Tiến trình tổ chức các hoạt động trên lớp

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ rèn kĩ năng viết đoạn văn ngắn theo hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh lớp 2 (Trang 93 - 97)

Trước khi tiến hành thực nghiệm, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi một số vấn đề liên quan đến nội dung thực nghiệm với các GV ở các lớp thực nghiệm và lớp đối chứng. Đồng thời, chúng tôi phát các tài liệu có liên quan đến phần thực nghiệm (nội dung các biện pháp được xây dựng) cho GV của lớp thực nghiệm. HS các lớp thực nghiệm và đối chứng làm một bài kiểm tra đầu vào. Việc thực nghiệm được tiến hành ở hai lớp 2 thuộc hai trường. Ở mỗi trường bao gồm 01 lớp thực nghiệm và 01 lớp đối chứng. Lớp thực nghiệm do GV chủ nhiệm trực tiếp giảng dạy theo các biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn ngắn theo hướng phát triển NLGT trong đề tài, còn lớp đối chứng vẫn học bình thường. Sau thời gian thực nghiệm, chúng tôi cho HS các lớp thực nghiệm và lớp đối chứng làm bài kiểm tra đầu ra với đề bài như nhau. Chúng tôi dựa trên kết quả so sánh hai bài kiểm tra, kết hợp với các biện pháp đánh giá khác để bước đầu rút ra kết luận. Kế hoạch thực nghiệm được tiến hành cụ thể theo tiến trình như sau:

Tiến trình tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp được xác định từ khi GV và HS bắt đầu tiến hành một tiết học trong khoảng thời gian 35 phút. Các bước tổ chức các hoạt động dạy học vận dụng biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn ngắn cho HS theo định hướng phát triển NLGT phải đảm bảo các yêu cầu về mặt logic giữa các thành phần của bài học. Dưới đây, chúng tôi triển khai các bước lên lớp trong một tiết học:

- Hoạt động mở đầu (khoảng 2-3 phút): GV có thể cho HS hát và vận động một bài để các em thấy phấn khởi, vui vẻ khi bắt đầu bài học. Từ đó

khéo léo kết nối vào bài học sao cho tự nhiên mà vẫn kích thích trí tò mò, sự ham hiểu biết cái mới của HS.

- Tổ chức các hoạt động thực hành (khoảng từ 25 đến 28 phút):

Trong khoảng thời gian này, GV phải dành phần lớn thời gian cho các hoạt động của HS, chủ yếu là các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm. Tùy từng nhóm bài tập mà GV có cách tổ chức hoạt động thực hành khác nhau. Còn đối với các kiểu bài tập thực hành luyện viết đoạn, quy trình GV hướng dẫn HS thường theo những bước sau:

Bước 1: Xác định yêu cầu bài. Ở bước này, GV yêu cầu HS đọc đề bài đã cho để xác định xem yêu cầu đề bài là gì, nội dung đoạn văn về chủ đề gì? GV phải giúp HS định hướng đúng về đối tượng đoạn văn mình viết ( Nói viết về ai ? Đối tượng nào? Sự vật hay sự việc nào cần nói và viết? Viết mấy câu ? Viết với tình cảm như thế nào?) Điều đó rất quan trọng để các em viết được đoạn văn hoàn chỉnh.

Phương pháp chủ yếu dùng trong bước này là phương pháp hỏi đáp thông qua hệ thống câu hỏi có tính chất dẫn dắt, gợi mở của GV để HS nêu được vấn đề nhằm nắm được yêu cầu của đề bài cho. GV gạch chân các cụm từ trọng tâm của đề bài để HS lưu ý.

Bước phân tích yêu cầu của bài từ phía HS là bước rất quan trọng, GV không nên làm hộ HS.

Bước 2: Định hướng học sinh viết

+ Hướng dẫn học sinh sắp xếp ý.

Với những bài kể về những sự việc, hoạt động được chứng kiến tham gia GV nên gợi ý HS trước tiên phải giới thiệu về sự việc, hoạt động (Sự việc, hoạt động đó là gì; diễn ra khi nào; ở đâu). Tiếp theo, HS kể lại sự việc, hoạt động đó một cách cụ thể hơn, nêu những chi tiết nổi bật và cuối cùng là suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Đối với loại bài giới thiệu, tả đồ vật: Đầu tiên, GV cần gợi mở cho HS giới thiệu đồ vật định tả. Tiếp theo, HS viết về hình dạng, màu sắc, chi tiết nổi bật của đồ vật đó. Cuối cùng, HS phải nêu được tình cảm của bản thân đối với đồ vật ấy.

