểm toán là sự giới hạn về không gian và thời gian của đối tượng kiểm toán. Phạm vi kiểm toán thường được xác định đồng thời với mục tiêu kiểm toán và là một hướng cụ thể hóa mục tiêu này. Với một khách thể
kiểm toán cần xác định rõ đối tượng cụ thể của kiểm toán: bảng cân đối kế toán hay toàn bộ các bảng khai tài chính, tất cả các loại nghiệp vụ hay chỉ nghiệp vụ về kho, về két (tiền mặt), về thù lao… Cùng với việc cụ thể hóa về đối tượng phải cụ thể hóa về khoảng thời gian thuộc phạm vi kiểm toán (tháng, năm, quý). Trong điều kiện kiểm toán năm đầu tiên phải xét phạm vi kiểm toán trong cả quan hệ với thời kỳ trước có liên quan do thông tin tài chính của kỳ trước có ảnh hưởng đến số dư đầu kỳ này.
Có thể mục tiêu và phạm vi kiểm toán được xác định trong thư mời kiểm toán với kiểm toán độc lập hoặc đã được xác định trước trong kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với Kiểm toán Nhà nước. Song trước khi thực thi một cuộc kiểm toán mục tiêu kiểm toán vẫn phải được xác định rõ ràng, chuẩn xác.
1.2. Chỉ định người phụ trách công việc kiểm toán
Tùy thuộc vào mục tiêu và phạm vi kiểm toán đã được xác định, cần chỉ định trước người chủ trì cuộc kiểm toán là ai. Công việc này có thể làm đồng thời với việc xây dựng mục tiêu cụ thể song cần thực hiện trước khi thu thập thông tin, đặc biệt là việc làm quen với đối tượng, khách thể mới của kiểm toán. Yêu cầu chung của việc chỉ định này là phải có người phụ trách với trình độ tương xứng với mục tiêu và phạm vi kiểm toán nói riêng và tương xứng với vị trí, yêu cầu, nội dung và tinh thần của cuộc kiểm toán nói chung.
Cùng với việc chỉ định con người, cần chuẩn bị các thiết bị và điều kiện vật chất khác kèm theo như: phương tiện tính toán và kiểm tra thích ứng với đặc điểm tổ chức kế toán, phương tiện kiểm kê thích ứng với từng loại vật tư, đá quý..
1.3. Thu thập thông tin
Ở bước chuẩn bị, thu thập thông tin chỉ hướng tới việc đưa ra các bước quyết định về kiểm toán mà chưa đặt ra mục đích thu thập bằng chứng cho kết luận kiểm toán. Do vậy, nhiệm vụ thu thập thông tin ở bước này cần đặt ra tương ứng với mục tiêu và phạm vi kiểm toán, song nói chung cần quan tâm đến chiều rộng hơn là chiều sâu. Thậm chí có trường hợp chỉ xét tới khả năng hiện diện của các nguồn tài liệu cụ thể như: chế độ, chuẩn mực có liên quan, truyền thống và tín nhiệm của khách thể kiểm toán…