năng viết đoạn văn cho học sinh lớp 2
2.2.3.1. Nhận xét chung về hệ thống bài tập về dạy viết đoạn văn cho học sinh lớp 2
Khi khảo sát nội dung dạy học Tập làm văn trong chương trình GDPT 2018, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Chương trình, nội dung dạy học Luyện viết đoạn được thiết kế có rất nhiều ưu điểm:
+ Nội dung các chủ đề được lựa chọn khá gần gũi, phù hợp với đối tượng HS.
+ Kiến thức được hình thành ở mỗi kiểu bài giúp HS có thể viết được đoạn văn đảm bảo yêu cầu.
+ Ngữ liệu dạy học phong phú, nhiều tác phẩm hay, có giá trị giáo dục cao. Bên cạnh những ưu điểm về nội dung, chương trình cũng bộc lộ một số hạn chế:
+ Ngữ liệu nhiều nhưng được khai thác chưa thực sự hiệu quả.
+ Trong giai đoạn hiện tại, khi khoa học công nghệ phát triển, cơ hội HS được trải nghiệm để tìm hiểu thế giới tự nhiên - xã hội - con người là rất ít. Thời lượng các tiết dạy quan sát đối tượng kể, tả trong giờ Tập làm văn còn quá ít nên HS chưa có cơ hội tìm hiểu đầy đủ và rõ ràng về đối tượng các em chọn kể, tả.
+ Một số đề bài chưa thật sự tạo được hứng thú cho HS.
+ Chưa có nhiều dạng bài cụ thể để rèn cho các em kĩ năng dùng từ, đặt câu sao cho phù hợp, hay và có hình ảnh.
2.2.3.2. Đề xuất một số bài tập và hướng dẫn sử dụng các bài tập để rèn cho học sinh viết đoạn theo các kiểu kết cấu đoạn văn
Thông thường, một đoạn văn được bố cục theo 3 phần :
Mở đoạn: Giới thiệu về đối tượng cần kể, cần tả bằng một hoặc hai câu dựa vào gợi ý thứ nhất trong SGK.
Thân đoạn: Các câu tiếp theo HS cần biết dùng các từ ngữ gợi tả, sử dụng hình ảnh để tả hoặc kể về đối tượng vừa giới thiệu. Có thể dựa hẳn vào câu hỏi gợi ý (với HS trung bình, yếu) hoặc cũng có thể nói tự do không đúng theo thứ tự gợi ý để câu văn tự nhiên có cảm xúc hơn (với HS khá, giỏi).
Kết đoạn: Câu cuối nêu cảm nghĩ, tình cảm của em về đối tượng kể trên.
Ví dụ : Kể về một việc người thân đã làm cho em (TV2, tập 1, tr. 115), GV đưa ra một số câu hỏi gợi ý:
- Người thân em muốn kể là ai?
- Người thân của em đã làm việc gì cho em? - Em có suy nghĩ gì về việc người thân đã làm?
Sau khi hướng dẫn HS nắm được yêu cầu bài tập, yêu cầu HS đọc các gợi ý, GV nhấn mạnh: Gợi ý 1 giúp con mở đầu bài kể của mình (mở đoạn). Gợi ý 2 giúp con kể lại những việc làm cụ thể người thân đã làm cho mình (thân đoạn). Gợi ý cuối giúp con kết thúc bài kể của mình (kết đoạn).
Việc hình thành đoạn văn như vậy đã giúp các em viết đoạn văn tốt hơn, hoàn chỉnh đủ 3 phần (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn), khắc phục được tình trạng viết đoạn văn thiếu bố cục.
GV là người hướng dẫn HS làm như thế nào để viết được một đoạn văn đúng yêu cầu và cần đảm bảo những nội dung gì trong đoạn văn ấy. Khi hướng dẫn HS lớp 2 tả ngắn, kể ngắn theo đề bài, người dạy ưu tiên hướng dẫn viết đoạn văn diễn dịch và đoạn văn quy nạp để các em tập viết thuận lợi.
* Một số dạng bài tập luyện viết đoạn văn theo kết cấu diễn dịch
“Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn được bắt đầu bằng một nhận xét chung khái quát hoặc từ những điều đã được mọi người thừa nhận,... mà suy ra những nét riêng, cụ thể”. [7]
Sơ đồ khái quát của loại đoạn văn diễn dịch như sau:
Sơ đồ 2.1. Mô hình đoạn văn theo kết cấu diễn dịch
Theo sơ đồ này, để viết một đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề ở đầu đoạn theo kết cấu chuỗi hoặc song song, cần bắt đầu bằng việc viết một câu chủ đề mang ý khái quát chung của cả đoạn rồi sau đó lần lượt viết tiếp các câu mang ý cụ thể, riêng biệt triển khai cho ý chủ đề của đoạn văn.
