Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu SƠ LƯỢC VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NHỮNG VÙNG TRỜI KHÁC NHAU (Trang 58 - 63)

2. QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN

3.2.1. Không gian nghệ thuật

Trong sáng tác văn học, không gian nghệ thuật luôn là yếu tố quan trọng để tạo nên giá trị, ý nghĩa cho tác phẩm. Quan niệm về không gian nghệ thuật ở từng thời kỳ khác nhau, nó gắn liền với điểm nhìn của nhà văn với những cảm xúc và ý nghĩa nhân sinh. Vì thế, mỗi nhà văn phải khéo léo vận dụng, tạo nên không gian riêng để người đọc thực sự cảm nhận được cuộc sống, tâm tư của nhà văn muốn gởi gấm qua tác phẩm. Và không gian trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trước 1975 thật sự tạo ấn tượng cho người đọc về khung cảnh chiến trường, thao trường huấn luyện, những vùng đất mới được khai hoang, những công trường của ngày đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Không gian nghệ thuật trong những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh thường là không gian hiện thực rộng lớn. Viết về đề tài chiến tranh nên không gian được thể hiện là không gian chiến trường. Dõi theo cuộc hành trình của các nhân vật người đọc có thể biết được vùng đất xa xôi miền biên giới sát nước Lào, đó là vùng bản Pa-khen có dòng suối quanh năm nước chảy trong lòng đất ấm (Nguồn suối) hoặc một làng Đằng có dòng sông Thong ẩn mình trong sương bị xơ xác điêu tàn trước sự tàn phá của giặc, có sức gợi nhớ, gợi thương cho người đi xa (Nhành

mai). Người lính cao xạ lại có mặt tại thị trấn miền Tây Quảng Bình hít thở ngọn

gió Lào nóng rát da, rồi từ giới tuyến ra Quảng Bình, từ Quảng Bình lại vào giới tuyến, từ bờ biển đèo Ngang kéo pháo lên Bãi Hà, từ Bãi Hà kéo pháo xuống đồng bằng bảo vệ đường số Một, có lúc lại ra thẳng đến Hà Nội (Những vùng trời khác

nhau), không gian của người lính lái xe là những con đường miền Tây ngang qua

gầm Đá Xanh “quãng đường dốc, từng mảng rừng, lèn đá, những bãi tranh ngỗn

ngang hố bom” [3, tr. 124] và có cả “con đường thấp hẳn xuống, quanh co, sục lên một thứ bùn quánh nhão nhoét quanh những hố bom cũ và mới” [3, tr. 127] - nơi gặp gỡ tình yêu của những người cùng chung ý tưởng (Mảnh trăng cuối rừng). Không gian chiến trường trong thực tại có khi địa điểm không rõ rệt, mang tính

trừu tượng, chung chung, đó là một vườn trẻ rời thành phố về làng cạnh con đường cái trên đường đi Nam tiến của người lính (Lá thư vui), hay một xóm đạo nghèo ven núi nơi người lính cao xạ dựng trận địa pháo (Người mẹ xóm nhà thờ) hoặc có lúc là doanh trại đại đội đóng tạm tại thành phố (Chuyện đại đội). Nhìn chung, không gian sáng tác của Nguyễn Minh Châu luôn di chuyển, mở rộng không ngừng để tạo nên những bối cảnh bao la, rộng lớn và làm nền cho các sự kiện.

Trong sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu thường chú ý tới bối cảnh thiên nhiên - thiên nhiên gắn với nhân vật và hoạt động của nhân vật. Trong Mảnh trăng cuối rừng, khung cảnh nổi bật được nhà văn chọn lựa là đêm trăng đẹp giữa núi

rừng. Trên cái nền lãng mạn ấy, đôi trai gái không hẹn nhưng có duyên gặp mặt và đi bên nhau giữa đường nét mềm mại, ánh sáng êm dịu ảo mộng: “Gió tây nam xào xạc trên những chỏm rừng, sương mù đùn ra như sữa thỉnh thoảng từ thung lũng vang lên một tiếng chim mơ hồ, xe trôi trong sương bồng bềnh dưới trăng thanh…”[3, tr. 125] Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với không gian yên tĩnh huyền bí tràn ngập chất trữ tình, tạo dựng khung cảnh cho một cuộc tình xuất hiện. Nổi bật nhất là hình ảnh trăng, ban đầu trăng xuất hiện là một mảnh trăng nhợt nhạt, có lúc trăng tinh nghịch, thấm nhiễm vào màn sương… Nhưng vẻ đẹp lãng mạn bừng sáng dưới trăng được biểu hiện khi trăng ùa vào buồng lái. Trăng làm hình ảnh người rạng rỡ, vẻ đẹp tự nhiên thánh thiện của Nguyệt hiện dậy, khuôn mặt cô lồng đầy bóng trăng, từng sợi tóc của cô sáng lên. Và trong không gian rộng bao la của đêm rừng hỏa tuyến, trăng toả xuống thắp sáng đêm trên con đường xe chạy… Nhà văn đã tái hiện được khung cảnh truyện tràn đầy chất thơ và phần lung linh nhất của nó là ánh trăng non nguyên sơ thanh khiết. Đắm mình trong khung cảnh ấy người đọc thấy hiện thực khốc liệt chết chóc bị đẩy lùi. Hiện lên trên trang văn là cả thế giới thiên nhiên Trường Sơn hoang sơ, tinh khiết, huyền bí, thơ mộng. Sức sống bất diệt thiên nhiên không thể bị lụi tàn trước sức mạnh huỷ diệt của

chiến tranh, sức sống và sự thơ mộng ấy cũng chính là vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên, nó hoàn toàn không phải là cảnh trí siêu thoát trên cõi thần tiên mà ngược lại nó rất thực. Không gian Trường Sơn trong tháng ngày khó khăn cũng trở nên thi vị, dịu dàng hơn với ánh trăng trong trẻo trong cảm nhận của Lãm. Hai không gian hoàn toàn tương phản nhau nhưng lại cùng xuất hiện trong Lãm, sự tương phản đó không phá vỡ cấu trúc của truyện mà còn hỗ trợ nhau trong việc tái hiện chân thật cuộc chiến tàn khốc đồng thời cũng khẳng định được vẻ đẹp của niềm tin yêu bất diệt mà con người đang có.

