Bên cạnh việc giúp HS đọc đúng, đọc diễn cảm bài thơ thì việc đi sâu tìm hiểu nội dung, ý nghĩa bài thơ và cái đẹp trong ngôn từ thơ cũng rất quan trọng. Hầu hết, những bài thơ trong chương trình Tiểu học đều mang ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng, nó thể hiện đặc sắc thông qua những hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc với tuổi thơ. Việc tìm hiểu, khai thác những hình ảnh đẹp trong thơ là rất cần thiết giúp cho quá trình dạy học Tập đọc đạt hiệu quả cao.
Sau khi cho HS luyện đọc, GV cho các em thảo luận nhóm tìm ra những từ ngữ, hình ảnh đặc sắc của bài thơ.
Sau đó GV yêu cầu các em giải thích cái hay, ý nghĩa của những hình ảnh thơ đó qua sự hiểu biết của bản thân, GV cũng có thể cho các em đặt câu với những hình ảnh thơ đó. GV rút ra kết luận chung nhất về nét nghĩa của hình ảnh đặc sắc đó. Và cuối cùng cho HS luyện đọc câu thơ, khổ thơ hoặc cả bài thơ đó, chú ý nhấn giọng những hình ảnh thơ hay để diễn tả cảm xúc, tạo cho bài thơ lôi cuốn người nghe.
VD: Khi dạy bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà thơ Đặng Hiển- Tiếng Việt 3, tập 1. Khổ thơ cuối bài có một hình ảnh so sánh rất hay đó là:
Mẹ về như nắng mới Sáng ấm cả gian nhà
GV phải cho các em phát hiện ra hình ảnh đặc sắc của câu thơ và yêu cầu các em giải thích vì sao lại so sánh mẹ như nắng mới làm sáng ấm cả gian nhà? Qua đó chúng ta cũng có thể rút ra được ý nghĩa chung của cả bài thơ: Ca ngợi tình cảm yêu thương nhau của mọi người trong gia đình, đặc biệt là mẹ có ý nghĩa lớn lao. Khi mẹ vắng nhà, nhất là vắng nhà vào ngày bão, cả ngôi nhà cũng buồn và ướt lạnh vì mưa, ba bố con đều nhớ mẹ. Khi mẹ về, cả nhà đều vui, cũng là lúc cơn bão qua, bầu trời xanh trở lại, chính vì thế có thể so sánh mẹ như nắng mới làm sáng ấm cả gian gian nhà.
Như vậy, khi dạy đọc thơ, GV không chỉ chú ý đến cách ngắt nhịp, gieo vần, thể thơ mà còn phải chú ý đến hình ảnh, ngôn từ trong thơ, vì thơ là cách diễn đạt cuộc sống bằng những hình ảnh cô đọng, hàm xúc nhất. Qua việc khai thác những hình ảnh đặc sắc đó mà có tác dụng cho quá trình đọc của các em có kết quả tốt, các em biết nhấn giọng diễn cảm hơn với những hình ảnh thơ hay.
Đó là một số biện pháp dạy đọc văn bản thơ chú ý về đặc trưng thể loại mang lại tính ưu việt cho quá trình dạy học Tập đọc. Những biện pháp trên làm nguồn ngữ liệu cho GV áp dụng vào quá trình dạy học của mình. Nhưng, kết quả giờ học có đạt không lại tuỳ thuộc vào sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối tượng cụ thể và cách kết hợp của từng GV.