2.2.3.1. Trong công tác tổ chức, khai thác bản thảo
Theo nguyên lí về quan hệ giao tiếp thì mỗi văn bản bản thảo là một đơn vị giao tiếp được tác giả sử dụng làm phương tiện truyền đạt những nội
dung thông tin, nội dung tri thức nhất định tới người đọc. Theo đó, kênh giao tiếp giữa "tác giả-độc giả" được thiết lập gián tiếp thông qua văn bản. Từ đó có thể nhận thấy vị trí của biên tập viên được xác định như là một vị trí trung gian giữa hai thực thể giao tiếp đó. Kết quả biên tập của biên tập viên đối với
bản thảo một mặt phản ánh năng lực, trình độ biên tập của biên tập viên đến đâu, mặt khác nó cũng toát lên thái độ và tình cảm của biên tập viên đối với tác giả.
Trong công tác biên tập, việc khai thác, lựa chọn, tổ chức bản thảo là khâu đầu tiên quan trọng để có nguồn bản thảo cho quá trình sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm chủ yếu do biên tập viên phải đảm nhiệm. Họ phải hiểu và nắm chắc các phương thức tạo nguồn bản thảo để xây dựng kế hoạch đề tài, tổ chức cộng tác viên, khai thác bản thảo từ thị trường, qua các đối tác liên kết… Để làm tốt công việc, ngoài những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, vốn hiểu biết xã hội, năng lực kinh doanh… thì sự say mê công việc, chuyên tâm vào công việc thể hiện ở sự nhạy cảm nghề nghiệp cũng như tác phong làm việc nghiêm túc là biểu hiện rõ đạo đức nghề của người biên tập. Nhất là trong các phương thức khai thác bản thảo từ hình thức tự xuất bản và qua liên kết xuất bản. Đây là những phương thức đòi hỏi biên tập viên phải thực sự có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị, năng động, nhạy bén, sáng tạo trong tác nghiệp… nhưng cũng đòi hỏi họ phải vượt qua những cám dỗ về vật chất đơn thuần, làm sách theo lối chộp giật, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả để nhằm thu được nhiều lợi nhuận; từ đó dễ dẫn đến tiêu cực, xa rời và bỏ qua vai trò, nhiệm vụ cao cả là người gác cổng văn hóa của Đảng.
2.2.3.2. Trong công tác biên tập bản thảo
Trong các nhà xuất bản, công tác biên tập bản thảo được thực hiện theo một quy trình với nhiều công việc cụ thể để cho ra đời một bản thảo đã được sửa chữa, hoàn thiện và nâng cao chất lượng để chuẩn bị chuyển sang khâu sản xuất tiếp theo. Đây là khâu quan trọng quyết định sự ra đời các sản phẩm văn hóa tinh thần phục vụ nhu cầu đọc của xã hội, thể hiện cao nhất yêu cầu về nhiệm vụ và quyền hạn đối với biên tập viên. Điều đó đã được quy định rõ
trong Luật Xuất bản 2012 (Điều 19), trong công việc thẩm định, biên tập bản thảo, họ có quyền được từ chối biên tập bản thảo nội dung có dấu hiệu vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản; không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo nhà xuất bản và pháp luật về những nội dung bản thảo đã biên tập… Điều này xuất phát từ chính giá trị nội dung các xuất bản phẩm mà biên tập viên là người trực tiếp tham gia vào sản xuất và cung cấp cho xã hội, trong đó một yêu cầu quan trọng đối với họ là không được phép tạo ra sản phẩm kém phẩm chất hoặc độc hại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các biên tập viên luôn có thái độ cầu thị, phát huy tối đa trình độ, khả năng và năng lực làm việc, cẩn thận, tỉ mỉ, nghiêm túc và làm việc khoa học… nhằm phát hiện và giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề phát sinh trong công tác biên tập để cho ra đời những tác phẩm ngày càng hoàn thiện với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đọc của xã hội và đạt hiệu quả kinh tế, hạn chế cao nhất những sản phẩm kém chất lượng và độc hại cho người đọc cũng như hạn chế tối đa những thiệt hại về tinh thần và vật chất cho nhà xuất bản. Và đó chính là biểu hiện rõ rệt của phẩm chất và đạo đức nghề của biên tập viên.
