Nghệ thuật sử dụng từ ngữ

Một phần của tài liệu SƠ LƯỢC VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NHỮNG VÙNG TRỜI KHÁC NHAU (Trang 68 - 73)

2. QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN

3.3.1. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ

Nguyễn Minh Châu là nhà văn có tâm huyết với nghề, ông cũng trăn trở trong việc tìm cho mình một cách thể hiện, ông từng ví nhà văn như một người thợ thủ công “bằng một cách thức tài nghệ riêng biệt của mình, đập từng chữ ra để tìm cho được cái nghĩa nguyên thủy của nó, rồi lại bằng một cách thức riêng biệt không có ai giống ai và không thể bắt chước được, đem ghép những con chữ ấy lại với nhau thành câu, thành đoạn, thành chương, Nguyễn Minh Châu tâm sự: “Mỗi nhà văn có một cách viết riêng nhưng cuối cùng và trước hết đó là những con người có một

thứ khả năng đem đến cho ngôn ngữ đời sống một thứ ma lực mà ta gọi là ngôn ngữ văn học, có thể chuyển tải được mọi thứ tình cảm, tư tưởng của mình đến với mọi người. Ngôn ngữ văn học nói chung cũng như câu chữ trong một tác phẩm, nó vừa là hình hài lại cũng vừa là linh hồn của tác phẩm. Làm sao có một linh hồn khỏe mạnh, sáng suốt, cường tráng trong một cơ thể ọp ẹp, già cỗi? Đừng bao giờ quên: mỗi chữ là một hạt của nội dung” [2, tr. 265]. Suốt cuộc đời sáng tác,

Nguyễn Minh Châu đã phấn đấu cho điều này và ông đã thành công.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn có vốn từ tương đối phong phú và ông cũng đã tỏ ra thận trọng, lựa chọn khi sử dụng từ. Từ địa phương được ông sử dụng khéo léo làm cho câu chuyện mang sắc thái riêng gắn liền với từng địa phương. Ông dùng từ “hử” trong câu hỏi của Lê “Cậu quê ở thành phố hử?” [3, tr. 57] để

khẳng định một vùng quê đầy gió Lào – Nghệ An của Lê hay “Bên tê… Bên tê

sông. Chỗ tiếng mái chèo hướng thẳng sang” [3, tr. 63] mang đậm phương ngữ

miền trung hay những là những đặc trưng của người dân miền núi. Đó là những địa danh như Pa-thét, Pa-khen ở vùng cao sát biên giới, và sông “Nậm Mộ và Nậm Na

là hai con sông từ rừng miền Tây đổ về gặp nhau ở ngã ba Cửa Rào, làm thành con sông Lam chảy ra biển” [3, tr. 8], từ những nhánh suối nhỏ không tên làm nên

con sông lớn ở miền Tây Bắc đất nước. Nhiều địa danh của miền Trung nắng gió được tác giả đem vào truyện ngắn Những vùng trời khác nhau tạo nên cái riêng cho tác phẩm: cánh bãi sông Lam, Quảng Bình, bờ biển Đèo Ngang, bãi Hà, đồi Vĩnh Linh, cầu Bùng, cầu Hổ, Hàm Rồng, Nam Định, Phủ Lý, đèo Ngang hay Quán Hầu… đó là những vùng trời mà những người lính pháo thủ đã đi qua và để lại một phần nỗi nhớ, một nửa tâm hồn ở đấy. Hình ảnh miền Bắc cũng hiện ra với những địa danh như sông Sa Lung, đồi Con Rùa, núi K.L.xanh, đồn Phương Xá (Gốc sắn) hay những đô thị ở miền Trung như Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam, Huế, vùng Cầu Hai, Lập An, Hòa Vang. Nhà văn rất có ý thức trong việc lựa chọn ngôn ngữ

của từng vùng miền vừa tạo cho lời văn một khả năng diễn đạt trong sáng vừa tạo nét riêng không thể lẫn lộn.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp một số từ vay mượn từ nước ngoài: át-pi- rin, Tờ-ri-cô-da, véc-ni, xe Xkô-đa, Bát-tô, tạch-tạch-sè… Những từ ngữ mang đậm chất quân sự như: Huấn luyện quân sự, bài tập chiến thuật, tác chiến tấn công, khoa mục, thao trường, tập huấn… Những từ ngữ này được sử dụng khá tự nhiên, thích hợp với văn cảnh. Từ Hán Việt cũng được sử dụng nhiều như “Đây là giang

sơn của em rồi” [3; Tr.131] (Mảnh trăng cuối rừng), từ giang sơn vừa mang ý

nghĩa tự hào, tự tin của Nguyệt đã thông thạo chổ ở của mình vừa để đùa vui.