Núi rừng Pa-khen, dòng suối Pa-khen luôn ấm áp tình người là nhân chứng đi vào cuộc chiến ở một vùng biên giới “chúng tôi chưa tới Pa-khen mà núi đã cao

lắm. Mới quá trưa mà sương sa trắng rừng núi. Ban ngày, nhiệt độ xuống dưới không. Ban đêm càng buốt. Nhiệt độ xuống rất thấp nhưng con suối bên đường vẫn chảy rì rầm” [3, tr. 7] và không chỉ có thế, dòng suối cũng là nơi minh chứng

cho tình yêu “sau khu rừng lim già là vách núi đá Pa-khen trần trụi và hùng vĩ,

sương khuya phủ kín thung lũng. Từ trên đầu dốc núi Lào cao ngất và thanh vắng, nguồn suối Pa-khen đỗ trắng xóa” [3, tr. 18], ngọn suối xoáy vào lòng đất mang cả

mối tình đầu mãnh liệt của Ngạn và cô gái Y Kiêu chợt réo như thác. Mối tình mãnh liệt của Lương và Thận (Nhành mai) qua năm tháng được dòng sông Thong làm minh chứng, dòng sông từng gắn bó kỉ niệm của hai người “Ơi! Sông Thong đây rồi!” [3, tr. 26].

Bối cảnh xã hội trong tác phẩm được tái hiện nhằm làm nổi bật cuộc sống của mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có mối quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội, đồng thời cũng thể hiện hoàn cảnh và số phận con người trước những tác động của xã hội đó. Không gian về những năm tháng gian khổ và thử thách vô cùng ác liệt, những đau thương tột cùng mà nhân dân ta phải gánh chịu trước sự tàn bạo điên cuồng của Mỹ và bọn tay sai, dường như đâu đâu chúng cũng có mặt và tội ác

chúng gây ra cho dân tộc ta nơi nào cũng có, đó là khung cảnh của xóm nhà thờ hiu quạnh và cỏn con bị máy bay giặc ném bom (Người mẹ xóm nhà thờ). Thế

nhưng, trong cuộc sống mấp mé giữa cái sống và cái chết, Nguyễn Minh Châu cũng có lòng tin vào những con người, nhìn thấy ở họ lòng yêu đời, mến thương cuộc sống.

Khung cảnh sinh hoạt của những đại đội, những công trường, những vùng kinh tế mới cũng được Nguyễn Minh Châu tái hiện với những không gian riêng. Không gian trong Chuyện đại đội là cái doanh trại ở trong một nhà chứa xe cũ, nơi làm việc được miêu tả rất tỉ mỉ: “Các trung đội chỉ ngăn cách với nhau bằng hai chiếc tủ để súng… Ban chỉ huy đại đội ở một gian con, ngăn ra bằng những tấm phên liếp treo la liệt biểu đồ huấn luyện, khẩu hiệu, tranh vẽ anh bộ đội đứng gác… Một cánh màn gió bằng vải đỏ treo ở cửa ra vào. Bàn giấy đại đội gồm hai chiếc bàn kê liền nhau, bộ ấm chén, phích nước và một chiếc đồng hồ cũ kỹ đặt giữa bàn” [3, tr. 75]. Đó còn là cảnh Thoa cầm đèn pin đi kiểm tra từng giường

ngủ của chiến sĩ, cảnh con trâu của đại đội đẻ được con nghé con. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhân vật của Nguyễn Minh Châu vẫn thích ứng và có thể tạo nên những không gian anh hùng.

Không gian của những con phố Hà Nội được Nguyễn Minh Châu thổi hồn vào làm cho nó nổi bật thêm giữa những ngày xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. “Từ dưới đường phố nhìn lên cao, bầu trời Hà Nội cũng chia thành từng

đường phố, từng cửa ô và lấp lánh như lồng kính [3, tr. 72]. Cái con phố hẹp hiện lên không gian mà Sơn từng sinh sống với “những mảnh tường đứng tựa vào

nhau, những mái nhà mỏng mảnh cao thấp lô nhô, vỉa hè và lòng đường không rải nhựa mà lót toàn một thứ gạch cổ” [3, tr. 72]. Nhà Sơn là ngôi nhà một tầng, núm

cửa sơn đen và bậc thềm gạch xây chìa ra đường. Nguyễn Minh Châu đã cho nhân vật của mình cảm nhận về không gian của thủ đô “đất phù sa sông Hồng chuyền

sang người Lê một cảm giác mát lạnh – “Như thế là mình đã đứng ở đây” – Lê chợt nghĩ một cách thú vị - bên cạnh Hà Nội, cái thành phố Thủ đô mà Sơn từng thân thuộc từng gốc cây, từng mảnh tường và cả từng sắc mây trên nóc phố” [3, tr. 74].

Không gian trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu là không gian về cuộc sống đầy sống động, từng khoảng không gian riêng của đời sống sinh hoạt, không gian khốc liệt của cuộc kháng chiến hòa quyện vào nhau. Từ đó khái quát được không gian rộng lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những nhận thức của con người trong thời đại.

Một phần của tài liệu SƠ LƯỢC VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NHỮNG VÙNG TRỜI KHÁC NHAU (Trang 58 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w