2.2.1.1. Biên tập viên với đất nước, Tổ quốc, nhân dân
Khái niệm “trung” có nguồn gốc từ Nho giáo, trong đó “trung” được hiểu là “trung quân”, tức là trung với vua chúa. Trung quân là “ái quốc”. Song, khái niệm này đã được Hồ Chí Minh dân tộc hoá, làm nó trở nên gần gũi và ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam. Theo Người, trung được hiểu là trung với nước, với Tổ quốc, có lòng yêu nước sâu sắc. Như vậy, quan niệm về trung của Hồ Chí Minh cao và rộng hơn quan niệm về trung trước đây.
Với tư cách là thành viên của một đất nước, được nuôi dưỡng bằng văn hoá vật chất và tinh thần của đất nước, biên tập viên phải có thái độ trân trọng, yêu quý quê hương, đất nước, cội nguồn đã sinh ra mình. Đó còn là thái độ và trách nhiệm của biên tập viên trước đất nước và vì lợi ích của đất nước. Biên tập viên trung thành vô hạn với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước tức là phải luôn có ý thức làm cho đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, biên tập viên trung với nước là trung với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, có tinh thần đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trước những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước như: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh
thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…, biên tập viên không những góp phần làm lành mạnh hoá đời sống xã hội mà còn tham gia vào việc tìm tòi, phát hiện những con đường, phương pháp hợp lý nhằm giải quyết các nhiệm vụ của thực tiễn đất nước, góp phần củng cố và xây dựng niềm tin trong xã hội.
Biên tập viên trung với nước cũng có nghĩa là không được làm gì tổn hại đến lợi ích chung của đất nước. Đồng thời, biên tập viên phải đấu tranh không khoan nhượng, chống lại mọi hành vi làm tổn hại lợi ích đất nước. Thời gian qua, đa số biên tập viên luôn là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng vừa góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường dân tộc vừa đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, những thế lực thù địch đang ngày đêm chống phá cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
- Nước là nước của dân, dân là chủ của đất nước. Trung với nước thực chất là trung với dân, vì lợi ích của nhân dân bởi trong một nước “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” và “từ nhân dân
mà ra”.
Xuất bản cách mạng Việt Nam do Hồ Chủ tịch sáng lập luôn là nền xuất bản của dân và vì lợi ích nhân dân mà phục vụ. Phụng sự nhân dân - đó là tâm nguyện, cũng là trách nhiệm của mỗi biên tập viên chân chính. Đây được coi là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp có vai trò quyết định sự thành công hay thất bại trong hoạt động nghề nghiệp của biên tập viên.
Làm xuất bản nói chung, làm biên tập nói riêng không chỉ là một nghề đơn thuần, mà còn là một sứ mệnh, vì những người làm nghề này, chính họ là bộ lọc đầu tiên, cũng đồng thời là những người gác cổng thông tin định hướng. Cho nên, họ phải cần nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công
dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của mình, bởi đây là yếu tố trọng tâm để giúp họ có thể vững tay và tự tin trong quá trình tác nghiệp, hành nghề. Đạo đức biên tập viên có vai trò hết sức quan trọng và ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội, do vậy công tác đào tạo về đạo đức nghề biên tập cần phải được siết chặt hơn nữa tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành xuất bản và cần phải làm thường xuyên, bền bỉ tại các nhà xuất bản. [30]
2.2.1.2. Biên tập viên với Đảng Cộng sản
Xét về bản chất, mối quan hệ giữa biên tập viên và Đảng Cộng sản là mối quan hệ chính trị chứ không phải quan hệ đạo đức. Nhưng gắn với đặc thù của nước ta, mối quan hệ này không đơn thuần là quan hệ chính trị.
Mục tiêu của Đảng ta là vì hạnh phúc của nhân dân. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là ý thức và tình cảm đạo đức của mỗi người cộng sản. Đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là sự thể hiện lý tưởng đạo đức cộng sản chủ nghĩa cao cả. Đúng như Lênin nói: Cái gì phục vụ cho thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, cái ấy là đạo đức. Vì vậy, khi nói đến quan hệ giữa biên tập viên với Đảng thì không chỉ dừng lại ở khía cạnh chính trị mà đó còn là đạo đức. Mối quan hệ với Đảng Cộng sản yêu cầu biên tập viên không chỉ gắn bó và phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, tích cực trong việc truyền bá mọi chủ trương, đường lối của Đảng mà còn góp phần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng luôn giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
Mối quan hệ này cũng yêu cầu biên tập viên tích cực tham gia vào việc đấu tranh làm trong sạch hàng ngũ của Đảng; đấu tranh chống các biểu hiện tham ô, quan liêu, nhũng nhiễu… trong Đảng; phê phán, uốn nắn các nhận thức lệch lạc, tiêu cực trong nội bộ Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, vươn lên ngang tầm với nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, biên tập viên phải tích cực tham gia đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử chống đối bên trong Đảng. [30]