Bản thảo tác phẩm là sản phẩm trí tuệ sáng tạo riêng của tác giả, nhưng để trở thành xuất bản phẩm cần phải trải qua khâu lựa chọn, gia công, chỉnh lí của biên tập viên để có thể đưa vào khâu sản xuất vật chất thành sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đọc của xã hội. Trong quá trình sản xuất và tiêu dùng xuất bản phẩm đó, biên tập viên là người đại diện cho nhà xuất bản làm nhiệm vụ trung gian tạo mối liên hệ giữa tác giả và độc giả, góp phần phát huy tác dụng của các sản phẩm văn hóa tinh thần trong xã hội. Để làm tốt nhiệm vụ này, biên tập viên ngoài việc phải hiểu và nắm được các quy định của luật, để xử lí và bảo vệ các quyền của tác giả trong quan hệ hợp tác, đồng
thời phải thể hiện tinh thần tôn trọng tác giả, tạo những điều kiện tốt nhất về tinh thần và vật chất để động viên, khuyến khích các tác giả yên tâm phát huy mọi khả năng sáng tạo để công bố, phổ biến tác phẩm. Tinh thần, thái độ và ý thức trách nhiệm cao trong các quan hệ với tác giả của biên tập viên chính là niềm tin tạo ra sự hợp tác quan trọng của tác giả với nhà xuất bản, từ đó tạo điều kiện để nhà xuất bản hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải những tri thức quý giá từ tác giả đến người đọc và xã hội, góp phần khơi thông và nuôi dưỡng dòng chảy văn hóa cho dân tộc.
Với nội dung bản thảo, biên tập viên cần tuân thủ quy tắc tôn trọng suy nghĩ, lập luận, bố cục, văn phong của tác giả. Biên tập viên không được dựa vào đặc quyền của mình mà buộc tác giả phải chỉnh sửa theo yêu cầu của mình. Biên tập viên phải có sự bàn bạc, trao đổi, thảo luận với tác giả khi có sự thay đổi đáng kể trong bản thảo. Đương nhiên, biên tập viên cũng có chính kiến của mình, có thể không thể đồng ý với tất cả những gì mà tác giả đề xuất. Có những trường hợp tác giả là người cố chấp, nhất quyết khăng khăng giữ ý kiến của mình thì đòi hỏi biên tập viên phải kiên trì thuyết phục. - Đối với bất cứ loại bản thảo nào mang đến nhà xuất bản, biên tập viên cũng phải tuân theo các quy định về thủ tục hành chính mà cả nguyên tắc ứng xử đạo đức. Đó là thái độ ân cần, chu đáo tiếp đón tác giả. Đối với những bản thảo không thể sử dụng được thì biên tập viên phải có trách nhiệm kịp thời trả lời tác giả với thái độ trân trọng, cầu thị, tế nhị giải thích lý do và đưa ra những lời khuyên, góp ý chân thành với tác giả nhằm hoàn thiện hoặc viết lại tác phẩm. Công việc đó của biên tập viên vừa giúp cho tác giả tự tin để có những bước đi tiếp theo nhằm tiếp tục cộng tác với nhà xuất bản, vừa tăng cường lòng tin, sự mến mộ của cộng tác viên, thông tin viên đối với cơ quan xuất bản. Đó là sự biểu hiện sinh động về mối quan hệ đạo đức nghề nghiệp giữa biên tập viên và nhà xuất bản với tác giả cũng như các đối tác khác. Ngoài quan hệ đạo đức buộc biên tập viên phải có ứng xử một cách có
văn hoá với tác giả, đây còn là cơ hội tốt để nâng cao uy tín và sự yêu mến, sự tín nhiệm và gắn bó của họ đối với nhà xuất bản. Sẽ là sự vi phạm thô bạo nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khi biên tập viên biên tập bản thảo của cộng tác viên lại kể công và đòi đứng tên cùng tác giả, hơn nữa, đó còn là sự vi phạm bản quyền tác giả.