Qua cách nói của giới bộ đội có thể hình dung được sự vui nhộn, dí dỏm. Trong Nhành mai, trung đội trưởng Vũ đã nói với Lương: “Đừng có giả đò nữa bố

ạ” [3, tr. 20] hay khi giới thiệu mình với Sơn, anh đã nói: “Các cậu ấy gọi mình là số hai “cá gỗ”” [3, tr. 58] hay khen bạn bằng cách nói vui tính: “Thằng này đánh

nhau được!” [3, tr. 60] (Những vùng trời khác nhau). Cách Nguyệt hỏi Lãm:

“Anh đi bóng “quả táo” hay đi bóng “quả dưa” đấy?” [3, tr. 121] (Mảnh trăng cuối rừng). Từ ngữ được tác giả sử dụng một cách tự nhiên, có sức gợi cảm và

được đặt rất đúng chỗ.

Nhà văn thật xuất sắc khi tìm ra các từ và kết hợp chúng với nhau để đạt hiệu quả cao nhất cho câu văn. Hơn thế nữa, các từ ngữ này “khi đã được tái hiện lại

trong tâm trí người tiếp thụ thì có khả năng rung động mọi cảm giác của con người” [25, tr. 255]. Đó là quá trình lao động công phu để có thể đạt tới mức không có một từ khác trong ngôn ngữ có thể thay thế được.

“Qua tấm kính ướt hơi sương, mảnh trăng nằm giữa những tảng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng lòe nhòe, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc lại thấy rơi tõm xuống khoảng tối của rừng

già” [3, tr. 125]. Ánh trăng nhẹ nhàng trong sáng len lỏi khắp nơi, xua tan cái vắng

lặng, âm u của rừng già, giữa khoảnh khắc căng thẳng và im ắng của chiến tranh. Ánh trăng càng trở lên xinh đẹp hơn khi chính nó làm sáng bừng lên vẻ đẹp của Nguyệt. “Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời sáng trong như một mảnh bạc” [3, tr. 125], những tia sáng lấp lánh lồng đầy khung cửa xe khiến cho mỗi sợi

tóc của Nguyệt đều ánh lên. Cuối truyện là hình ảnh trăng “rồi trăng đội chỏm cây

từ từ nhô lên (…) Ánh trăng khuya lặng lẽ soi đầy trên mái, và đoạn đường đầy vết xe trước cửa” [3, tr. 136]. Ngôn ngữ trong đoạn này là sự kết tinh, sự chọn lọc

và nâng cao của từ ngữ, nó có khả năng tạo nên chất thơ cho câu văn và luồng lách vào tận những nổi niềm sâu kín trong thế giới nội tâm của con người.

Hơn hết, trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giai đoạn trước 1975, cách sử dụng ngôn từ đặc sắc ấy đã tạo nên những hình ảnh biểu tượng thường được dùng như những tín hiệu thẩm mĩ giàu sức truyền cảm nhằm biểu đạt cho những tư tưởng, tình cảm lớn lao của thời đại. Đó là những hình ảnh biểu tượng cho tình yêu quê hương đất nước (Những vùng trời khác nhau), là sức sống mãnh liệt và ý chí chiến đấu kiên cường (Nhành mai), là cội nguồn gắn kết các dân tộc anh em (

