Sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ chính là nhịp điệu. Nhịp thơ có thể hiểu đó là sự luân phiên của vần thơ, sự luân phiên của các chỗ ngừng nghỉ, sự luân phiên của thanh điệu… Chính sự luân phiên đều đặn các yếu tố dòng thơ, vần thơ, thanh điệu một cách có quy luật mà giọng đọc của thơ so với văn xuôi thường chậm dãi hơn, lên bổng xuống trầm nhiều hơn, chỗ nhấn chỗ lướt cũng trở nên đa dạng, nhiều hình vẻ hơn. Nhịp điệu được coi là phương tiện truyền cảm nghệ thuật rất có hiệu lực của thơ. Đọc thơ không thể hiện được nhịp điệu thì không phải là đọc thơ. Đọc thể hiện đúng nhịp điệu là thể hiện đúng tư tưởng, tình cảm của bài thơ và truyền cảm được cách hiểu của người đọc đến cho người nghe. Việc sử dụng các sắc thái khác nhau của nhịp điệu sẽ đem lại cho ngôn ngữ thơ một sức mạnh đặc biệt. Với những nội dung khác nhau, tư tưởng, tình cảm khác nhau mà thơ sẽ có cách tạo nhịp khác nhau. Có rất nhiều nhịp thơ như: nhịp 2/2; nhịp 2/3; nhịp 3/2; nhịp 4/4; … Sự ngắt nhịp khác nhau như vậy buộc người đọc cũng phải có ngữ điệu đọc khác nhau.
Trước hết, GV phải đọc mẫu, yêu cầu của việc đọc mẫu đối với GV đó là đọc đúng, chuẩn ngôn ngữ, giọng đọc hay, truyền cảm, thể hiện được cái hồn và ý của tác giả đến đối tượng HS. Sau đó cho HS lắng nghe và nhận xét về nhịp của bài thơ. GV đọc hai lần, lần hai đọc chậm hơn để HS phát hiện được nhịp thơ.
GV cho HS làm việc theo nhóm, cho các em đọc thầm và tự thảo luận với nhau để tìm ra cách ngắt nhịp cho bài thơ đúng nhất.
VD: Bài Cô giáo lớp em- Tiếng Việt 2, tập 1. Sau khi GV đọc mẫu lần một, cho HS định hình được nhịp điệu của bài thơ. GV đọc lại lần hai (có thể cho một HS khá của lớp đọc)- đọc chậm và ngắt nghỉ đúng giọng điệu. HS sẽ
lắng nghe và sau đó các em sẽ cùng thảo luận nhóm, đọc thầm trong nhóm và rút ra kết luận cho nhịp điệu bài thơ là nhịp 3/2, cụ thể:
Sáng nào em /đến lớp // Cũng thấy cô /đến rồi // Đáp lời chào /cô ạ! // Cô mỉm cười /thật tươi. //
Cô dạy em /tập viết //
Gió đưa thoảng /hương nhài // Nắng ghé vào /cửa lớp // Xem chúng em /học bài. //
Cách ngắt nhịp như vậy tạo ra giọng điệu nhẹ nhàng, tình cảm và thiết tha, diễn tả sâu sắc tình cảm của cô và trò dành cho nhau thật ấm áp và gần gũi.
Mỗi thể thơ, do những đặc tính khác nhau về câu chữ, về đặc trưng thể loại mà cũng có những nét khác nhau về nhịp điệu. Do vậy sau khi cho HS thảo luận tìm ra cách ngắt nhịp GV cần tổ chức hoạt động trình bày bài thơ theo cách ngắt nhịp mà các em cho là hợp lí. Có thể tiến hành bằng cách cho các nhóm thi trình bày bài thơ, sau đó các nhóm khác nhận xét, bổ sung.
VD: Bài thơ Bầm ơi của nhà thơ Tố Hữu- Tiếng Việt 2, tập 2. Sau khi thống nhất cách ngắt nhịp cho toàn bài, GV cho HS đọc ngắt đúng giọng một khổ thơ tiêu biểu nhất. Cho đại diện các tổ lần lượt đọc khổ thơ đó và các nhóm khác theo dõi, nhận xét cách ngắt nhịp, giọng đọc của nhóm đó. Với bài thơ này thì phải ngắt theo nhịp 2 để diễn tả tình mẹ con thắm thiết, sâu nặng giữa người chiến sĩ ngoài tiền tuyến với người mẹ tần tảo, giàu tình thương nơi quê nhà:
Bầm ơi, /sớm sớm /chiều chiều // Thương con, /bầm chớ /lo nhiều /bầm nghe //
Con đi /trăm núi /ngàn khe // Chưa bằng /muôn nỗi /tái tê /lòng bầm //
Chưa bằng /khó nhọc /đời bầm /sáu mươi. //