Để có một xuất bản phẩm đạt chất lượng về nội dung, hình thức và đến được với độc giả, ngoài những hiểu biết về thị trường, đối tượng độc giả mà sách hướng tới…, biên tập viên phải bỏ ra rất nhiều công sức để biên tập, chỉnh lí, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng bản thảo. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cơ bản nhất của biên tập viên; đây cũng là lúc họ có thể phát huy cao nhất trình độ chuyên môn, kĩ năng biên tập và tư duy sáng tạo của mình, đồng thời, cũng là lúc họ thể hiện sự nhạy cảm chính trị, khả năng xử lí linh hoạt trước những diễn biến chính trị để giải quyết các công việc cụ thể trong khâu biên tập bản thảo và quan hệ với tác giả…; ngoài ra, với tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, kĩ càng, cẩn thận, họ có thể hạn chế cao nhất sự tắc trách, cẩu thả. Tuân thủ nghiêm quy trình biên tập là thể hiện cao độ ý thức và trách nhiệm của biên tập viên trong công việc. Không ngừng đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của độc giả bằng những sản phẩm có chất lượng với thái độ cầu thị, nghiêm túc của đội ngũ biên tập viên là thể hiện rõ nhất đạo đức nghề nghiệp mà họ luôn vươn tới.
Trong quá trình biên tập, bản thảo nào cũng có thể có những thiếu sót, những hạt sạn cần được nhặt đi. Trong đó, có những lỗi về học thuật, nhưng lại có lỗi về bố cục, về văn phong…, thậm chí có những lỗi về quan điểm chính trị, tư tưởng liên quan, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của tác giả. Lúc này rất cần một thái độ chính trị và động cơ đạo đức của biên tập viên trong việc xử lý tình huống. Giữ được danh dự, uy tín cho tác giả hay ngược lại, tất cả đều phụ thuộc vào động cơ, thái độ của biên tập viên. Thái độ đó được thể
hiện qua kết quả biên tập bản thảo. Chất lượng bản thảo phản ánh trình độ, năng lực, thái độ và ý thức nghề nghiệp của biên tập viên. Nói một cách khái quát, nó thể hiện cả cái tâm, cái tầm cũng tức là tài năng và đạo đức của biên tập viên. Một con sâu làm rầu nồi canh, người ta có thể đổ đi để nấu nồi canh khác, nhưng một tác phẩm vi phạm đạo đức nghề nghiệp không những gây hậu quả xã hội to lớn mà còn khó có thể lấy lại được danh dự và uy tín của cơ quan báo chí, nền báo chí, nhà xuất bản đối với công chúng xã hội.
Những sai phạm trong các xuất bản phẩm trong thời gian vừa qua đã bị báo chí và dư luận xã hội phanh phui, trước hết thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo các nhà xuất bản đó, sau đó là ý thức trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của biên tập viên. Nếu đội ngũ biên tập viên, giám đốc của một nhà xuất bản có trách nhiệm trong việc kiểm soát và theo dõi sát sao từng bản thảo và kiên quyết từ chối xuất bản những tác phẩm kém chất lượng thì sẽ không có chuyện sai sót xảy ra. Nhất là, nếu các biên tập viên không am hiểu luật pháp và thiếu ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình thì sai phạm có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ khâu nào trong quá trình tác nghiệp.
