ngắn theo hướng phát triển năng lực giao tiếp
2.2.2.1. Sử dụng sơ đồ tư duy để hướng dẫn HS viết đoạn văn
Sơ đồ tư duy là một hình thức ghi chép nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức. Sơ đồ tư duy là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông cũng như ở các bậc học cao hơn. Nó giúp GV và HS trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, học tập thông qua biểu đồ, tóm tắt thông tin của một bài học, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ,…
Sơ đồ tư duy có thể thể hiện dưới các dạng khác nhau nhưng vẫn đảm bảo cấu trúc gồm chủ đề chính liên kết với các nhánh nhỏ hơn. Ở vị trí trung tâm sơ đồ là một hình ảnh hay một từ khóa thể hiện chủ đề chính. Trung tâm sẽ được phát triển nối với các từ khóa liên quan bằng các nhánh chính (thường tô đậm nét). Từ các nhánh chính tiếp tục phát triển phân nhánh đến các hình ảnh hay từ khóa cụ thể hơn, liên quan đến nhánh chính. Việc phân nhánh cứ tiếp tục và các nội dung liên quan luôn được nối kết với nhau.
Ưu điểm lớn nhất của sơ đồ tư duy là giúp cho người học nâng cao hiệu quả làm việc, tăng tính sáng tạo và tư duy khoa học. HS dễ dàng xác định
được mối liên hệ của các thông tin, dữ liệu, cải thiện năng lực ghi nhớ. Sử dụng sơ đồ tư duy là phương pháp hữu hiệu để phác thảo những ý tưởng độc đáo, những tư duy sáng tạo trong điều kiện thời gian bị hạn chế. Đây cũng là phương pháp tốt để HS có thể sắp xếp những ý tưởng và xâu chuỗi chúng lại trong các mối liên hệ nhất định. GV nên hướng dẫn HS sử dụng sơ đồ tư duy trong hoạt động nhóm và làm việc cá nhân để hệ thống kiến thức đã học, triển khai các ý chính cho một đoạn văn…
Ví dụ: Viết 3-4 câu tả một đồ chơi của em. (TV 2, tập 1. Tr. 107) GV đưa ra từ chủ đề là “Tả đồ chơi” và đưa ra những gợi ý hình thành ý tưởng viết cho các em. Sau mỗi gợi ý, GV đồng thời thao tác vẽ tạo sơ đồ tư duy để giúp HS lớp 2 đọc và hiểu được, ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn. Sau khi đã làm quen, GV có thể hướng dẫn các em tự vẽ sơ đồ tư duy.
Đây là hình ảnh một sơ đồ tư duy trong tiết Luyện viết đoạn với đề bài:
Tả một đồ chơi của em.
Từ đây, HS đã viết được đoạn văn ngắn khoảng 3-4 câu, mỗi câu là một nhánh của sơ đồ. HS đã viết được như sau:
Bài 1: Món đồ chơi em yêu nhất là chú gấu bông. Chú có bộ lông màu
nâu, đôi mắt to tròn. Em thường ôm chú mỗi khi đi ngủ. Em coi gấu bông như một người bạn và luôn giữ gìn chú cẩn thận.
Bài 2: Nhân dịp sinh nhật, mẹ tặng em một con búp bê rất đẹp. Búp bê mặc
một chiếc váy màu hồng. Mái tóc vàng và đôi mắt long lanh rất dễ thương. Những lúc rảnh rỗi, em cùng búp bê chơi trò bán hàng. Em rất thích búp bê. Em nhờ mẹ may cho búp bê một chiếc áo khoác.
Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với lời giảng của GV sẽ giúp HS biết cách triển khai ý tưởng viết đoạn văn, đảm bảo cho nội dung đoạn văn rõ ràng, mạch lạc, đủ ý. GV kết hợp mở rộng vốn từ, cách viết câu để HS có thể viết được đoạn văn hay, hấp dẫn, có thể dài hơn số câu yêu cầu đề bài. Qua đó, tạo tiền đề để khi học lên lớp cao hơn, HS biết cách lập dàn ý và triển khai thành một bài văn hoàn chỉnh.