Dưới đây là một số dạng bài tập rèn cho HS viết đoạn theo kết cấu diễn dịch được khái quát dưới dạng sơ đồ như sau:
Sơ đồ 2.2. Các dạng bài tập viết đoạn văn theo kết cấu diễn dịch
Dạng 1: Sắp xếp các câu thành một đoạn văn hoàn chỉnh
Ví dụ: Dựa vào các câu sau, em hãy sắp xếp lại thứ tự cho đúng tạo
một đoạn văn.
a. Nhờ vậy, Minh đã tiến bộ trong học tập. b. Bạn kèm Bình Minh học toán.
c. Ngọc An là một bạn gái rất tốt bụng.
khái quát
d. Cả lớp ai cũng yêu quý Ngọc An.
e. Bạn còn cho Nam mượn bút khi bạn quên bút ở nhà.
Với dạng bài này, muốn sắp xếp các câu cho đúng thứ tự, HS cần đọc kĩ nội dung các câu, suy nghĩ xem câu nào là câu mở đoạn (câu mang ý khái quát chung của cả đoạn) và liên kết các câu văn đó theo một trình tự hợp lí tạo một đoạn văn hoàn chỉnh.
Dạng 2: Chọn câu mở đoạn cho đề bài và hoàn thiện đoạn văn Ví dụ: Chọn câu mở đoạn thích hợp cho đề bài sau: Kể về một việc làm tốt của em (hoặc bạn em). Sau đó, em hãy hoàn thiện đoạn văn.
A. Việc làm tốt và ý nghĩa của em chính là đầu tuần vừa qua em đã phát động phong trào thi đua giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.
B. Em quét lớp sạch sẽ.
C. Em rất vui vì làm được một việc tốt đầy ý nghĩa này.
Với dạng bài này, HS cần đọc kĩ đề bài và nội dung các câu, suy nghĩ xem câu mở đoạn nào là phù hợp nhất với đề bài đã cho. Sau khi hoàn thiện đoạn văn, GV cũng nhấn mạnh cho HS biết trình tự triển khai các câu trong đoạn.
Dạng 3: Bài tập viết đoạn văn triển khai câu mở đoạn đã cho
Ví dụ: Viết tiếp đoạn văn kể về việc dọn dẹp nhà cửa để đón Tết của gia đình em có chứa câu mở đoạn đã cho: “Mỗi dịp Tết đến là cả gia đình em lại háo hức cùng nhau chuẩn bị đón Tết.”
Khi áp dụng dạng bài này, GV phải có định hướng cho HS về nội dung các câu văn cần triển khai trong đoạn. GV hướng dẫn HS suy nghĩ, dựa vào phần định hướng nội dung và trình tự viết đoạn văn cô đã hướng dẫn, đặc biệt dựa theo câu mở đoạn, HS triển khai các câu tiếp theo cho đoạn văn để tạo đoạn viết hoàn chỉnh.
HS có thể viết như sau:
Mỗi dịp Tết đến là cả gia đình em lại háo hức cùng nhau chuẩn bị đón Tết. Bố mẹ em dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Em xung phong quét nhà, phụ mẹ rửa ấm chén. Cả gia đình em đi chợ mua sắm đồ cho ngày tết. Bố em chọn
một cành đào thật đẹp. Mẹ em mua hoa quả, bánh kẹo, trà mứt để biếu ông bà… Em được mẹ mua cho bộ quần áo mới. Em rất thích Tết và mong chờ Tết mau đến.
* Một số dạng bài tập luyện viết đoạn văn theo kết cấu quy nạp
“Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được bắt đầu bằng những nhận xét mang tính cụ thể, riêng biệt để đến với những nhận định mang tính tổng quát, những nhận xét chung”. [7]
Ngược với đoạn diễn dịch, để viết đoạn quy nạp (đoạn văn có câu chủ đề đứng ở cuối đoạn) lại phải bắt đầu từ việc rèn luyện viết những câu mang ý cụ thể, riêng biệt rồi cuối cùng mới viết câu mang ý khái quát, bao trùm của cả đoạn. Sơ đồ tổng quát của loại đoạn văn quy nạp như sau:
Sơ đồ 2.3. Mô hình đoạn văn theo kết cấu quy nạp
Dưới đây là sơ đồ khái quát một số dạng bài tập rèn cho HS viết đoạn theo kết cấu quy nạp:
Sơ đồ 2.4. Các dạng bài tập viết đoạn văn theo kết cấu quy nạp
Dạng 1: Sắp xếp các câu thành một đoạn văn hoàn chỉnh
Ví dụ: Dựa vào các sự việc xảy ra trong mỗi câu, em hãy sắp xếp lại thứ tự cho đúng tạo một đoạn văn.
