Biểu hiện đạo đức btv qua các mối quan hệ trong môi trường công tác

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức biên tập viên xuất bản ở nước ta hiện nay (Trang 50 - 54)

công tác

2.2.2.1. Các mối quan hệ công tác

* Biên tập viên với nhà xuất bản

Sản phẩm xuất bản là sản phẩm mang tính tập thể. Vì vậy, khi biên tập viên tham gia vào một cơ quan xuất bản tức là anh ta đã trở thành một bộ phận của tập thể và lãnh một trách nhiệm nhất định trong tập thể đó. Điều này đòi hỏi biên tập viên phải tuân theo những quy định, chấp hành những đường lối, chủ trương của lãnh đạo nhà xuất bản, đi đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản. Đấy chính là quan hệ đạo đức giữa cá nhân biên tập viên với ban biên tập, với lãnh đạo nhà xuất bản của mình. Các mối quan hệ này cũng là những áp lực đối với biên tập viên. Nền tảng của mối quan hệ này là sự thống nhất quan điểm tư tưởng, trách nhiệm và mục tiêu chung về hoạt động xuất bản.

Mặt khác, trong hoạt động sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm thương hiệu là tài sản quý giá nhất đối với mỗi nhà xuất bản. Bởi lẽ, với hàng hóa xuất bản phẩm, thương hiệu của nhà xuất bản có tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Việc lựa chọn một cuốn sách hay, có chất lượng của một nhà xuất bản có uy tín, hay của một tác giả xuất sắc, một biên tập viên giàu kinh nghiệm…sẽ cung cấp cho mỗi độc giả có một nền tảng tri thức to lớn, phong phú, giúp họ có được những thông tin hữu ích, những hành trang cần thiết trong cuộc sống… Có thể nói, một nhà xuất bản có thương hiệu tốt trên thị trường là đơn vị được độc giả và các đối tác tin cậy vào chất lượng của từng xuất bản phẩm mà nhà xuất bản đưa đến bạn đọc. Điều đó tạo nên sức cạnh

tranh của nhà xuất bản trong cơ chế thị trường, bởi vì sức cạnh tranh phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng xuất bản phẩm. Trong khi đó, chất lượng xuất bản phẩm lại phụ thuộc nhiều vào công tác biên tập, vào sự cố gắng không ngừng với lương tâm, trách nhiệm, đạo đức làm nghề và tình yêu thương con người, trách nhiệm trước bạn đọc và xã hội của đội ngũ biên tập viên. Tất cả những điều đó tạo nên tính chuyên nghiệp trong công việc của biên tập viên, từ đó tạo dựng phong cách chuyên nghiệp của mỗi nhà xuất bản, góp phần đưa hình ảnh, thương hiệu của nhà xuất bản đến gần hơn với bạn đọc và xã hội, trên cơ sở đó, nhà xuất bản thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Do đó, đạo đức nghề nghiệp của biên tập viên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho nhà xuất bản.

Với yêu cầu của công việc và với trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp và để làm tốt công việc được giao, trong mọi công việc, đạo đức biên tập viên được thể hiện hiện rất đa dạng, linh hoạt dưới nhiều khía cạnh khác nhau ở tất cả các khâu trong quy trình xuất bản.

Ở khía cạnh mối quan hệ kinh tế, đạo đức của biên tập viên thể hiện qua ý thức và thái độ của một công chức, viên chức trong việc sử dụng tài sản công: Phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ tài sản chung của cơ quan. Phải chịu trách nhiệm đối với cơ quan khi tài sản, giấy tờ, hồ sơ do mình quản lý bị huỷ hoại, mất mát; không sử dụng tài sản, trang thiết bị như điện thoại, máy vi tính của cơ quan vào việc riêng….

* Biên tập viên với lãnh đạo nhà xuất bản

- Biên tập viên phải chấp hành quyết định của cấp trên; các chỉ đạo, mệnh lệnh, hướng dẫn, nhiệm vụ được phân phải chấp hành nghiêm túc. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ quyền hạn theo quy định. Khi có căn cứ để cho một quyết định nào đó của lãnh đạo trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì

phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

- Có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của cơ quan, đơn vị mình bảo đảm cho hoạt động nhiệm vụ, công vụ đạt hiệu quả. Phải phục tùng sự phân công của cấp trên, tuy nhiên công chức có quyền trình bày những ý kiến hoặc đề xuất việc cần giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình mà những ý kiến đó khác với ý kiến của cấp trên, song việc chấp hành sự chỉ đạo vẫn phải thực hiện khi chưa có kết luận sau cùng. Những ý kiến đó vẫn được bảo lưu.

- Trung thực, thẳng thắn trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến với cấp trên, bảo vệ uy tín, danh dự cho cấp trên. Không được lợi dụng việc góp ý, phê bình hoặc đơn thư nặc danh, mạo danh làm tổn hại uy tín cấp trên. Không nịnh bợ cấp trên để trục lợi. Không quà cáp, biếu xén cấp trên...