2.2.3.3. Trong hoạt động phát hành
Trong hoạt động xuất bản, có lẽ biên tập là công việc phức tạp và đòi hỏi ở người làm nhiều điều về kiến thức, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh và kinh nghiệm. Biểu hiện rõ nhất của đạo đức nghề nghiệp trong khâu kinh doanh xuất bản phẩm là đạo đức kinh doanh. Trong lĩnh vực phát hành, ở những cơ sở chuyên sâu đào tạo nhân lực có trình độ cử nhân cho ngành phát hành cũng chưa có môn học đạo đức nghề nghiệp của chuyên ngành đó. Người ta có thể coi đạo đức người phát hành chính là đạo đức kinh doanh, khi xuất phát từ quan niệm cho rằng phát hành sách nói riêng, xuất bản phẩm nói chung là một ngành kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ đặc điểm công việc kinh doanh xuất bản phẩm thì cần thấy một đặc điểm của chính nghề đó. Kinh doanh sách đôi khi là chỉ
là hoạt động phát hành thuần túy với ý sách là một thứ phi hàng hoá và kinh doanh sách theo đó, đôi khi cũng là kinh doanh phi lợi nhuận. Bởi phát hành xuất bản phẩm là việc đưa sản phẩm văn hoá tinh thần đến cho xã hội. Nhưng hiện nay tình trạng in lâu, phát hành sách ngoài luồng, sách vi phạm pháp luật đang tràn lan. Tình trạng này đặt trước ngành phát hành nói chung, những người kinh doanh xuất bản phẩm nói riêng sự lựa chọn: vì mục tiêu kinh tế, chạy theo lợi nhuận hay hiệu quả xã hội hay nói không với sách lậu. Phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm vi phạm pháp luật chính là hoạt động tiếp tay kẻ xấu, vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ở đây rất cần ở những người làm công việc này một lương tâm kinh doanh, một ý thức nghề nghiệp, một trách nhiệm xã hội.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm, hiệu quả chính trị, xã hội và hiệu quả kinh tế luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, do đó, lợi ích trong hoạt động xuất bản bao gồm cả lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội và lợi ích kinh tế. Điều đó cho thấy các quan hệ lợi ích trong hoạt động xuất bản rất đa dạng và phức tạp, chúng đan xen nhau do tính chất, đặc điểm và chức năng của hoạt động xuất bản chi phối. Việc xử lí mối quan hệ này thế nào trong thực tiễn do nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự nỗ lực của mỗi nhà xuất bản trên cơ sở tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ và những quy định của Nhà nước. Trong hoạt động sản xuất đó, biên tập viên là những người đại diện cho nhà xuất bản để thực hiện và giải quyết các quan hệ lợi ích này, trong đó bao hàm những biểu hiện đạo đức và trách nhiệm đối với công việc mà họ đảm nhiệm. Trên thực tế của hoạt động xuất bản, chủ thể lợi ích được thể hiện đa dạng, ở các cấp độ khác nhau, trong phần này chỉ đề cập đến chủ thể lợi ích là tác giả, độc giả và nhà xuất bản.
Cạnh tranh là quy luật của kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm của nhà xuất bản tất yếu bị quy luật này chi phối, đặc biệt tính cạnh tranh được thể hiện rõ trong các quan hệ liên kết giữa nhà xuất
bản với các đối tác ngoài xã hội. Trên thực tế, việc liên kết được pháp luật thừa nhận đã mở rộng cả về đối tượng và hình thức liên kết tạo nên các mối quan hệ đa dạng, nhiều chiều với các xu hướng khác nhau trong tất cả các khâu của hoạt động xuất bản. Những kết quả mà các nhà xuất bản và ngành thu được những năm qua có sự đóng góp quan trọng của hoạt động liên kết.
Tuy nhiên, hiện tượng “thương mại hóa”, chạy theo lợi nhuận đơn thuần, bỏ qua chức năng chính trị, tư tưởng, văn hóa…ngày càng gia tăng ở một bộ phận biên tập viên, thể hiện ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chưa cao, lại bị khuynh hướng “thương mại hóa” chi phối đã để cho sự cám dỗ về kinh tế đơn thuần lôi kéo, vì tiền có thể làm tất cả, bỏ qua mọi nguyên tắc, quy trình biên tập… Vì vậy, hơn lúc nào hết, trong hoạt động tác nghiệp, những biên tập viên có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, biết đặt lợi ích xã hội lên trên hết, làm việc có lương tâm và trách nhiệm để góp phần tạo ra cho xã hội những xuất bản phẩm có chất lượng, ngăn ngừa cao nhất những sản phẩm kém chất lượng hoặc độc hại… chính là đội ngũ lao