2.2.2.2. Sử dụng hình thức thảo luận nhóm
Thảo luận là hình thức tổ chức cho người học trao đổi, tranh luận các vấn đề học tập, để tự rút ra được các kết luận theo yêu cầu bài học, thực chất của hình thức này là để HS bàn bạc, trao đổi trong nhóm nhỏ. Thảo luận nhóm giúp HS mở rộng và nâng cao nhận thức vấn đề, hình thành quá trình trao đổi kiến thức và tư tưởng chủ động giữa GV và HS, giữa các HS với nhau. Các em học được cách thức làm việc chung, chấp nhận ý kiến của nhau và đi đến thống nhất, từ đó kích thích phát triển NL nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tư duy sáng tạo. Thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định bản thân, qua đó ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhờ việc thảo luận nhóm mà kiến thức của HS sẽ giảm bớt phần chủ quan, tăng tính khách quan. Kiến thức trở nên sâu sắc, bền vững, dễ nhớ và nhớ nhanh hơn do được giao lưu, học hỏi giữa các thành viên trong nhóm. Các em học được cách trình bày ý kiến của mình, lắng nghe có phê phán ý kiến của bạn; từ đó HS dễ dàng hòa nhập, thêm tự tin, hứng thú trong học tập cũng như các hoạt động khác. Không khí cởi mở của thảo luận nhóm giúp HS, đặc biệt là những em nhút nhát, trở nên bạo dạn hơn.
Lớp học được chia thành từng nhóm nhỏ: nhóm 2 người, nhóm 4 người, nhóm 6 người. HS lớp 2 còn nhỏ tuổi, các khả năng hoạt động và liên
kết các hoạt động cũng như khả năng bao quát các hoạt động còn hạn chế. Cách chia nhóm thích hợp nhất là nhóm đôi hay nhóm 3 - 4 HS. Trước khi tiến hành thảo luận, GV cũng cần phổ biến rõ thời gian thảo luận, nội dung thảo luận, hình thức trình bày cho các nhóm được biết và thực hiện.
Để nhóm có thể hoạt động đúng với yêu cầu thảo luận, mỗi nhóm chọn một thành viên trong nhóm làm trưởng nhóm. GV cần hướng dẫn HS hình thành kĩ năng điều hành nhóm, tổ chức thảo luận nhóm độc lập. Nhóm trưởng điều hành nhóm thảo luận, mời các thành viên phát biểu, chuyển sang câu hỏi khác khi thích hợp, đảm bảo cho tất cả các thành viên đều có thể đóng góp ý kiến. Trong nhóm nhỏ, nhóm trưởng có thể phân công mỗi người một phần việc. Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Ở một số chủ đề thảo luận, trong nhóm cần có một thư kí ghi lại những điểm chính của cuộc thảo luận để trình bày trước lớp. GV nên khéo léo để các HS trong nhóm được luân phiên nhau làm nhóm trưởng, thư kí cũng như đại diện cho nhóm trình bày kết quả thảo luận trước lớp. Trong suốt thời gian HS thảo luận, GV cần đi vòng quanh các nhóm và lắng nghe ý kiến của HS và hỗ trợ các em khi thật cần thiết. Để thảo luận nhóm thành công, GV nên chuẩn bị một hệ thống câu hỏi gợi ý cụ thể. Đây là các điểm tựa để HS dựa vào đó mà thảo luận, thực hiện yêu cầu của bài học. Nội dung các câu hỏi cần hướng vào sự khai thác kinh nghiệm, cách nghĩ của HS, khuyến khích các em tham gia một cách tự tin vào hoạt động thảo luận. Khi trình bày kết quả làm việc của nhóm trước lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc có thể nhiều người trình bày, mỗi người một đoạn nối tiếp nhau... Kết quả thảo luận cũng có thể được trình bày dưới nhiều hình thức: bằng lời nói, bằng đóng vai, bằng bài viết hoặc vẽ trên giấy to …
Qua quá trình thảo luận, các em sẽ được trình bày ý kiến cho nhau nghe, trao đổi với nhau, sau đó phát biểu ý kiến trước lớp sẽ phát huy được tính tích cực, tính trách nhiệm; phát triển NL cộng tác làm việc và NLGT của HS.