cụ thể ... cụ thể
A. Bà cụ khen Mai tốt bụng, biết giúp đỡ người già. B. Mai liền chạy đến khiêng chậu giúp bà.
C. Nhưng vì già yếu, bà cụ không đủ sức nhấc cái chậu đựng những đồ đã giặt xong lên.
D. Trên đường về nhà, Mai nhìn thấy một bà cụ đang giặt quần áo bên bờ suối.
Với dạng bài này, HS cần đọc kĩ nội dung các câu, suy nghĩ xem sắp xếp các câu theo thứ tự thế nào, đâu là câu kết mang ý khái quát chung của cả đoạn. Sau khi hoàn thiện đoạn văn, GV cũng nhấn mạnh cho HS biết trình tự triển khai các câu trong đoạn. GV yêu cầu 1-2 HS đọc to đoạn văn, nhấn mạnh cho HS trình tự kể làm rõ chủ đề đoạn viết.
Dạng 2: Chọn câu kết đoạn cho đề bài và hoàn thiện đoạn văn
Ví dụ: Chọn câu kết đoạn thích hợp cho đề bài sau: “Viết một đoạn văn ngắn tả cô giáo lớp Một của em”. Sau đó, em hãy hoàn thiện đoạn văn có sử dụng câu kết đoạn đó.
A. Mái tóc dài ngang vai, đôi mắt biết cười nhìn chúng em trìu mến. B. Em rất yêu quý cô.
C. Người dạy em những nét chữ đầu tiên là cô Thảo.
D. Dù sau này có đi xa, em vẫn luôn nhớ về cô - cô giáo lớp Một của em.
Với dạng bài này, HS cần đọc kĩ đề bài và nội dung các câu, suy nghĩ xem câu kết đoạn nào là phù hợp nhất với đề bài đã cho. Sau đó, HS suy nghĩ, triển khai các ý và liên kết các câu tạo một đoạn văn đúng chủ đề.
Dạng 3: Dạng bài tập viết đoạn văn triển khai câu kết đoạn đã cho Ví dụ: Viết tiếp đoạn văn kể về một giờ học mà em thích có chứa câu kết thúc đoạn đã cho: “Có lẽ, đây là tiết học em cảm thấy yêu thích nhất.”
Khi áp dụng dạng bài này, GV phải có định hướng cho HS về nội dung các câu văn cần triển khai trong đoạn. GV hướng dẫn HS suy nghĩ, dựa vào phần định hướng nội dung và trình tự viết đoạn văn cô đã hướng dẫn, đặc biệt
dựa theo câu kết đoạn, HS triển khai các câu cụ thể tạo sự logic với câu cuối cùng - câu chủ đề của đoạn văn.
Với đề bài này, HS có thể viết như sau:
Hôm nay, lớp em được học tiết Toán rất hay. Mở đầu giờ học, chúng em chơi trò chơi Truyền điện ôn lại bảng cộng đã học. Cô giáo giảng bài dễ hiểu. Khi em trả lời đúng, cô và các bạn khen em bằng một tràng pháo tay. Em cảm thấy rất vui. Có lẽ, đây là tiết học em cảm thấy yêu thích nhất.
2.2.3.3. Rèn kĩ năng viết từng loại câu trong đoạn văn
Câu văn trong bài làm văn được sử dụng rất đa dạng. Với mỗi kiểu văn bản khác nhau, việc sử dụng các kiểu câu cũng sẽ khác nhau. Với HS lớp 2, các em thường viết các câu văn miêu tả, câu kể ngắn, dễ hiểu. Yêu cầu chung khi viết câu trong đoạn chính là phải đặt câu trong mối quan hệ với các câu khác của đoạn văn. Câu không chỉ được đánh giá đúng sai trong mối quan hệ của nội bộ câu mà còn được đánh giá đúng sai trong mối quan hệ liên câu, trong mối quan hệ với câu trước và sau đó. Việc tổ chức câu không phải chỉ cần đúng ngữ pháp mà còn cần phải đúng phong cách văn bản, đúng với việc tổ chức giao tiếp. Dưới đây, người viết đưa ra một số bài tập rèn kĩ năng viết câu mở đoạn, câu triển khai và câu kết thúc đoạn văn.
a) Viết câu mở đoạn:
Câu mở đoạn giới thiệu đối tượng cần kể (tả), thường diễn đạt bằng một câu.
Ví dụ: Kể về một hoạt động thể thao hoặc trò chơi em đã tham gia ở trường. (Tuần 4, lớp 2)
Để hướng dẫn HS viết câu mở đoạn, GV có thể hỏi HS: Hoạt động thể thao hoặc trò chơi em đã tham gia là gì ?