Nguồn suối)… Hình ảnh biểu tượng thường xuất hiện trong bối cảnh của chiến

tranh. Ánh trăng bàng bạc trên những cánh rừng Trường Sơn không làm xóa lấp đi được sự hiện diện của ngọn đèn pháo sáng trong tâm trí người chiến sĩ lái xe, bầu trời xanh lồng lộng trên đầu người chiến sĩ cao xạ trong phút chốc có thể bị bao

trùm bởi mịt mù khói lửa. Tuy nhiên, chúng không phải được dùng để diễn tả sự khốc liệt của chiến tranh mà chủ yếu được dùng như những chất liệu giúp tạo nên

chất trữ tình lãng mạn cho câu chuyện. Ở trên đã nói đến vai trò của ánh trăng

trong việc đem lại một không khí đậm đà chất thơ cho câu chuyện tình của đôi bạn trẻ trong Mảnh trăng cuối rừng. Trong Nhành mai cũng có những giây phút mà dườngnhư hiện thực ác liệt của chiến tranh đã bị mờ đi, nhường chỗ cho sự bay

bổng của tình yêu: “Bên vại nước, gốc mai cổ thụ đứng im lặng, đan cành trên đầu

hai chúng tôi, những nụ hoa mai trắng ngần đang đơm đầy cành. Tôi kéo mái tóc Thận sát ngực, cùng đứng bên nhau trước mảnh sân hồi lâu trước khi chia tay”

[tr.26]. Tương tự “Mảnh trăng cuối rừng”, những nụ mai trắng ngần đóng vai trò là chứng nhân cho tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của nhân vật. Thường gắn với những giây phút mộng mơ, suy tư ngẫm ngợi của nhân vật, hình ảnh biểu tượng còn như là những phương tiện giúp khám phá vẻ đẹp khuất lấp bên trong tâm hồn con người. Những dòng suy tư của Lê về “những vùng trời khác nhau” đánh d ấu một bước chuyển sâu sắc trong nhận thức của anh về tình đồng đội, về tình yêu đối với vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. “Mảnh trăng” nơi cuối rừng đã không chỉ giúp Lãm khám phá được những vẻ đẹp của Nguyệt mà đồng thời còn soi chiếu làm rõ nét hơn vẻ đẹp trong tâm hồn anh. Các hình ảnh “gốc sắn”, “nguồn suối”, “nhành

mai”… trong mỗi truyện đều được sử dụng như những biểu tượng song song với

quá trình tác giả khắc họa tâm lí, tính cách nhân vật, giúp người đọc thấy rõ hơn những vẻ đẹp khác nhau của con người trong vẻ đẹp chung của cộng đồng, dân tộc. Trong quan hệ với sự vận động của cốt truyện, sự xuất hiện lặp đi lặp lại các hình ảnh biểu tượng thường có ý nghĩa bổ sung cho hình tượng nhân vật cũng như việc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Những “nhành mai” xuất hiện nhiều lần là

biểu tượng cho phẩm chất của con người và đất làng Đằng, bị đốt cháy, bị chặt trụi dưới bàn tay tàn ác của giặc nhưng rồi vẫn cứ sống, đâm chồi nảy lộc. Trong “Mảnh trăng cuối rừng”, mảnh trăng non mờ ảo càng về khuya càng sáng tỏ để rồi sau đó không lặn đi mà hóa thân vào bên trong cô Nguyệt, tỏa ánh sáng dẫn đường cho người khác. Đó là một câu chuyện đẹp đậm màu sắc lãng mạn gợi sự tìm kiếm và phát hiện “hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người”, điều mà Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở suốt dời cầm bút của mình. Hạt ngọc ấy ông đặt vào Nguyệt, người con gái đã tạo ấn tượng cho người đọc một sức sống trong trẻo lạ kỳ. Lãm băn khoăn tự hỏi về sức sống mãnh liệt của sợi chỉ xanh bé nhỏ trong lòng Nguyệt,

tái hiện lại hiện thực chiến tranh từ cái nhìn của người đang yêu, cái tôi nội tâm, cái tôi tâm lý của nhân vật hoàn toàn lấn ác cái tôi chủ quan.

Một phần của tài liệu SƠ LƯỢC VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU QUAN NIỆM VỀ HIỆN THỰC VÀ CON NGƯỜI TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN “NHỮNG VÙNG TRỜI KHÁC NHAU (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w