- GV nêu chủ đề thảo luận, chia nhóm, giao nhiệm vụ thảo luận cho mỗi nhóm, quy định thời gian thảo luận và phân công vị trí ngồi thảo luận cho các nhóm
- Các nhóm tiến hành thảo luận
- Đại diện từng nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm. Các nhóm khác lắng nghe, trao đổi, bổ sung ý kiến.
- GV tổng kết các ý kiến
Ví dụ: Kể về việc em đã làm để bảo vệ môi trường. (TV2, tập 2, tr. 67) GV tổ chức cho HS thảo luận nhóm về những việc các em đã làm để bảo vệ môi trường. GV nêu chủ đề thảo luận và mời đại diện các nhóm lên nhận phiếu học tập nhóm 4. HS suy nghĩ cá nhân rồi thảo luận, hoàn thành nội dung phiếu trong thời gian 5 phút. Gợi ý cho phần thảo luận như sau:
+ Em đã làm việc gì để bảo vệ môi trường?
+ Em đã làm việc đó lúc nào? Ở đâu? Em làm như thế nào? + Ích lợi của việc làm đó là gì?
+ Em cảm thấy thế nào khi làm việc đó?
HS trong nhóm trao đổi với nhau về việc xác định chủ đề viết đoạn văn. Đó có thể là việc tổng vệ sinh khu phố, hưởng ứng phong trào Tết trồng cây, gom và phân loại rác thải, làm “Một phút môi trường”… Sau khi thống nhất chủ đề, HS trong nhóm triển khai các câu tiếp theo. Các em có thể kể 2-3 câu, tùy theo năng lực viết của các thành viên trong nhóm. Câu cuối đoạn nêu suy nghĩ, cảm xúc của các em với việc bảo vệ môi trường. Khi làm được việc có ích, chắc chắn cảm xúc của các em đều tích cực và vui vẻ, phấn khởi. HS có thể viết: “Em cảm thấy rất vui vì đã góp phần làm được một việc có ích cho quê hương của mình.”, “ Em cảm thấy rất vui vẻ vì đã làm được một việc tốt góp phần bảo vệ môi trường.”
Để nâng cao hiệu quả của hình thức thảo luận nhóm trong giảng dạy đòi hỏi người GV phải làm quen với những phương tiện dạy học hiện đại, sử dụng đa dạng các phương tiện kiểm tra đánh giá mới, tiếp cận về yêu cầu giáo
dục hiện đại “lấy người học làm trung tâm” với những đòi hỏi mới nhằm bồi dưỡng giáo dục và phát huy kiến thức, kĩ năng, thái độ cho người học theo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay thông qua việc lựa chọn phương pháp giảng dạy khuyến khích người học chủ động tham gia vào quá trình đào tạo.
2.2.2.3. Tổ chức và hướng dẫn học sinh thuyết trình nhóm hoặc lớp về nội dung viết của đoạn văn
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thuyết trình. Định nghĩa một cách dễ hiểu là: “thuyết” là nói, “trình” là trình bày. Thuyết trình là chia sẻ, trình bày về một chủ đề cụ thể nào đó trước nhiều người. Thuyết trình nhằm mục đích truyền đạt thông tin, chia sẻ, giới thiệu nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể nào đó.
Thuyết trình là quá trình truyền tải thông tin, những ý tưởng của mình đến với người nghe, người cần thuyết phục. Trong nhà trường phổ thông, phương pháp thuyết trình có vai trò và ưu thế quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho HS. Hoạt động thuyết trình thúc đẩy HS chủ động chuẩn bị bài, tích cực tham gia vào hoạt động thảo luận và trình bày. Qua đó, HS được rèn luyện kĩ năng tự học một cách tích cực, nói năng lưu loát, rành mạch. Người GV đóng vai trò định hướng, hỗ trợ HS chứ không nên trả lời thay HS. HS phải nghĩ, phải thu thập tài liệu… thì mới có sự hiểu biết nhất định về chủ đề và mới có thể nói tốt được.