HS có thể viết:
+ Em thường chơi nhảy dây cùng các bạn vào giờ ra chơi.
+ Vào giờ ra chơi, chúng em thường chơi trò đuổi bắt dưới bóng mát của cây bàng.
+ Tất cả các bạn ai cũng đều tham gia nhiều hoạt động thể thao ở trường và em cũng thế. Em đã tham gia thi kéo co trong hội khỏe Phù Đổng của trường tổ chức.
Ví dụ: Tả đồ dùng học tập: ( Tuần 8, lớp 2)
HS có thể viết câu mở đoạn như sau:
+ Em có một hộp màu rất đẹp.
+ Chiếc bút mực là món quà mẹ tặng cho em.
+ Cuối năm học, em được cô giáo tặng một chiếc hộp bút.
b) Viết các câu triển khai:
Các câu triển khai trong đoạn nhằm kể (tả) về đối tượng: Có thể dựa theo gợi ý, mỗi gợi ý có thể diễn đạt 2 đến 3 câu tùy theo NL viết của HS.
Ví dụ: Kể về một giờ ra chơi ở trường em (Tuần 11, lớp 2).
HS có thể viết:
HS1: Sân trường em rất náo nhiệt trong giờ ra chơi. Các bạn học sinh thường chơi nhảy dây, đá cầu, đuổi bắt. Em thích nhất chơi trò đuổi bắt.
HS2: Em và các bạn chơi nhiều trò rất vui. Một nhóm bạn nam chơi trốn tìm. Các bạn nữ chơi nhảy dây dưới bóng mát của cây bàng. Em rất thích nhảy dây cùng bạn Linh. Sợi dây lên xuống nhịp nhàng, ai cũng nhảy giỏi. Càng chơi, không khí càng vui, vòng tròn lại rộng thêm ra.
Ví dụ: Tả đồ dùng học tập (Tuần 8, lớp 2)
HS có thể viết:
HS1: Vỏ bên ngoài của chiếc bút làm bằng nhựa. Nó có màu hồng, in hình một chú thỏ. Nắp bút có thể mở ra đóng vào rất tiện. Ngòi của chiếc bút có hình tam giác. Ruột bút bên trong làm bằng cao su. Chiếc bút đã giúp cho em viết chữ đẹp hơn.
HS2: Hộp màu có lớp vỏ hình chữ nhật, xinh xắn. Bên ngoài hộp có in hình chú mèo máy đô - rê - mon. Bên trong hộp gồm có mười hai màu được xếp ngay ngắn. Màu nào cũng đẹp và tô rất mịn.
Câu kết đoạn thường nói lên suy nghĩ, tình cảm của người viết về đối tượng được nêu trong bài hoặc nêu ý nghĩa, ích lợi của đối tượng đó đối với cuộc sống, với mọi người.
Ví dụ: Kể về một giờ ra chơi ở trường em (Tuần 11, lớp 2).
HS có thể viết:
+ Em rất thích giờ ra chơi ở trường em.
+ Giờ ra chơi giúp em thư giãn sau hai tiết học. Em thích giờ ra chơi lâu hơn để em vui đùa cùng các bạn.
Ví dụ: Tả đồ dùng học tập (Tuần 8, lớp 2)
HS có thể viết:
+ Chiếc bút mực là một đồ dùng không thể thiếu của em khi đi học. + Hộp màu đã giúp em vẽ được những bức tranh đẹp trong giờ Mĩ thuật.
Để HS viết được những câu văn hay, GV đưa ra những dạng bài tập chọn từ, viết câu để HS thực hành trong các giờ học tăng cường Tiếng Việt hoặc linh hoạt trong các giờ học chính khóa.
Dưới đây là sơ đồ khái quát một số dạng bài tập rèn cho HS cách diễn đạt câu văn hay hơn, có hình ảnh hơn mà người viết muốn đề cập tới:
Dạng 1: Thêm thành phần cho câu
Trong đoạn văn, HS chỉ sử dụng câu đơn thì sẽ vô cùng nhàm chán và đơn điệu. HS mới học lớp 2, GV nên hướng dẫn các em viết thêm những cụm từ chỉ thời gian, địa điểm, nguyên nhân để cho câu văn thêm chi tiết hơn. Ví dụ như các câu có thành phần phụ trả lời cho câu hỏi Khi nào?;Ở đâu?;Vì sao?;Để làm gì?; Bằng gì?;...
Ví dụ :
HS viết câu GV có thể hỏi thêm để giúp HS mở rộng câu
- Mẹ tặng em một con búp bê rất đẹp.
- Em khỏi ốm rất nhanh.
- Vào dịp nào mẹ tặng em một con búp bê rất