* Biên tập viên với đồng nghiệp

Mỗi biên tập viên đều phải cố gắng hoà mình vào tập thể nhưng cũng phải nhìn thấy bản thân mình trong tập thể. Nghĩa là bằng cách nào đó, phẩm chất và năng lực của anh ta phải thích ứng với điều kiện và cơ chế của nhà xuất bản. Sự nhất trí giữa biên tập viên với tập thể lãnh đạo các cấp trong nhà xuất bản trên những vấn đề mang tính nguyên tắc sẽ giúp cho biên tập viên độc lập trong sáng tạo, trở thành người kiên định bảo vệ đường lối chung đã được chấp nhận. Biên tập viên phải coi nhà xuất bản như là gia đình thứ hai của mình.

- Cư xử với đồng nghiệp như anh em một nhà, công tâm và bình đẳng với tất cả mọi người trong công việc và cuộc sống; thấu hiểu chia sẻ khó khăn trong công tác và cuộc sống. Sẵn sàng chia sẻ, gánh bớt công việc cho đồng nghiệp khi cần nhưng vẫn phải bảo đảm công việc được giao và phải báo cáo cấp trên. Khiêm tốn, tôn trọng, chân thành, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng

nghiệp; không nói xấu đồng nghiệp khi không có mặt người đó. Mỗi biên tập viên đều có chính kiến, thái độ, cá tính, kinh nghiệm hay những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Để hợp tác tốt, đòi hỏi biên tập viên phải có ý thức dung nạp và độ lượng với những chính kiến, bất đồng của đồng nghiệp. Đương nhiên, những bất đồng đó không thuộc về nguyên tắc.

- Biên tập viên có trách nhiệm phát hiện việc thực hiện sai phạm hoặc không đầy đủ, không đúng quy định của các cán bộ, công chức khác trong cùng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phản ánh đến cơ quan đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức đó và chịu trách nhiệm cá nhân về những phản ánh của mình. Đây là trách nhiệm của công dân, không thể vì tình đoàn kết trong cơ quan để bao che cho người phạm tội.

- Luôn có thái độ cầu thị, thẳng thắn, chân thành tham gia góp ý trong công việc và cuộc sống. Không ghen ghét, đố kỵ, lôi bè kéo cánh, tạo phe nhóm gây mất đoàn kết nội bộ. Có thái độ lắng nghe, biết tiếp nhận thông tin đóng góp bổ ích có tính chất xây dựng từ đồng nghiệp; đúc kết kinh nghiệp với tinh thần cầu tiến và sự biết ơn chân thành; biết lắng nghe để thấu hiểu khó khăn của đồng nghiệp để có thể hỗ trợ kịp thời. Sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với đồng nghiệp, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ với thái độ cởi mở, chan hòa vì mục tiêu chung.

- Vì mục tiêu chung, biên tập viên luôn thi đua để đạt hiệu quả tốt nhất trong công việc và coi trọng thành công của đồng nghiệp, tránh ganh đua, đố kỵ, bè phái, nói xấu sau lưng đồng nghiệp. Tình đồng nghiệp trong nghề biên tập không loại trừ sự thi đua lành mạnh trong sáng tạo để vươn lên. Tuy nhiên, nó cũng xa lạ với việc tranh giành để đạt được mục đích bằng mọi cách mà bỏ qua những quy tắc thông thường về đạo đức. Trong rất nhiều trường hợp, mối quan hệ đạo đức với đồng nghiệp đòi hỏi biên tập viên phải có kinh nghiệm ứng xử phù hợp.

- Tôn trọng sự riêng tư của đồng nghiệp; không lén đọc thư riêng, email riêng, hình ảnh riêng. Không đồn thổi, không nói lại tin đồn về cá nhân đồng nghiệp. Dù là đồng nghiệp thân nhưng không suồng sã, nói tục trong sinh hoạt, hoặc có những hành vi thiếu văn hoá trong giao tiếp nơi công sở cũng như sinh hoạt hàng ngày.

- Vì xuất bản là sản phẩm mang tính tập thể nên biên tập viên phải hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp của mình (kể cả trong và ngoài nhà xuất bản). Trong một cơ quan xuất bản, mỗi người có một vị trí, một sự phân công công việc rõ ràng và phải tuân thủ sự phân công đó. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, để hoàn thành tốt phần việc của mình, biên tập viên phải trông cậy vào sự giúp đỡ, hậu thuẫn, thậm chí là thay thế của đồng nghiệp. Vì vậy, trong mối quan hệ này, đòi hỏi biên tập viên phải có nghĩa vụ thực hiện tình đồng chí, đồng nghiệp, giúp đỡ lẫn nhau.

Mối quan hệ đạo đức giữa biên tập viên và đồng nghiệp không chỉ bó hẹp trong từng cơ quan xuất bản mà ý thức cố kết, tình đoàn kết, sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau còn phải được thể hiện trong toàn thể cộng đồng biên tập viên, tức quan hệ với biên tập viên ở các nhà xuất bản khác. Đó là sự tương trợ về mặt kĩ thuật hoặc trao đổi những thông tin về nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm.

Một phần của tài liệu Xây dựng đạo đức biên tập viên xuất bản ở nước ta hiện nay (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w