Thuyết trình với HS tiểu học là một hoạt động khó, đòi hỏi nhiều kĩ năng và sự sáng tạo ở các em. Nếu người GV lạm dụng thuyết trình thì HS dễ bị quá tải, không hiểu hết nội dung học tập dẫn tới không đạt được mục tiêu của bài học. Việc chia HS theo từng nhóm để làm bài thuyết trình có thể thực hiện trước khi HS tiến hành viết đoạn.
Ví dụ: Viết 3-5 câu kể về một sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia ở nơi em sống. (TV2, tập 2, tr. 37)
Với đề bài này, GV sẽ tổ chức cho HS làm việc trong nhóm 6, nói trong nhóm kể sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia dựa trên những gợi ý GV đưa lên màn hình:
+ Em đã tham gia hoặc chứng kiến việc gì? Ở đâu? + Có những ai tham gia việc đó?
+ Những người tham gia đã làm gì? Làm như thế nào? + Em có suy nghĩ gì khi chứng kiến hoặc tham gia việc đó?
HS trong nhóm sẽ kể, nghe bạn kể và bình bầu ra một bạn kể tốt nhất để tham gia thuyết trình trước lớp.
Phương pháp dạy học là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để nâng cao hiệu quả phương pháp dạy học, đòi hỏi người thầy không chỉ có bản lĩnh, tri thức khoa học vững vàng mà còn phải tự mình vượt qua những thói quen cũ. Để tổ chức được hoạt động thuyết trình, GV cần phải được học, được tập huấn, tìm hiểu kĩ, khi đó mới có thể làm tốt được, tránh tình trạng hiểu chưa cặn kẽ lại lạm dụng khiến cho HS mệt mỏi, không tha thiết với môn học hoặc học qua loa, đối phó.
2.2.2.4. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng viết đoạn văn ngắn cho học sinh
Hoạt động trải nghiệm (HĐTN) ở Tiểu học là các hoạt động giáo dục, trong đó HS dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của GV.
Dạy học trải nghiệm là một hình thức dạy học gần gũi với HS, gắn với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. Việc học trải nghiệm sẽ giúp HS rèn luyện kĩ năng quan sát, phát triển tư duy cụ thể, qua đó các em có được biểu tượng rõ nét, cụ thể về sự vật, hiện tượng vì các em được mắt thấy, tai nghe.
Trên thực tế, việc dạy học Luyện viết đoạn còn gặp khá nhiều khó khăn. Nội dung, phương pháp, kĩ thuật tổ chức các hoạt động dạy học đối với
cả kiểu bài lí thuyết và thực hành hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. HS thiếu vốn sống và cảm xúc về đối tượng được đề cập đến, đặc biệt là trong làm văn kể, miêu tả. Việc tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế để hỗ trợ các em phát huy tính sáng tạo, được mở mang vốn sống, hiểu biết và các kĩ năng của mình trong môi trường học tập và xã hội là vô cùng cần thiết. HĐTN sẽ giúp cho HS được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách, qua đó các em làm văn chân thật và phong phú hơn.
Chương trình GDPT môn TV tiểu học, kiểu bài văn kể, miêu tả được giới thiệu từ năm lớp 2 và mở rộng, nâng cao dần ở các lớp trên, với những yêu cầu cần đạt cụ thể về quy trình viết, khả năng thể hiện chủ đề, ý tưởng, thể loại, bố cục và liên kết. HS có thể thu thập chất liệu cho bài viết từ quan sát, suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân; thông qua thảo luận nhóm hoặc lớp, đọc sách báo, phỏng vấn, đọc trên mạng... Bản chất của hoạt động thu thập chất liệu cho bài viết chính là tổ chức cho HS trải nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây là định hướng mới đặc biệt phù hợp với dạy tạo lập văn bản cho HS Tiểu học. Một trong những hướng điều chỉnh nội dung - chương trình dạy học Luyện viết đoạn là tăng cường tổ chức cho HS trải nghiệm để tích lũy vốn sống và bồi dưỡng cảm xúc về đối tượng kể, miêu tả.
Có thể khẳng định, bên cạnh việc được xem xét với tư cách là một hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình Tiểu học, HĐTN hoàn toàn có thể