+ Hướng dẫn học sinh phát triển thành đoạn văn: Ở bước này, GV nên chuẩn bị một số tình huống về cách dùng từ, diễn đạt, sắp xếp ý theo một số cách liên kết phù hợp với nội dung đoạn viết để HS vận dụng viết bài. GV hướng dẫn HS lập ra các ý, hiểu cách diễn đạt câu, liên kết câu sao cho logic, thể hiện sự sáng tạo: có thể mở rộng từ một câu viết thành hai câu hay hướng dẫn ghép hai câu thành một câu. Lưu ý cách diễn đạt sao cho thoát ý.

Bước 3: Học sinh viết bài vào vở

Bước 4: Chấm bài - chữa lỗi.

- GV chấm và chữa một số lỗi cơ bản (từ, câu, ý).

- GV đọc đoạn văn mẫu mà GV đã chuẩn bị hoặc cho HS đọc các bài viết tốt để HS khác tham khảo và học tập. Khai thác những cái hay cái đẹp trong bài, giúp HS phát hiện ra cách viết sáng tạo của bạn.

Để kiểm tra xem sản phẩm đoạn văn đúng nội dung chưa, diễn đạt có dễ dàng, rõ nghĩa không, cách dùng từ có gì hay và có đạt được đích của giao tiếp không, GV cần phải có thao tác đánh giá. GV nên định hướng cho HS nhận xét bạn bằng các tiêu chí cụ thể trong bảng tiêu chí đưa lên màn hình.

- Nhận xét tiết học(khoảng 2 đến 3 phút): GV hỏi HS tiết học hôm nay các em đã thực hiện được nội dung gì? GV nhận xét chung về những gì các em đã thực hiện được cũng như chưa được trong tiết học, khen ngợi những cá nhân có ý thức tích cực trong giờ học và dặn dò các em chuẩn bị bài học mới.

Nhìn chung, đây là các bước cơ bản để GV theo đó xây dựng các hoạt động học tập của mình. Các bài Luyện viết đoạn đa phần được xây dựng theo hướng hai bài tập: bài tập luyện nói và bài thực hành viết đoạn. GV có thể linh hoạt hướng dẫn HS khai thác ý, cách dùng từ ngay từ lúc luyện nói để HS viết văn được hiệu quả.

Kế hoạch thực nghiệm được tiến hành cụ thể theo tiến trình như sau:

* Cho HS làm bài kiểm tra lần 1.

Để đạt được mục đích thực nghiệm đã đề ra, chúng tôi tiến hành kiểm tra lần 1 để kiểm tra thực trạng viết đoạn văn của HS trước khi tiến hành thực

nghiệm. Nội dung bài kiểm tra hướng vào kiểm tra xem HS có xác định đúng nội dung đề bài, cách triển khai ý, dùng từ đặt câu của các em có tạo thành một đoạn văn đúng về nội dung và hình thức.

* Dạy các tiết đã chuẩn bị (kế hoạch bài học, giáo án) trên cơ sở kết hợp các biện pháp được xây dựng, đề xuất.

Đây là giai đoạn quan trọng trong quá trình thực nghiệm. Trong bước này nhiệm vụ của mỗi lớp như sau:

- Lớp đối chứng: GV tiến hành giảng dạy giáo án theo khung chương trình chung của Bộ giáo dục và đào tạo.

- Lớp thực nghiệm: GV dạy bài như lớp đối chứng nhưng lồng ghép vào trong đó các hoạt động có sử dụng các biện pháp được đề xuất nhằm rèn kĩ năng viết đoạn văn cho HS theo hướng phát triển NLGT.

- Định hướng thiết kế giáo án thực nghiệm được xác định từ việc lựa chọn bài dạy thực nghiệm nội dung Luyện viết đoạn lớp 2. Giáo án dạy cho lớp thực nghiệm phải được xây dựng dựa theo hướng vận dụng các biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn theo hướng phát triển NLGT đã được xây dựng trong đề tài. Việc vận dụng biện pháp nào là phụ thuộc vào từng tiết dạy cụ thể. GV có thể vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp vào trong cùng một tiết dạy để đạt được hiệu quả giảng dạy cao nhất cho tiết học đó. Ngoài ra, việc chọn biện pháp nào ở đề tài vào trong tiết dạy còn phụ thuộc và trình độ nhận thức của HS trong các lớp được chọn thực nghiệm và phụ thuộc vào sở trường giảng dạy của các GV trong các lớp được chọn thực nghiệm.

* Cho HS làm bài kiểm tra lần 2

Sau thời gian thực nghiệm, chúng tôi tiến hành cho HS làm bài kiểm tra lần 2 để đánh giá kết quả bước đầu tính khả thi của các biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn theo định hướng phát triển NLGT.

* Thống kê, tổng hợp phân tích kết quả thực nghiệm * Nhận xét, kết luận về TN sư phạm.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ rèn kĩ năng viết đoạn văn ngắn theo hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh lớp 2 (Trang 93 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)